.

Cháy chợ, đã có người lo

.

Trong khi các cấp, các ngành đang nỗ lực trong việc phòng cháy chữa cháy (PCCC), nhất là mỗi khi mùa nắng nóng đến nhằm hạn chế đến mức thấp nhất hỏa hoạn xảy ra, đặc biệt là ở các chợ, trung tâm thương mại thì các tiểu thương ở đây vẫn thờ ơ và hầu như phó thác mọi chuyện cho cơ quan chức năng. Do đó, nguy cơ cháy nổ tại những nơi này vẫn còn nhiều tiềm ẩn và phức tạp...

Chợ - nơi tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ

Nhiều hộ kinh doanh mặt hàng dễ cháy nhưng không biết dùng bình
chữa cháy.

Thành phố Đà Nẵng hiện có khoảng 10 chợ có quy mô vừa và lớn cùng hàng chục chợ nhỏ khác, chưa kể đến những chợ tạm, chợ xép. Hầu hết các chợ lớn, nếu nhìn từ bên ngoài, cũng khá bề thế nhưng có vào bên trong mới thấy hết những tiềm ẩn nguy cơ về cháy nổ. Theo ghi nhận của chúng tôi, vi phạm phổ biến trong công tác PCCC của chủ các ki-ốt hiện nay là việc tận dụng tối đa không gian để trưng bày hàng hóa, kể cả hàng hóa dễ cháy cũng xếp chồng lên các ổ cáp điện, cầu dao, dây điện gây chập cháy.

Tại một số chợ như chợ Hàn, Hòa Khánh, Trung tâm Thương nghiệp Đà Nẵng…, có rất nhiều ki-ốt mà mặt hàng nhạy cảm với cháy nổ như áo quần, nón lá, chiếu chăn, giày dép, hương đèn… kê chồng lên nhau dày đặc; thậm chí có nhiều ki-ốt còn tùy tiện để hàng hóa lấn cả lối đi, gây cản trở cho người đi lại, ảnh hưởng lớn đến công tác chữa cháy nếu có sự cố cháy nổ xảy ra.

Nguy hiểm hơn, tại Trung tâm Thương nghiệp Đà Nẵng và chợ Hòa Khánh, nhiều hộ còn treo đến 4, 5 bóng đèn tuýp trên trần chật cứng, kèm thêm quạt, ti-vi rất nguy hiểm về sự cố chập điện; nhiều dây điện nối vào ổ cắm không có phích cắm. Hơn nữa, các ki-ốt thường là một dãy dài liên tục, không có tường rào bao quanh, nhiều chợ còn nằm sát nhà dân, vì vậy nguy cơ cháy lan giữa chợ và nhà dân là chuyện rất dễ xảy ra khi có hỏa hoạn.

Năm 2008, trong tổng số 74 vụ hỏa hoạn xảy ra thì có đến 33 vụ do sự cố điện… Vì vậy, đối với các hộ kinh doanh ở các chợ cần nâng cao ý thức PCCC nhằm hạn chế thấp nhất những thiệt hại do sự cố cháy, nổ gây ra.

PCCC là việc của cơ quan chức năng!?

Báo cáo của Phòng Cảnh sát PCCC cho biết, trong năm 2008, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng xảy ra 18 vụ cháy tại các cơ sở dịch vụ kinh doanh. Nguyên nhân chính là do sự chủ quan của con người. Vì vậy, mặc dù hiện nay, công tác PCCC được các cấp, các ngành hết sức quan tâm, đặc biệt là tại các chợ, thì đại đa số tiểu thương lại ít quan tâm đến vấn đề này. Bởi lẽ các hộ kinh doanh cứ cho rằng mình chỉ lo việc bán buôn, còn PCCC là việc của cơ quan chức năng.

Tại chợ Hòa Khánh, hỏi một số tiểu thương về cách sử dụng bình chữa cháy thì dường như nhiều người không biết, mặc dù theo Ban quản lý chợ, việc tập huấn PCCC cho bà con tiểu thương cũng được tổ chức thường xuyên. Thực tế, cũng có nhiều tiểu thương đi dự lớp tập huấn, nhưng đi cho có, còn việc “học” chữa cháy thì ít để ý, dẫn đến không biết dùng các dụng cụ chữa cháy. Một chủ ki-ốt kinh doanh hàng nhạy cảm với cháy nổ còn hồn nhiên hơn:
 
“Lo chi mấy chú, cháy đã có bảo vệ, Ban quản lý chợ rồi”. Thực trạng trên không chỉ có ở chợ Hòa Khánh, các chợ khác cũng đều xảy ra. Trong thời gian qua, tại Đà Nẵng chưa xảy ra cháy chợ lớn. Vì điều này mà ý thức của người kinh doanh trong việc PCCC chưa cao. Để khắc phục tình trạng này, các ngành chức năng cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về PCCC, nhất là khi mùa nắng nóng đang cận kề.

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

;
.
.
.
.
.