.

Địa đạo giữa đại ngàn Trường Sơn

.

Bí thư huyện ủy Tây Giang Nguyễn Hữu Sáng (người đi trước) đang tham quan địa đạo.

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giữa đại ngàn Trường Sơn, đồng bào Cơtu huyện Tây Giang (Quảng Nam) đã cùng bộ đội đào địa đạo để tránh bom đạn kẻ thù, vừa làm nơi để sinh hoạt và chiến đấu. Mới đây, đồng bào Cơtu và huyện Tây Giang đã phát hiện được 4 địa đạo giữa đại ngàn Trường Sơn – tại cột mốc Quốc gia T2 – trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại…

Tình quân dân xuyên lòng núi

Sau hơn 1 giờ di chuyển bằng xe U-oát từ trung tâm huyện Tây Giang, bất chấp cái mưa lạnh miền núi, ông Nguyễn Hữu Sáng – Bí thư Huyện ủy Tây Giang và A Lăng Đàn – Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện đã dẫn chúng tôi đi bộ cắt rừng chừng hơn nửa giờ đồng hồ để tìm đến địa đạo nằm dưới chân núi Bha Nơơm (thuộc thôn A Xòo, xã An Nông, huyện Tây Giang), nơi cách đây hơn 40 năm, đồng bào Cơtu cùng bộ đội công binh đào rất nhiều địa đạo để tránh bom đạn của kẻ thù.

Ông A Lăng Đàn – Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Tây Giang, người hai lần được tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ” và là người trực tiếp tham gia đào địa đạo năm xưa, làm “hướng dẫn viên” đã dẫn chúng tôi vào địa đạo với trên tay chiếc đèn pin vừa đủ sáng mặt người. Địa đạo nằm dưới chân một quả núi lớn, cửa hầm cao chừng 1,8 mét, rộng 1,5 mét, có bảy ngách và dài ngoằn ngoèo hơn 100 mét xuyên qua lòng núi.
 

 Muốn đến được cửa địa đạo phải mất hơn nửa giờ cắt bộ đường rừng Đông Trường Sơn.

Ông A Lăng Đàn giải thích: Vào những năm 1968-1970, chiến tranh ngày càng ác liệt, máy bay B52 của Mỹ đã ném bom rải thảm nhằm cắt đứt con đường Trường Sơn đã khiến rất nhiều người dân và bộ đội ta mất tích. Ban đầu, để đối phó với kẻ thù, người dân và bộ đội công binh đã cùng nhau đêm ngày đào hầm trú ẩn, nhưng sau đó bom Mỹ ngày càng ác liệt nên phải đào hầm xuyên núi để dễ trú ẩn và đi lại.

Khu vực núi Bha Nơơm có tất cả 4 địa đạo như thế này, mỗi địa đạo có bảy ngách. Các ngách này vừa là nơi làm việc, vừa là trạm xá, nơi sinh hoạt của dân làng… “Ngày ấy, tuy cái bụng không no củ sắn củ khoai, nhưng bộ đội và dân làng gắn bó với nhau lắm. Để đào được những địa đạo này phải có sự hợp sức giữa dân làng và bộ đội trong một thời gian dài. Dân làng ban ngày đi tải đạn, ban đêm thì đào hầm…” – ông Đàn cho biết.

Củ Chi… ở Quảng Nam

Cuối năm 2008, đầu 2009, Huyện ủy Tây Giang thông qua những hồi tưởng của các Già làng, những người từng tham gia đào địa đạo ở huyện đã tổ chức tìm kiếm và phục hồi các địa đạo. Cho đến nay, huyện Tây Giang đã phục hồi được một trong số địa đạo ở Tây Giang để giữ gìn những giá trị lịch sử cũng như làm nơi giáo dục truyền thống hào hùng và sức mạnh của dân tộc.
 

 Đầu năm 2009, địa đạo giữa đại ngàn Trường Sơn đón những vị khách đầu tiên đến tham quan. (Trong ảnh: Bên trong địa đạo có thể chứa được nhiều người).

Ông Nguyễn Hữu Sáng khẳng định: Tuyến đường Trường Sơn – 559 – Hồ Chí Minh huyền thoại còn nguyên vẹn nhất là 12 km qua Đông Trường Sơn trên đất Tây Giang. Và cũng chính nơi đây, Tây Giang đã phát hiện được 4 địa đạo xuyên lòng núi, nó như chứng tích một thời bão đạn của quân thù không thể khuất phục được ý chí chiến đấu của quân và dân Tây Giang nói riêng và dân tộc ta nói chung.

Trong suốt chiều dài tuyến đường Trường Sơn huyền thoại ấy, chắc chắn còn nhiều bí ẩn, sử sách chưa thể ghi hết được sự mưu trí, hy sinh anh dũng của đồng bào Tây Giang. Đến nay, huyện Tây Giang đã khôi phục, bảo dưỡng và sắp đến đưa vào khai thác những “địa chỉ đỏ”, như một “Củ Chi thứ 2” ở Quảng Nam để giáo dục truyền thống cách mạng, giáo dục tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ.

THANH TUYỀN

;
.
.
.
.
.