.

Bao giờ trẻ em khuyết tật được hòa nhập cộng đồng?

.

Hiện nay, thành phố Đà Nẵng có gần 2 nghìn trẻ em khuyết tật, trong đó: khuyết tật vận động chiếm tỷ lệ 21%, khuyết tật thị giác 8%, khuyết tật thần kinh trí tuệ 13,5%, khuyết tật khác chiếm 19,3%; trẻ được chăm sóc từ nguồn ngân sách Nhà nước chiếm 33,2%. Theo thống kê của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, hiện nay cả nước có khoảng 1,2 triệu TEKT, trong đó nhiều em không được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời.

Người khuyết tật khi vào nhà hát Trưng Vương xem văn nghệ cần phải có sự trợ giúp của nhiều người lành lặn. Ảnh: THU HOA

Đi chơi, đi siêu thị, nhà sách… với mọi đứa trẻ là chuyện bình thường, nhưng với trẻ em khuyết tật (TEKT), là một nỗi lo thường nhật. Biết bao giờ các em mới thực sự xóa được nỗi lo này?

Biết vui chơi ở đâu bây giờ?
Phụ huynh của em Hồ Gia Bảo, trẻ liệt chân (561/420 Hoàng Diệu) nói: “Thỉnh thoảng tôi có dẫn cháu đi chơi, nhưng nó chỉ ngồi trên xe lăn và nhìn các bạn thôi chứ không thể tham gia được. Những lúc như vậy, mình cũng không muốn đem con đi nữa, nhìn tội lắm”.

Được biết, thành phố đã xây dựng kế hoạch cải thiện khu vui chơi, giải trí, sinh hoạt cho TEKT ở một số xã, phường. Tuy nhiên, khi chúng tôi đem vấn đề này trao đổi với những cơ quan chức năng liên quan thì câu trả lời vẫn là: “Chưa nghe đến kế hoạch này”.

Bà Trần Thị Hồng Vân, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội, bảo vệ chăm sóc trẻ em, thuộc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn thành phố, các điểm vui chơi cho trẻ em còn ít, các công trình có phần thiết kế hỗ trợ TEKT sử dụng lại càng hiếm. Đó là chưa nói đến việc phải xây dựng sao cho phù hợp với các dạng tật”.

Thèm đi siêu thị, nhà sách

Chị Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ nhiệm CLB Ước mơ xanh Đà Nẵng - nơi bảo trợ cho người khuyết tật (NKT), trăn trở: “Mấy em ở câu lạc bộ thèm đi siêu thị lắm. NKT cũng có nhu cầu đi mua sắm như bao người, nhưng đến những nơi đó, họ gặp quá nhiều trở ngại. Họ không đủ sức để lăn xe từ nhà đến Metro hay BigC (trừ những trường hợp ở gần đó).

Nếu đi xe máy 3 bánh hoặc được người khác chở, thì tới nơi, họ di chuyển vào bên trong bằng gì? Dù lối vào BigC có đường dành cho người đi xe lăn, nhưng lại không trang bị phương tiện (xe lăn, xe lắc) cho những khách hàng đặc biệt này sử dụng. Vì vậy, NKT cũng đành chịu”. Chị Hà tha thiết: “Nếu các siêu thị có xe lăn giúp NKT đi lại thoải mái trong khuôn viên, thì việc đầu tiên là tôi sẽ cho các em đi chơi một bữa cho thỏa thích”.

Chị Hà cho biết thêm: “Vài lần, CLB được tặng 20 vé xem phim miễn phí dành cho NKT, nhưng thực chất chỉ có 10 em được đi vì 10 vé còn lại phải dành cho người lành lặn kèm theo để dìu các em vào”. Một bạn khuyết tật tâm sự: “Bản thân NKT không bao giờ muốn nhờ vả ai cả. Họ thích tự làm để khỏi phiền hà và chứng minh rằng mình hoàn toàn tự lo được cho bản thân. Nếu các tụ điểm công cộng có thêm xe lăn thì NKT có thể tự mình đi mà không cần trông chờ vào người khác”.

