.

Chọn người đứng đầu quyết đoán, dân chủ

.

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 9 (khóa X) vừa qua đã có Kết luận về tiếp tục đẩy mạnh chiến lược công tác cán bộ từ nay đến năm 2020. Trong đó có việc triển khai đề án thí điểm nhất thể hóa chức danh lãnh đạo Đảng, chính quyền ở cấp xã, huyện, tỉnh. Ở một số quận, huyện của Đà Nẵng đã có kinh nghiệm thực tiễn về việc bố trí cán bộ làm Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND phường, xã. Lãnh đạo địa phương đều khẳng định đây là chủ trương đúng đắn và đã có những bước chuẩn bị sẵn sàng cho việc thực hiện thí điểm bố trí Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND phường, xã.

Người đứng đầu không chỉ bảo đảm về năng lực mà còn là trung tâm đoàn kết, dân chủ, tập thể phải biết đấu tranh là tiêu chí để các quận, huyện xem xét bố trí cán bộ giữ chức Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND phường, xã.
TRONG ẢNH: Một cuộc hội ý phân công nhiệm vụ do đồng chí Nguyễn Hữu Tịnh, Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch UBND phường Hòa Khánh Bắc chủ trì.

* Ông Lê Văn Toàn, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Hòa Vang: Người đứng đầu dân chủ, tập thể biết đấu tranh

Trước đây do yêu cầu công tác, đã có lúc Ban Thường vụ Huyện ủy Hòa Vang bố trí Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND tại xã Hòa Sơn, Hòa Khương. Nay Đảng có chủ trương nhất thể hóa chức danh lãnh đạo Đảng, chính quyền ở cấp xã là một chủ trương rất đúng đắn. Từ kinh nghiệm thực tiễn của địa phương, tôi cho rằng chọn xã để thực hiện thí điểm chủ trương này phải thận trọng. Không phải bất kỳ xã nào cũng làm được. Phải xem xét điều kiện của người được bố trí đảm nhiệm cả hai vai Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch.

Thứ nhất, người được chọn phải bảo đảm về năng lực, trình độ đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.

Thứ hai, phải có phong cách làm việc khoa học, dân chủ. Anh phải thực sự có uy tín đối với tập thể, với nhân dân, biết đoàn kết, tranh thủ sự đồng thuận và trí tuệ tập thể. Nếu không anh sẽ rơi vào tình trạng chuyên quyền, độc đoán, bị cô lập ngay và không hoàn thành được nhiệm vụ. Đảm nhận hai vai, anh phải biết khi nào là Bí thư lãnh đạo, khi nào là Chủ tịch trực tiếp chỉ đạo, điều hành.

Thứ ba, phải có quy chế làm việc, phân công, phân cấp cụ thể rõ ràng trách nhiệm của Bí thư-Chủ tịch UBND đến đâu, trách nhiệm của các Phó Chủ tịch UBND đến đâu. Có quy chế thì phải thực hiện theo đúng quy chế. Có như vậy mới tránh được dài tay, bao biện, bỏ trống “trận địa”. Đồng chí Phó Bí thư trực Đảng phải quán xuyến, hỗ trợ đắc lực cho đồng chí Bí thư-Chủ tịch UBND trong công tác Đảng.

Ngoài các điều kiện nói trên thì cấp ủy, UBND ở đó phải mạnh, phát huy vai trò tham mưu cho đồng chí Bí thư-Chủ tịch UBND, đồng thời giám sát đồng chí Bí thư-Chủ tịch UBND. Nếu có biểu hiện bao biện, bảo thủ, độc đoán, chuyên quyền thì đấu tranh ngay. Nếu Bí thư-Chủ tịch UBND đã không có phong cách làm việc dân chủ, tập thể ở đó lại yếu kém, ngại đấu tranh thì người đứng đầu sẽ trượt dài và hỏng.

* Ông Huỳnh Tấn Thiệt, Bí thư Quận ủy Liên Chiểu: Bố trí cán bộ quyết đoán, nhưng biết tranh thủ tập thể

Thực tế bố trí một cán bộ tăng cường đảm nhận chức Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND phường Hòa Khánh Bắc trong gần 4 năm qua rất thành công. Đây là một đơn vị hành chính mới chia tách, nhưng phong trào thi đua luôn dẫn đầu trong 5 phường toàn quận, Đảng bộ phường liên tục đạt trong sạch vững mạnh tiêu biểu của quận. Đây là một kinh nghiệm tốt để Quận ủy tiếp tục thực hiện chủ trương thí điểm bố trí cán bộ đảm nhận vị trí Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND phường. Dự kiến lần này chúng tôi sẽ chọn cán bộ tại chỗ của một phường để thực hiện chủ trương này.

Kinh nghiệm cho thấy, cán bộ đảm nhận hai vai Bí thư Đảng ủy-Chủ tịch UBND phường tiếp cận công việc nhanh hơn và hiệu quả hơn. Yêu cầu đặt ra khi lựa chọn để bố trí cán bộ thực hiện thí điểm nhất thể hóa chức danh lãnh đạo phải là người bảo đảm năng lực cả hai mặt công tác xây dựng Đảng và điều hành, quản lý Nhà nước ở địa phương.

Tuy nhiên, một mình anh Bí thư Đảng ủy-Chủ tịch UBND phường không thể hoàn thành nhiệm vụ nếu không xây dựng một đội ngũ tham mưu, giúp việc cho mình mạnh ở cả hai lĩnh vực. Người đứng đầu phải thể hiện tinh thần làm việc dân chủ, biết phân công nhiệm vụ cụ thể, động viên cấp dưới làm việc. Bản thân anh cũng phải là tấm gương mẫu mực tận tụy với công việc, là trung tâm đoàn kết của cơ quan và phẩm chất không thể thiếu là tính quyết đoán của người đứng mũi chịu sào.
 
Quyết đoán ở đây là anh phải công khai chủ trương công việc và tranh thủ sự ủng hộ, sức mạnh trí tuệ của tập thể. Khác với phong cách lãnh đạo độc đoán là buộc cấp dưới thực hiện mà thiếu công khai, dân chủ bàn bạc trong các quyết định. Nhưng rõ ràng nếu sa vào độc đoán, chuyên quyền thì người đứng đầu sẽ không nhận được sự ủng hộ và không hoàn thành nhiệm vụ.

ĐOÀN SƠN (ghi)

;
.
.
.
.
.