.

Chớ nên “Xấu chàng hổ em”

.

Bạo lực gia đình (BLGĐ) làm tổn thương sức khỏe, thể xác và tinh thần không chỉ cho nạn nhân mà còn ảnh hưởng đến những người chung quanh, gây ra nhiều hậu quả xấu cho xã hội. Vì vậy, để phòng, chống có hiệu quả nạn BLGĐ cần có những biện pháp thích hợp từ các ngành chức năng, hội đoàn thể, tổ chức xã hội.

Để bạo lực gia đình không xảy ra, các thành viên trong gia đình cần yêu thương chăm sóc lẫn nhau (ảnh có tính chất minh họa).

Thực tế có rất nhiều vụ BLGĐ không được phát hiện kịp thời bởi do nạn nhân thường tìm cách che giấu cho đến khi hậu quả nghiêm trọng xảy ra. Hơn nữa, nạn nhân và các thành viên khác trong gia đình do những ràng buộc về tình cảm và tâm lý “xấu chàng hổ em” nên không muốn “vạch áo cho người xem lưng”. Vì vậy, nạn BLGĐ tuy hằng ngày xảy ra ở nhiều gia đình nhưng cơ quan chức năng và chính quyền không kịp thời phát hiện để giải quyết.
 
Chỉ tính ở quận Thanh Khê, từ năm 2006 đến tháng 9-2008, thống kê của Tòa án Nhân dân quận, trong hơn 1 nghìn vụ án về hôn nhân gia đình thì có đến 150 vụ vợ bị chồng ngược đãi, đánh đập. Riêng từ năm 2006 đến nay, các cấp Hội Phụ nữ đã tiếp nhận và giải quyết hơn 45 vụ bạo lực trong gia đình. Trong đó có nhiều vụ đặc biệt nghiêm trọng gây ảnh hưởng đến tính mạng và phẩm chất người phụ nữ...
 
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề ngăn chặn nạn BLGĐ, bà Nguyễn Thị Hà Thu – Phó Chủ tịch Hội LHPN quận Thanh Khê cho biết: Bức xúc trước thực trạng BLGĐ có chiều hướng diễn biến phức tạp, tính chất ngày càng nguy hiểm, trong năm qua, Hội LHPN quận đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể thực hiện nhiều biện pháp nhằm phòng chống tình trạng BLGĐ.

Trong đó, chúng tôi đề cao công tác tuyên truyền, giáo dục hội viên; tuyên truyền pháp luật về phòng chống BLGĐ, Luật Hôn nhân gia đình, trợ giúp pháp lý cho phụ nữ. Chỉ có thực hiện được điều này mới tác động đến ý thức của người dân về vai trò của người phụ nữ, nhận thức và trách nhiệm của người chồng, người cha trong mỗi gia đình. Đồng thời, vận động hội viên tham gia vào các phong trào thi đua yêu nước do Trung ương Hội phát động như “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”...

Theo chị Nguyễn Thị Hải Lý - Chủ tịch Hội LHPN phường Hòa An, quận Cẩm Lệ, để công tác phòng chống BLGĐ đạt kết quả tốt hơn nữa, cần tuyên truyền và lồng ghép với các hội thi, hội diễn, tiểu phẩm nhằm tác động đến nhận thức của người phụ nữ. Các cấp Hội và từng hội viên phải  thường xuyên tổ chức họp tổ, chi hội để đề ra những giải pháp phòng chống cụ thể hằng tháng, có như vậy mới khắc phục được nạn BLGĐ

Đối với chị Vĩ Thị Xuân - Chủ tịch Hội LHPN phường An Khê, quận Thanh Khê thì để ngăn chặn tận gốc các vụ BLGĐ, vai trò của các cấp, các ngành, nhất là Hội Phụ nữ hết sức quan trọng. Theo kinh nghiệm thực tế của chị Xuân, muốn ngăn chặn BLGĐ phải có tính kiên trì, cần ngăn chặn ngay từ khi mâu thuẫn gia đình mới nảy sinh. Trong thời gian làm công tác Hội, bản thân chị đã từng khuyên răn, hòa giải thành công nhiều cặp vợ chồng vốn dĩ không thể dung hòa được để họ có cuộc sống hạnh phúc.

Chị Xuân cho hay: Nhiều gia đình thấy cán bộ hòa giải tới còn chửi bới rất khó nghe. Nếu mình bức xúc thì mọi việc coi như hỏng... Vì vậy, cần tìm hiểu ngọn ngành mâu thuẫn trong gia đình, từ tốn khuyên răn. Nói chung, việc gì cũng cần có thời gian chứ không nên vội vàng dễ dẫn đến “xôi hỏng bỏng không”.

Việc phòng chống nạn BLGĐ hiện nay được một số địa phương gắn liền với quyền lợi từng cá nhân, các chi hội ở cơ sở trong việc bình xét thi đua cuối năm. Đây là một sáng kiến mới của các cấp hội đoàn thể ở địa phương.

Theo chị Nguyễn Thị Hải Lý - Chủ tịch Hội LHPN phường Hòa An, nếu chi hội nào để xảy ra nạn BLGĐ, nhất là để dẫn tới mức nghiêm trọng thì chi hội đó sẽ bị phê bình và mất điểm thi đua cuối năm; không được xét để bình chọn khu dân cư văn hóa, tổ văn hóa; gia đình nào xảy ra bạo lực gia đình thì bị phê bình, không được công nhận gia đình văn hóa...Đây cũng là một trong những giải pháp hữu hiệu để các chi hội cơ sở tham gia tích cực trong công tác phòng, chống BLGĐ ở địa phương...

TRƯỜNG SƠN

;
.
.
.
.
.