.

Góp ý dự thảo Luật Lý lịch tư pháp và sửa đổi Bộ luật Hình sự

Ngày 20-3, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố tổ chức lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Lý lịch tư pháp (LLTP) và dự thảo sửa đổi Bộ luật Hình sự (BLHS). Đồng chí Huỳnh Nghĩa, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố chủ trì cuộc họp.

Các ý kiến thống nhất sự cần thiết ban hành Luật LLTP nhằm giúp cho cơ quan Nhà nước trong việc bảo vệ lợi ích chung thông qua việc xử lý hình sự, cho xuất nhập cảnh; cho nhập, thôi, trở lại quốc tịch, xin con nuôi, cấp chứng chỉ hành nghề, tuyển dụng và quản lý lao động, du học... đồng thời bảo vệ quyền lợi hợp pháp về chính trị, dân sự, kinh tế của công dân.

Có ý kiến đề nghị bổ sung phạm vi của dự thảo luật không chỉ đáp ứng yêu cầu của cá nhân mà còn phải đáp ứng yêu cầu của công tác phòng chống tội phạm. Trong thực tiễn, ngành Công an đã phát hiện trường hợp là đối tượng của một chuyên án đang điều tra xin cấp LLTP nhằm trốn tránh hình phạt của pháp luật.

Một số ý kiến đề nghị giao Bộ Tư pháp quản lý về cơ sở dữ liệu LLTP, nhưng cũng có ý kiến băn khoăn như vậy có bảo đảm về thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật Nhà nước. Nhiều ý kiến cho rằng, không nên mở rộng phạm vi quản lý LLTP bao gồm cả “tiền sự”, quyết định xử phạt vi phạm hành chính và một số biện pháp xử lý hành chính “đặc biệt” khác. Số lượng quyết định xử lý kỷ luật hoặc xử lý hành vi vi phạm hành chính rất lớn. Việc quản lý thông tin “tiền sự” trong phạm vi cả nước chưa thực hiện được.

Góp ý vào sửa đổi, bổ sung BLHS, các ý kiến tập trung vào 8 vấn đề lớn trọng tâm sửa đổi những vấn đề bức xúc, gây khó khăn, trở ngại cho công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm hiện nay. Các ý kiến thống nhất với tiếp thu và giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về bỏ hình phạt tử hình áp dụng với tội hiếp dâm (Điều 111), tội hủy hoại vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự. Giữ nguyên hình phạt tử hình đối với các tội danh quy định tại các Điều: 157, 231, 278, 279, 316, 322, 341, 342 và 343 của BLHS.

Trong đó các loại tội phạm về tham nhũng, sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh ở mức độ nghiêm trọng được duy trì áp dụng hình phạt tử hình là cần thiết, để trừng trị người phạm tội cũng như để răn đe, phòng ngừa chung. Đối với tội mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái pháp hoặc chiếm đoạt chất ma túy (Điều 194) có hai luồng ý kiến.

Một là, tách điều này thành hai điều và bỏ hình phạt tử hình đối với tội tàng trữ, vận chuyển trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy do thực tiễn cho thấy nhiều vụ vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy không nhằm mục đích mua bán mà chủ yếu vận chuyển, tàng trữ thuê, nếu áp dụng hình phạt tử hình thì quá nặng.

Luồng ý kiến thứ hai không tán thành tách Điều 194 và giữ nguyên hình phạt tử hình với tội tàng trữ, vận chuyển trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy do thực tế có trường hợp phạm tội với số lượng đặc biệt lớn và mức đội cực kỳ nguy hiểm, nên cần giữ hình phạt tử hình để trừng trị nghiêm khắc người phạm tội, đồng thời còn răn đe, phòng ngừa chung.

Các ý kiến tán thành sửa đổi, bổ sung các tội: Buôn bán người, giới thiệu trẻ em làm con nuôi để trục lợi, trốn thuế, gian lận thuế, xâm phạm quyền tác giả, xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng, các tội phạm về môi trường, một số tội danh trong lĩnh vực chứng khoán.

S.T

 

;
.
.
.
.
.