Kiệt hẻm vừa nhỏ lại lắm lối dọc ngang, bị bao bọc bởi tường rào cổng ngõ, tuy không náo nhiệt như ở vỉa hè đường phố nhưng cũng không ít những quán nọ, hàng kia bộn bề muôn nẻo mưu sinh...
Đường kiệt bị nghẽn lối do chở hàng. |
Kiệt hẻm không chỉ có trẻ em ôm cặp tới trường, mà còn có cụ già chống gậy lần bước; không chỉ có xe đạp, xe máy ngược xuôi qua lại mà còn có xe bánh mì cơ động đi qua, mẹt hàng quà giữa đường đứng lại; không chỉ có quán nhậu bình dân đứng ngồi chật chội mà còn có nhiều bàn ghế quán cóc mọc đầy. Đường kiệt cũng có giờ cao điểm ken kín lượng người, cũng bị quá tải mỗi sớm, mỗi chiều khi tan tầm, bãi chợ. Hàng xóm bên này mở quán thì láng giềng bên nọ giữ xe; bên này mở điểm hẹn cà-phê thì bên kia cho thuê phòng ngủ trọ. Nhịp sống mưu sinh trong đường kiệt hẻm cứ thế trải dài từ trong nhà ra ngõ, từ ngõ ra đường, cùng bao bọc, chở che, bảo vệ nhau trong quần cư khối phố.
Điều đáng quan ngại hiện nay là, càng ngày lượng xe máy lưu thông trên đường kiệt hẻm càng nhiều, thi thoảng còn có ô-tô con, xe bò chở nguyên vật liệu đi vào. Mặc dù ở nhiều đoạn người dân đã dựng biển báo: “Trẻ em, chạy chậm”, tuy nhiên, những tấm biển nhỏ kiểu này thường bị nhiều vật cản che khuất nên không có tác dụng.
Hơn nữa, nhiều khách lạ từ nơi khác đến thường bị bất ngờ bởi những hàng quán và nhà trẻ nằm sâu trong các đường kiệt nên không chú ý đề phòng và sự cố tai nạn vẫn thường xảy ra. Nếu khi va quệt xảy ra là hàng xóm láng giềng thì còn cười xòa mà bỏ qua, chỉ tội khách nơi xa mà sơ ý gây tai nạn thì đành chịu trận chứ đừng tranh cãi đúng sai mà chuốc thêm sự giận dữ của cư dân ở đây.
Kiệt hẻm có còn là đường giao thông hay không, hay đã bị biến tấu trở thành nơi làm ăn, sinh hoạt của cộng đồng cư dân? Làm gì để bảo đảm an toàn cho giao thông kiệt hẻm? Tất cả đang cần một giải pháp hữu hiệu từ các tổ dân phố và chính quyền cần có đợt ra quân chấn chỉnh làm thông thoáng lối kiệt để xây dựng thành phố ngày càng văn minh, sạch đẹp.
Bài và ảnh: LÊ GIA THỤY