.

Cần hơn một lời khuyên

.

5, 10 năm sau ngày kết hôn, thậm chí thời gian nhiều hơn thế của một cuộc hôn nhân, những nạn nhân của nạn bạo hành gia đình (BHGĐ) đã đến gặp những nhà tư vấn tâm lý, hoặc luật sư, mong một lời khuyên để thoát khỏi những ám ảnh, dày vò mà người bạn đời đã mang lại. Nhưng có lẽ cần hơn một lời khuyên, tức là những ràng buộc pháp luật để không còn nạn BHGĐ trong xã hội.

Thái độ lạnh lùng, không chia sẻ, cô lập, gây áp lực về tâm lý… cũng được xem là một hành vi BHGĐ. (ảnh mang tính chất minh họa)

BHGĐ đã là chuyện “thường ngày ở huyện” ở bất kỳ địa phương nào; trong gia đình trí thức cũng như người lao động chân tay, tồn tại âm ỉ từ trước đến nay và được xem như chuyện riêng của mỗi gia đình. Gần đây có vẻ “nở rộ” khi mỗi ngày hàng chục tờ báo đưa tin về BHGĐ, tạo cho nó trở thành một trong những vấn đề cần giải quyết của xã hội. Bên cạnh đó, nạn nhân của các vụ bạo hành (BH) đã can đảm lên tiếng, nhờ pháp luật và các tổ chức xã hội can thiệp để bảo vệ, nhằm cảnh tỉnh người BH và có thể giữ gìn mái ấm của họ.

Vấn đề BHGĐ được nhìn nhận rất đa dạng, chứ không đơn thuần là những chuyện đánh đập, hành hung giữa hai người, được xếp vào 4 nhóm gồm BH thể chất, kinh tế, tình dục và tâm lý. BH thể chất phần lớn rơi vào nhóm đối tượng là những gia đình lao động chân tay, BH tâm lý thường xảy ra ở những gia đình trí thức, và 2 nhóm BH kia đều xuất hiện trong các nhóm đối tượng.

Trăm dâu đổ đầu... người phụ nữ

Chiếm 60-70% trong số hơn 200 trường hợp đến tư vấn tại Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ kết hôn-Hội LHPN thành phố Đà Nẵng trong 2 năm qua là những người phụ nữ (PN) muốn được giúp đỡ tư vấn về những mâu thuẫn trong cuộc sống gia đình, và đều được xếp vào vấn đề BHGĐ. Chị Lê Thị Mỹ Hạnh, chuyên viên tư vấn ở đây bày tỏ, lâu nay các chị chỉ biết than phiền với người thân, bạn bè. Nhưng khi vượt quá giới hạn chịu đựng, các chị đã buộc mình vào thế cần tâm sự với một chuyên gia hiểu biết về tâm lý, pháp luật; hoặc mong nhận được một can thiệp từ phía các cơ quan chức năng để “cảnh tỉnh” người BH. Họ đến đây, cần một lời khuyên và không muốn nói về vấn đề chia rẽ hay ly hôn.

Và theo truyền thống, tâm lý chuẩn mực của PN Á Đông, những chuyên viên tư vấn sau khi nghe các chị kể về những chuyện họ đang gặp phải, sẽ nhắc đến vai trò của người PN trong gia đình – là người “giữ lửa”. Những bí quyết làm sao để “kéo chồng về với mình” khi người đàn ông có dấu hiệu bỏ mặc vợ; hoặc khi người chồng đang trong tình trạng say xỉn thì người vợ có nên lên tiếng trách móc hay không; hoặc lúc nào cần thì sẽ “xuống nước” nói năng ngọt ngào, mong người chồng chia sẻ công việc gia đình, và lúc nào thì có thể “ra lệnh” để điều khiển được họ.

Tất cả những bí quyết đó, có lẽ người PN nào cũng đã từng được nghe nói đến, nhằm giúp họ tự tin hơn vào bản thân, nâng cao nhận thức để thay đổi hành vi bạn đời. Song, có thực hiện được hay không khi có những ức chế tâm lý, cảm xúc chi phối hành động và lời nói của họ. Và những bí quyết được chia sẻ trên đã từng được thực hiện hay chưa, khi hầu hết trong các gia đình Việt Nam, cũ cũng như mới, người PN vừa phải kiếm tiền, chăm sóc con cái, vừa phải làm việc nhà mà không được phân chia công việc bình đẳng.

