.
BẠO LỰC GIA ĐÌNH

Suỵt! Chuyện tế nhị

.

Giải pháp cho nạn bạo lực gia đình (BLGĐ) không đơn thuần là chữa lành vết thương trên thân thể người phụ nữ sau những trận đòn nhừ tử của chồng, hay thuyết giảng dăm ba câu thế nào là hạnh phúc. Đã có thêm nhiều cách khác để chống BLGĐ, nhưng quanh đi quẩn lại cũng tại đó là “chuyện tế nhị”, thành ra khó giải quyết vô cùng.

Im re re… cũng chết!

Ba mẹ giải quyết việc gia đình bằng bạo lực thì trẻ em sẽ là đối tượng đầu tiên hứng chịu hậu quả này.TRONG ẢNH: Trẻ em đường phố thi vẽ tranh phòng chống bạo lực gia đình.  

Trung tâm hỗ trợ kết hôn, thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Đà Nẵng, hằng ngày vẫn tiếp nhận nhiều trường hợp cầu cứu từ chị em bị bạo hành. Cái sự bạo hành theo kiểu “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”. Một cán bộ Hội cho biết: “Lắng nghe những câu chuyện của các chị, bản thân chúng tôi còn chịu không nổi, huống gì người trong cuộc”. Cán bộ này kể: “Có trường hợp, sau khi nghe tâm sự của một chị, chúng tôi gọi điện thoại trực tiếp cho chồng chị để trao đổi. Nghe chúng tôi nói, anh ấy dạ dạ, vâng vâng rất thành khẩn. Nhưng ngay sau đó, anh gọi điện thoại cho vợ (lúc chị còn ngồi bên chúng tôi) quát: “Tối nay, mày chết với tao!”.

Một chị thuộc giới trí thức, có chồng là giám đốc, nhưng đời sống gia đình không thuận hòa nên tìm đến Hội LHPN để chia sẻ. Biết chuyện, người chồng bắt vợ viết… bản kiểm điểm vì cái tội “Đi nói xấu chồng”. Chị viết xong, anh xem và phê: “Viết chưa đạt, đề nghị viết lại”. Chị đành mang bản kiểm điểm đến nhờ Hội LHPN tháo gỡ giúp sự trớ trêu.

Không hiếm ông chồng, sau khi biết vợ tìm đến Trung tâm hỗ trợ kết hôn kể chuyện gia đình, thay vì chửi bới, quát tháo, lại trở nên lạnh lùng như một tảng băng giữa nhà. “Các anh không thượng cẳng chân, hạ cẳng tay mà im lặng cũng đủ chết”, chị cán bộ Hội nói thêm.
 
Đội cảnh sát nữ, bao giờ?

Một công việc gây trăn trở và hao tổn nhiều nước mắt của Hội Phụ nữ cơ sở là hòa giải khi hội viên phụ nữ có xung đột gia đình. Các chị cho biết: “Lắm khi trưa hoặc đêm hôm, chúng tôi phải đến nhà ngồi nghe các chị… khóc”. Nhưng dường như, khả năng hòa giải của các cán bộ Hội cơ sở chỉ đến đó! Gặp phải những ông chồng ngang tàng, hung dữ, lắm khi các chị cũng chỉ biết nín thin thít, đợi qua cơn nóng giận của anh chồng rồi tìm cách vỗ về chị em.

Chưa kể, có những cán bộ bị gia đình cấm cản: “Không sợ bị đánh hay răng mà nhào vô chuyện nhà người khác?”. Không gọi cán bộ Hội thì trông nhờ công an, nhưng lại có trường hợp người chồng chỉ hành hung bằng lời nói chứ chưa thể hiện bằng hành động bạo lực cụ thể nên các chị đành thua vì không có chứng cứ.

Trước thực tế trên, Hội LHPN vừa đề xuất ý tưởng thành lập Đội cảnh sát nữ chuyên hỗ trợ phụ nữ giải quyết các vụ việc BLGĐ. Bị chồng mắng chửi, gọi cảnh sát. Bị chồng đánh đập, gọi cảnh sát, thấy vợ chồng nhà hàng xóm suốt ngày gây nhau, gọi cảnh sát… Nói chung, gặp bất kỳ tình huống nào liên quan đến bạo hành mà phụ nữ không tự giải quyết được, có thể gọi Đội cảnh sát của “phe mình”.

Ý tưởng thành lập Đội cảnh sát nữ ngay khi vừa đưa ra đã gặp những ý kiến trái chiều. Dù đây là mô hình đã được thực hiện thành công tại một số quốc gia, nhưng tại Việt Nam nói chung, Đà Nẵng nói riêng, đó là một câu chuyện chưa đi đến hồi thống nhất vì Đội cảnh sát nữ không thể tồn tại độc lập, mà dễ vướng phải sự chồng chéo nhiệm vụ, quyền hạn với một số bộ, ngành liên quan khác. 

Bi-hài chuyện xử phạt!

Dĩ nhiên, những ông chồng đã có hành vi hành hung vợ sẽ bị xử phạt hành chính hoặc cao hơn, dựa trên cơ sở pháp luật. Nhưng người nộp tiền phạt lại là các bà vợ, tay hòm chìa khóa của gia đình. Điều này, hầu như cán bộ phụ nữ nào cũng hiểu rõ và càng thông cảm hơn cho sự im lặng nghẹn ngào của các chị em khi gặp hoàn cảnh này.
 
Báo thì hao tiền; chưa kể, kinh tế gia đình bị ảnh hưởng cũng quay lại là nguyên nhân cho những vụ cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt. Đã thế, không khéo thêm mang tiếng “vợ chồng mà tố nhau thì còn tình nghĩa gì”. Một cán bộ phụ nữ nêu sáng kiến: “Nên bắt các ông chồng bạo lực đi làm lao động công ích một buổi thay vì nộp phạt”. Rồi cũng chính chị nghĩ lại: “Mà có khi đi lao động về, ổng hầm hè đánh hơn thì chết”.

Thành phố Đà Nẵng cũng tính đến việc phát chân dung kẻ chuyên bạo lực với vợ con lên truyền hình. Khóc lóc với phóng viên cũng lắm, nhưng khi ống kính hướng đến nhà, các bà vợ lại xin: “Thôi, đưa mặt chồng tôi lên, chắc còn bị bầm dập hơn nữa quá”. Vậy là, BLGĐ đến giờ này vẫn: Suỵt! Tế nhị. 

THU HOA

;
.
.
.
.
.