.

Bệnh tự kỷ ở trẻ em

.

Theo kết quả nghiên cứu của cơ quan chuyên môn, tỷ lệ trẻ em mắc bệnh tự kỷ chiếm từ 2 đến 5 phần nghìn dân số, trong đó, tỷ lệ nam mắc bệnh nhiều hơn nữ. Độ tuổi mà trẻ em thường mắc phải căn bệnh này thông thường từ 3 tuổi trở xuống. Nếu bệnh tự kỷ không được phát hiện, điều trị kịp thời sẽ làm cho trẻ chậm phát triển trí tuệ, không hòa nhập được với môi trường sống chung quanh…

Những biểu hiện bệnh lý



Bác sĩ Khoa Tâm thần trẻ em hướng dẫn cho trẻ mắc bệnh tự kỷ nhận biết các đồ vật.

Bác sĩ Trần Thị Hải Vân, Trưởng Khoa Tâm thần trẻ em, Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng cho biết, bệnh tự kỷ là dạng bệnh trong nhóm rối loạn phát triển xâm nhập, gây ảnh hưởng nhiều mặt đến sự phát triển của trẻ em, nhất là những kỹ năng giao tiếp và quan hệ xã hội. Trẻ mắc bệnh tự kỷ thường có các biểu hiện như: thờ ơ, im lặng, thích ở một mình, ít đòi hỏi sự chăm sóc, ít ngủ, khóc nhiều, khả năng tập trung kém, không phản ứng với âm thanh, không thích thú với các trò chơi nhóm sôi nổi…

Nguyên nhân gây bệnh có thể do tổn thương não, trẻ bị ngộ độc, di truyền từ người thân trong gia đình, môi trường sống… Do bệnh lý phát triển trong giai đoạn trẻ còn quá nhỏ, nên các bậc cha mẹ ít quan tâm, phát hiện kịp thời để đưa con đi điều trị. Trường hợp cháu Ng.D. (5 tuổi), trú phường Thạc Gián (quận Thanh Khê) là một ví dụ. Ông Ng.V.D (ông ngoại cháu D.) kể: Năm 2004, con gái ông sinh cháu D. Khi mới sinh ra, cơ thể cháu D. khỏe mạnh, phát triển bình thường.

Nhưng đến năm hơn 2 tuổi, cháu D. vẫn không biết nói, chậm phản ứng với âm thanh và thích chơi một mình. Thấy vậy, gia đình đưa cháu đi bệnh viện khám, các bác sĩ cho biết thính giác cháu hoạt động tốt, nhưng không hiểu sao cháu D. không nói được. Bác sĩ khuyên gia đình tập cho cháu nói. Mặc dù hằng ngày, gia đình kiên trì tập cho cháu nói, tuy nhiên, đến năm 4 tuổi cháu vẫn không nói được và ngày càng tỏ ra thích chơi một mình. Đến tháng 5-2008, gia đình đưa cháu đến Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng để khám, các bác sĩ ở đây đã phát hiện cháu bị bệnh tự kỷ. 

Cần phát hiện và điều trị kịp thời

Những năm gần đây, số trẻ em trên địa bàn thành phố Đà Nẵng mắc bệnh tự kỷ đến điều trị tại Khoa Tâm thần trẻ em, Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng ngày càng nhiều. Hiện nay, Khoa Tâm thần trẻ em đang điều trị cho 10 trẻ mắc căn bệnh này. Phương pháp điều trị mà các bác sĩ ở đây áp dụng chủ yếu là luyện tập cho các cháu các kỹ năng như: tiếp nhận ngôn ngữ, thể hiện ngôn ngữ, bắt chước, tập trung chú ý, tự chăm sóc bản thân… để giúp trẻ tự tin hòa nhập cộng đồng.

Ngoài giờ tập luyện ở bệnh viện, các bác sĩ còn hướng dẫn cho gia đình hằng ngày thường xuyên tập luyện cho các cháu ở nhà. Nhờ áp dụng tốt các biện pháp, cách điều trị này đã đạt được những kết quả rất khả quan, giúp nhiều trẻ bị bệnh tự kỷ dần khỏi bệnh và tự tin hòa nhập cộng đồng. Ông Ng.V.D vui mừng cho biết, sau gần một năm được các y, bác sĩ Khoa Tâm thần trẻ em ân cần săn sóc, điều trị, đến nay, cháu D. đã biết nói, biết sử dụng các vật dụng trong gia đình…

Bác sĩ Trần Thị Hải Vân khuyến cáo rằng: Mặc dù tỷ lệ trẻ em mắc bệnh tự kỷ hiện nay không nhiều, song nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời, sẽ dẫn đến hậu quả trẻ em bị thiểu năng trí tuệ, không hòa nhập được với cộng đồng và trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Vì vậy, các bậc cha mẹ khi phát hiện con em mình có những biểu hiện bất thường về mặt trí tuệ, thì phải đưa ngay đến các trung tâm y tế để khám, xác định bệnh và điều trị kịp thời. Riêng đối với bệnh tự kỷ, nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ tốt cho trẻ em sau này.

Bài và ảnh: NGỌC ĐOAN

;
.
.
.
.
.