.

Cẩn trọng khi tắm biển

.

(ĐNĐT) - Đà Nẵng bắt đầu vào mùa nắng nóng, người dân và  du khách đổ ra các bãi biển  ngày một đông. Tuy nhiên, chỉ trong một tuần vừa qua đã xảy ra hai vụ tai nạn chết người khi tắm biển đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự an toàn khi tắm biển.

Theo ông Hồ Văn Ánh, Trưởng Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển Du lịch thành phố Đà Nẵng, trong năm 2008, có 4 trường hợp chết đuối ở các bãi biển trên địa bàn thành phố và các đội cứu hộ đã cứu được 192 trường hợp (trong đó có 12 du khách quóc tế, đi tắm biển gặp sự cố).

Nhưng chỉ từ đầu năm 2009 đến nay, đặc biệt chỉ trong vòng một tuần, từ ngày 21 đến 27-2 vừa qua, đã có hai trường hợp chết đuối khi tắm biển và một trường hợp phải nhập viện vì ngộp nước tại bãi tắm cuối đường Phạm Văn Đồng, Mỹ Khê.

Một trường hợp tắm biển bị chết đuối vào cuối tháng 2-2009.

Lúc 16h30 ngày 21-2, hai du khách Trần Văn Đức (61 tuổi) và Ngô Dương Hùng (60 tuổi), cùng trú tại Hà Nội, khi đang tắm tại bãi biển cuối đường Phạm Văn Đồng thì rơi vào dòng nước xoáy. Lực lượng cứu hộ đã ứng cứu nhưng ông Đức bị chết đuối còn ông Hùng phải nhập viện vì ngộp nước. 

Một tuần sau đó, chiều 27-2, tại bãi biển Mỹ Khê cách vị trí nói trên không xa, sinh viên Nguyễn Minh Vũ (năm 2 Khoa Kế toán, Trường Đại học Duy Tân, quê Quảng Bình) cùng 3 người bạn đi tắm biển. Nhưng khi ra về, 3 người bạn không tìm thấy Vũ, cho đến khi một người bán nước thấy xác Vũ trôi dạt vào bờ lúc 23h30 đêm hôm đó.

Ông Hồ Văn Ánh cảnh báo: “Những vùng xoáy nguy hiểm tại bãi biển Đà Nẵng luôn thay đổi theo thời tiết. Tại vùng xoáy, mặt biển rất lặng, nhiều người không quan sát bảng cảnh báo của lực lượng cứu hộ, thường chọn nơi đó để tắm. Ngoài ra, còn rất nhiều trường hợp chủ quan, xuống biển sau khi sử dụng bia rượu, những người bị bệnh tim mạch”.

Ông Trịnh Văn Sang (56 tuổi, trú phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng), một ngư dân lâu năm cho biết: “Vùng nước xoáy nguy hiểm ở chỗ những con sóng ngầm dưới mặt biển bất ngờ kéo người tắm ra xa, người tắm càng cố bơi vào bờ thì lại càng bị kéo mạnh ra xa nên đâm ra hoảng hốt và đuối sức rất nhanh. Do vậy, nếu khi rơi vào vùng xoáy, người tắm biển nên bình tĩnh bơi hẳn ra ngoài theo chiều rút của xoáy, rồi mới bơi trở vào bờ theo hướng khác”.

Trong khi đó, tại các bãi tắm ở thành phố Đà Nẵng, lực lượng cứu hộ chỉ như muối bỏ biển trước số lượng người đổ ra biển, đặc biệt là các em thiếu nhi và du khách ở nơi khác đến không biết những vị trí nguy hiểm. Theo Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển Du lịch, trên các bãi biển hiện chỉ có 14 trạm gác với 67 người trong Đội cứu hộ bãi biển. Vào giờ cao điểm, từ 16h30 đến 19h, 3 - 4 nhân viên cứu hộ vừa theo dõi từ trên bờ, vừa sử dụng thúng chai giám sát trên biển. Còn từ 7h sáng đến 16h30 mỗi ngày, chỉ có một nhân viên túc trực trên các chốt quan sát. Trong năm 2009 này, ông Ánh cho biết, sẽ bổ sung thêm khoảng 10 nhân viên cứu hộ khi thành phố sẽ có thêm 7 bãi tắm công cộng mới đưa vào hoạt động.

Mùa hè sắp đến, những cảnh báo về nguy cơ khi tắm biển, ngay từ bây giờ, là hết sức cần thiết. Bên cạnh nỗ lực của lực lượng cứu hộ và những cảnh báo, chỉ dẫn của lực lượng chức năng, mọi người dân khi tắm biển cần phải ý thức để tự bảo vệ mình trước những vùng nước xoáy.

Lục Ngạn

;
.
.
.
.
.