.
CỰU CHIẾN BINH NHỚ LẠI

Sống trong lòng dân

.

Một ngày nắng ấm đầu tháng 3, tôi tìm đến ngôi nhà nhỏ của ông Mai Văn Dậu, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Quảng Nam-Đà Nẵng, nằm gần đường Nguyễn Tất Thành. Nói chuyện một hồi lâu, khi đã thân tình ông cháu, ông Dậu mới cho biết đôi chút về quãng đời hoạt động cách mạng của ông.

Nhận nhiệm vụ

 

Đầu năm 1972, ông được cấp trên phân công làm Trưởng ban An ninh quận 1 thành phố Đà Nẵng (nay là quận Hải Châu), nhận nhiệm vụ hoạt động bí mật trong vùng địch. Đại tá Mai Văn Dậu tâm sự: Tình hình Đà Nẵng lúc đó căng lắm. Tháng 7-1965, Mỹ đưa quân vào Việt Nam, cùng hàng ngàn tấn vũ khí, phương tiện chiến tranh ùn ùn đổ vào. Đến cuối 1965, số quân Mỹ có mặt ở miền Nam nước ta lên tới cả trăm ngàn tên, đó là chưa kể lính chư hầu khác. Bọn chúng gấp rút triển khai lực lượng, chuẩn bị chiến trường, tổ chức bộ máy chỉ huy trên từng vùng chiến thuật, chuẩn bị mọi mặt cho cuộc phản công.

Các đơn vị quân Mỹ và chư hầu chiếm đóng các vị trí then chốt có tầm quan trọng chiến lược như Phú Bài, Đà Nẵng… lập tuyến bàn đạp từ Quảng Trị đến Vũng Tàu. Các căn cứ liên hợp quân sự Đà Nẵng, Cam Ranh được xây dựng, nhiều sân bay như Chu Lai, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất, Biên Hòa được củng cố mở rộng và hiện đại hóa. Đà Nẵng trở thành căn cứ liên hợp quân sự lớn nhất miền Nam.

Trước khi nhận nhiệm vụ, cấp trên cũng thông báo đã có nhiều đồng chí nhận công tác trước nhưng chỉ một thời gian ngắn đều hy sinh, do địch càn quét, lùng sục gắt gao… Lúc đó trong tôi có một bầu nhiệt huyết cách mạng ghê lắm - ông Dậu kể, mình chưa thông thạo địa hình, chưa hiểu được lòng dân, nhưng nghĩ là chắc chắn mình sẽ làm được.

Đồng chí Hoàng Văn Lai, lúc đó là Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban An ninh tỉnh Quảng Đà gọi ông lên hỏi: “Đồng chí có phân vân gì không?”. Ông nói, trong kháng chiến chống Pháp, tôi cũng từng tham gia hoạt động bí mật, ít nhiều cũng đã có kinh nghiệm; hơn nữa ở đâu có Đảng, có dân che chở, giúp đỡ, mình lại làm tốt công tác dân vận thì sẽ gây dựng được phong trào, phát triển cơ sở cách mạng...

Sống trong lòng dân

Với bộ áo quần bà ba, cái gùi và khẩu súng ngắn, ông theo giao liên đi “nằm trong lòng dân”. Ông kể: Vì Đà Nẵng là sào huyệt quan trọng nên bọn địch canh phòng rất nghiêm ngặt, mình chỉ có thể hoạt động về đêm, ban ngày phải trú trong hầm bí mật. Nhưng người dân Đà Nẵng lại hết lòng hết dạ với cách mạng. Nếu không được dân giúp đỡ, được dân che giấu thì ông và các đồng chí của mình đã hy sinh lâu rồi.

Ông kể, trong một lần đến cơ sở hoạt động, đang trao đổi tình hình thì nhận được tin có địch tới, cả nhóm chưa biết làm sao thì chủ nhà đã nhanh nhẹn kéo bàn uống nước ra và chỉ xuống hầm. Chiếc bàn lại được kéo về vị trí cũ. Nằm bên dưới hầm nghe người nhà đối phó với bọn lính ngụy, thót tim thật đấy, nhưng lại thấy người dân của mình tài và lanh thiệt. Rồi những hôm mình đi hoạt động khuya mà chưa về, người dân chong đèn chờ, chỉ khi anh em về an toàn mới chịu đi ngủ.

Cũng trong một lần ngồi trong hầm trú ẩn ở vùng ven thì máy bay địch nhào tới ném bom. Chúng thả nhiều bom, có một quả bom rơi trúng hầm, xuống ngang tầm người thì dừng lại và may mà không nổ. Cả nhóm thở phào, đùa rằng: chắc mình cao số nên bom Mỹ tìm được rồi, nhưng lại khiếp vía nên không dám nổ.

Được nhân dân tin yêu và bảo vệ, các cơ sở mà ông và đồng đội gây dựng ngày càng phát triển, đã hoạt động có hiệu quả trong lòng thành phố, gây cho địch nhiều thiệt hại, hoang mang, lo sợ. Đến ngày 27-1-1973, khi Hiệp định Paris được ký kết, ông được rút ra để nhận công tác mới do cấp trên phân công. Ông cười nói, có lẽ nhờ cùng ăn cùng ở, gắn bó với dân mà sau giải phóng tôi đã chọn Đà Nẵng làm quê hương của mình.

Bài và ảnh: XUÂN HƯNG

;
.
.
.
.
.