Với Nguyễn Anh Vũ (Thanh Khê), một thanh niên khuyết tật, đi nhà sách cũng là vấn đề không đơn giản. Đam mê tin học, Vũ rất “khát” sách chuyên ngành, thế nhưng thay vì đi tới nhà sách với nhiều bất tiện, Vũ chọn giải pháp ngồi nhà tìm tài liệu trên mạng Internet. Vũ tâm sự: “Muốn đi đâu đó, đầu tiên phải xem người thân quanh mình có ai rảnh để đi cùng không. Rồi những cuốn sách nằm ngất ngưởng trên kệ, Vũ đâu với tay tới được. Lối đi giữa hai kệ sách cũng quá chật hẹp, mình chống nạng hay lăn xe đều không thoải mái”.

Khi nào mới thực sự được hòa nhập cộng đồng?

Để được làm, được đến những nơi cần thiết như bao người bình thường, NKT đã phải tận dụng tất cả sự kéo léo hoặc phải chịu đựng. Mỗi lần đi siêu thị, Lộc - một thanh niên khuyết tật thuộc CLB Ước mơ xanh Đà Nẵng phải vừa ngồi sau xe máy, vừa… kéo theo cái xe lăn.

Theo lời kể của chị Hà, có em, khi vào Nhà hát Trưng Vương phải cần tới 4 bạn khiêng cả người và xe lên các bậc thang cấp. Xem xong chương trình, em khóc: “Nếu không có mọi người giúp, chắc cả đời em không biết nhà hát là gì”.

Trăn trở lớn nhất từ phía phụ huynh là khi nào con họ mới thực sự được hòa nhập cộng đồng. Mẹ em Hồ Gia Bảo nói: “Nhiều bữa cháu nó cũng muốn tự đi chơi nhưng lại sợ những vật cản như cầu thang, lối đi…”. Không muốn lệ thuộc người khác, nên phần lớn các em tự chọn thái độ sống khép kín. “Bị mù như em, ở nhà là tốt nhất. Ba mẹ đỡ phải lo”, Minh Hiếu, trẻ khiếm thị nói. 

 “Không biết chục năm nữa thằng Hiếu con chị có thể tự đi ra đường nhờ các phương tiện hỗ trợ như biển báo, đồng hồ chỉ giờ, hướng đi… chưa nữa. Nếu có, mình đỡ khổ một, nhưng cháu nó sẽ đỡ khổ mười” - Mẹ Hiếu ao ước.

 

Theo kế hoạch trợ giúp TEKT thành phố Đà Nẵng, giai đoạn 2009-2011, thành phố sẽ hoàn chỉnh, bổ sung chính sách, kế hoạch hành động cụ thể liên quan đến TEKT. Đẩy mạnh công tác truyền thông, vận động để nâng cao nhận thức của cộng đồng về TEKT.

Vận động 70% các gia đình đưa TEKT trong độ tuổi mầm non và tiểu học đi học hòa nhập và tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ phù hợp, sẵn có tại địa phương, tăng 20% tỷ lệ TEKT được sử dụng nước và nhà vệ sinh phù hợp, thuận tiện.

Xây dựng hệ thống phòng ngừa, phát hiện, can thiệp sớm khuyết tật cho trẻ. 100% trẻ được tiêm chủng, bổ sung vi chất dinh dưỡng hằng năm. Đến năm 2011, 45% TEKT được cải thiện chất lượng về phục hồi chức năng theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), giảm 5% tỷ lệ TEKT dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng so với năm 2008, 35% TEKT đặc biệt được hưởng dịch vụ tại các Trung tâm chăm sóc TEKT. 100% gia đình có TEKT thuộc diện hộ nghèo được hỗ trợ một số điều kiện vật chất về chăm sóc, bảo vệ và giáo dục.

 

KHÁNH HÒA - THU HOA

;
.
.
.
.
.