.

Đừng để mất bò mới lo làm chuồng

.

Ai cũng biết sự cố cháy nổ thường gây ra những hậu quả rất nặng nề về người và của. Tuy vậy, nhiều chủ doanh nghiệp và người dân hiện vẫn còn xem nhẹ và thờ ơ với tính mạng và tài sản của mình trước các hiểm họa này.

Nhiều hộ kinh doanh mặt hàng dễ cháy nhưng không biết dùng bình chữa cháy.

Trong năm 2008, toàn thành phố đã xảy ra 74 vụ cháy lớn nhỏ, gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Nguyên nhân cơ bản dẫn đến cháy vẫn là do ý thức chủ quan của con người. Đơn cử, trung tuần tháng 8-2008, tại Trường tiểu học Nguyễn Phan Vinh, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà đã xảy ra cháy ở khu vực bếp làm hàng trăm học sinh bỏ chạy tán loạn khỏi các phòng học.
 
Thiệt hại trong vụ cháy này ước tính khoảng 100 triệu đồng. Theo các cơ quan chức năng, nguyên nhân vụ cháy được xác định là do khi thay bình gas của bếp ăn, nhân viên đã sơ suất làm rò rỉ gas ra ngoài, khi gas bén lửa tạo ra tiếng nổ lớn và gây cháy. Rất may vụ cháy không gây thiệt hại về tính mạng trong thời điểm hàng trăm học sinh đang học tại trường. 

Còn nhớ cách đây hơn 1 năm, tại Trạm biến áp 500kV Hòa Cầm, Đà Nẵng đã xảy ra sự cố cháy lớn gây mất điện trên diện rộng tại các tỉnh khu vực miền Trung. Thiệt hại do vụ cháy này gây ra lên đến hàng tỷ đồng.

Nguyên nhân dẫn đến cháy, ngoài ý thức chủ quan của con người, còn do các thiết bị điện không an toàn hoặc đã cũ, gây rò rỉ, phát tia lửa điện. Bên cạnh đó, các trang thiết bị và con người phục vụ cho cứu hộ và chữa cháy tại một số nơi chưa được trang bị, hoặc có nhưng lâu ngày không sử dụng và thao tác nên khi đám cháy lan rộng không thể dập tắt kịp thời. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong môi trường độc hại, nhiều hóa chất nguy hiểm, có nguy cơ cháy nổ rất cao lại không trang bị các thiết bị chống cháy hiện đại.
 

 

Người dân tự tạo các phương tiện cứu hỏa trong khu dân cư.

Ngược lại, nhiều cơ quan, doanh nghiệp bỏ ra hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng để mua các thiết bị chống cháy và cứu hộ nhưng lại không chú trọng việc hướng dẫn sử dụng và luyện tập các phương án chống cháy, dẫn đến hiệu quả sử dụng không cao, cháy nổ vẫn xảy ra.

Một khi xảy ra cháy, hầu hết người dân thường gọi điện cầu cứu lực lượng PCCC; nhưng để có thể đến hiện trường vụ cháy, lực lượng này phải mất từ 10 đến 30 phút, tùy theo khoảng cách xa hay gần. Do đó, nếu chỉ trông chờ vào lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp không thôi thì sẽ rất khó để dập tắt đám cháy trong thời gian ngắn.

Khi đó, thiệt hại về người và tài sản càng nghiêm trọng hơn. Do vậy, mỗi người dân, cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp phải biết tự ý thức trách nhiệm và nghĩa vụ phòng, chống cháy nổ; đừng để cháy nổ xảy ra rồi mới lo đến công tác PCCC như kiểu mất bò mới lo làm chuồng. Một khi công tác xã hội hóa PCCC được đẩy mạnh, thực hiện có hiệu quả thì hậu quả do những vụ cháy gây ra sẽ được giảm đáng kể.

Bài và ảnh: DIỆU MINH

;
.
.
.
.
.