Khi có những hoàn cảnh cụ thể cần được tư vấn, các chuyên viên tư vấn sẽ tìm gặp người BH và những người thân trong gia đình để nghe họ nói về hành vi, thái độ của mình. Với những trường hợp BH thể chất, đối tượng sẽ bị đưa vào diện theo dõi của các cấp chính quyền địa phương từ người hàng xóm đến công an phường, quận. Nếu BHGĐ có thể ảnh hưởng đến tính mạng của người PN, con cái và những người thân khác trong gia đình, đối tượng sẽ bị phạt hành chính, nếu tái phạm sẽ bị đưa ra tòa với các khung hình phạt do Luật Hình sự quy định

Cần có lớp học “tiền hôn nhân”

LS Đỗ Pháp: Pháp luật đã quy định các hành vi, tội danh liên quan đến BHGĐ, cần kiên quyết để không đồng lõa với cái xấu.

Với 1.645 hòa giải viên là cán bộ Hội PN cấp cơ sở trong toàn thành phố, nhìn chung các đối tượng BHGĐ đều dễ dàng bị phát hiện (với BH thể chất; còn BH kinh tế, tinh thần, tình dục là những điều rất khó nói, trừ khi người trong cuộc lên tiếng). Chị Mỹ Hạnh nhìn nhận rằng, những hòa giải viên với sự nhiệt tình, có nhiều kinh nghiệm cũng như tuổi đời... nhiều năm qua đã thực hiện rất thành công việc hòa giải ở các tổ dân phố, ngăn chặn khá nhiều vụ BHGĐ. Nhưng một hạn chế khá lớn của họ là khi đến hòa giải thì chỉ tập trung về người PN với lời khuyên họ cần nhẫn nhịn, khiến cho vấn đề BHGĐ không được giải quyết dứt điểm ở người gây ra BH-tức cần nói về vấn đề vi phạm pháp luật.

Chị Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Chủ tịch Hội LHPN quận Thanh Khê còn nêu lên một thực tế là nhiều chị đã gửi đơn tố cáo chồng nhưng sau đó rút đơn về, và nếu người chồng bị công an phường phạt về hành vi gây rối trật tự công cộng thì chính người vợ bỏ tiền túi ra nộp phạt; hoặc nhiều chị hôm nay lên tiếng tố cáo hành vi BH, hôm sau đã tự xí xóa và cho qua chuyện cũ. Những hành động đó khiến cho việc thực thi pháp luật không được nghiêm.

Luật sư Đỗ Pháp cho biết, 50% các vụ án hôn nhân gia đình mà ông đã từng tham gia tư vấn, tố tụng có liên quan đến BHGĐ, nhưng chưa có vụ nào đến mức độ xử lý hình sự. BHGĐ bao gồm những hành vi cố ý gây thương tích, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác... thì không nên du di và cần bắt buộc thực hiện. Nếu tái phạm thì việc xử lý hình sự là cần thiết, nếu không kiên quyết sẽ đồng lõa với cái xấu, xói mòn niềm tin, tâm lý của người bị BH. Nên có các bài giáo dục bắt buộc cho nam nữ đến tuổi trưởng thành và tuyên truyền giáo dục chung cho toàn xã hội...

Khi những thiết chế văn hóa, đạo đức chuẩn mực đang ngày càng có nhiều thay đổi thì nên chăng cần có các lớp học “tiền hôn nhân” bắt buộc đối với nam nữ trước khi kết hôn, để họ có một “bản lề” hành vi, hiểu biết pháp luật trước khi tạo lập một cuộc sống riêng tư. Vấn đề này chưa từng được đề cập trong Luật Hôn nhân gia đình cũng như Luật Phòng, chống Bạo lực gia đình. Nếu những vấn đề liên quan tới BHGĐ không được chung tay xóa bỏ, thì đạo đức, nhân phẩm sẽ tiếp tục bị xói mòn; tính dân chủ xã hội bị mất đi; thế hệ tương lai tiếp tục bị ảnh hưởng; sự bền vững của gia đình bị suy giảm. Đau đớn nhất, là có những người con khi trưởng thành đã lặp lại hành vi BHGĐ mà khi còn nhỏ, chúng được chứng kiến.

HOÀNG NHUNG

;
.
.
.
.
.