Bước vào thương trường, những người phụ nữ đã sẵn sàng chấp nhận đối mặt với thách thức đến từ nhiều phía. Trong đó, thách thức lớn nhất là làm sao vừa thành đạt trong kinh doanh vừa giữ vẹn hạnh phúc gia đình.
Tự ti và tự tin
Trong một lớp dạy nghề cho con em cán bộ, hội viên phụ nữ nghèo (Ảnh :V.T.L) |
Đầu năm 2002, Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Minh Tài do chị làm giám đốc ra đời, vợ chồng chị chính thức “chia tay” với căn nhà lụp xụp 12m2 để dọn sang một cơ ngơi bề thế hơn. Công ty nghiêng về mảng dịch vụ, chủ yếu lập thủ tục kê tự khai nộp thuế cho các doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Công ty hiện ở 485-486 Lê Thị Hồng Gấm (phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu) với 25 nhân viên, chưa kể 20 người đã rời nơi này đến làm việc tại các nơi khác.
So với các “đại gia” nữ doanh nhân (DN) như chị Tư Hằng (Bệnh viện Bình Dân), chị Ngọc (Nhà hàng Phì Lũ), chị Hường (Dược phẩm Trung ương 5)..., chị Trinh với công ty “bỏ túi” của mình cũng chỉ là cây non giữa rừng cổ thụ. Tuy nhiên, khái niệm thành đạt, trong cái nhìn của mỗi tầng lớp phụ nữ có khác nhau. Đối với các chị ở quận, huyện như chị Trinh, vượt qua cái ngưỡng tự ti ban đầu để ngày một tự tin hơn trong thương trường đã là một thành công lớn rồi.
Đà Nẵng hiện có 12 CLB Nữ DN, trong đó 1 CLB cấp thành phố (40 hội viên) và 11 CLB cấp quận, huyện (180 hội viên). Nếu hội viên thành phố là những chị đầy tự tin với tài ăn nói hoạt bát, giao thiệp rộng rãi thì hội viên ở các quận, huyện còn tự ti vì chưa có được điều đó. Theo nhận xét của chị Nguyễn Thị Tuyết, Chủ nhiệm CLB Nữ DN thành phố Đà Nẵng, hai bên tuy không nói ra, nhưng vẫn có một khoảng cách thầm lặng nhất định nào đó. Quý 2-2009, khi mạng lưới CLB Nữ DN thành phố được thành lập, sẽ mở ra cơ hội để hai bên có được tiếng nói chung, cùng trao đổi kinh nghiệm để giúp nhau tiến bộ.
Thành đạt và hạnh phúc
Nữ DN và cán bộ Hội LHPN thành phố Đà Nẵng tại Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ toàn cầu 2008 ở Hà Nội. |
Và mới đây, chị lại tiếp tục khẳng định mình với hợp đồng vận chuyển cánh cửa van của Công ty CP Cơ khí lắp máy Sông Đà từ Thủy điện Sesan 3 (Gia Lai) qua tỉnh Xê Kông (Lào) để kịp chắn dòng khởi công công trình xây dựng đập thủy điện Xê Kha Mản 3 - công trình do Việt Nam đầu tư 100% vốn.
Với Lê Thị Nam Phương, bắt đầu từ thành viên của nhóm sinh viên làm kinh tế đầu tiên ở Đà Nẵng, vừa đi học, vừa đi làm và trở thành DN lúc nào không hay. Hiện Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Tân Định do chị làm giám đốc đang cung cấp hóa mỹ phẩm cho trên 500 khách sạn, nhà trọ từ Quảng Bình đến Quảng Nam, trong đó có một số khách sạn 4 sao. Chưa hết, người phụ nữ tự nhận là đường đến thương trường của mình không có hoa hồng này vừa được bầu làm Chủ tịch HĐQT của Công ty CP đầu tư L.I.F.E với dự án đầu tiên là xây dựng Trường tiểu học chất lượng cao Sky-Line tại Đà Nẵng.
Điều gì đã làm nên thành công của các chị? Với Bích Trinh, đó là tính kiên trì, chịu khó, dễ thuyết phục người khác của phụ nữ: “Không làm DN thì thế nào cũng được, nhưng khi đã là DN thì mình phải dần tự hoàn thiện mình để có thể ngồi “cùng chiếu” với các đối tác”. Với Nam Phương, đó là cá tính mạnh mẽ: “Thương trường hoàn toàn bình đẳng giữa nam nữ. Không ai “ga lăng” tới mức vì chị là phụ nữ nên tôi nhường chị hợp đồng này. Nếu muốn bình đẳng thì phụ nữ phải quên cái giới tính của mình đi, nhưng cũng phải biết tận dụng những ưu thế của giới tính để làm tốt hơn việc của mình”.
Cạnh tranh bình đẳng với nam giới, Bích Trinh đã vượt lên với hợp đồng vận chuyển hàng chục nghìn tấn thiết bị thủy điện. |
Điều gì là ưu tiên giữa thành đạt và hạnh phúc gia đình? Bích Trinh: “Gia đình vẫn là trụ cột. Không gia đình, sự nghiệp của phụ nữ khó có động lực”. Nam Phương: “Với phụ nữ, thành đạt không thôi chưa đủ, mà cần phải gắn với hạnh phúc - hạnh phúc quan trọng hơn thành đạt”. Phụ nữ thời nay đã “mở cửa” bước ra ngoài xã hội với gánh nặng trên hai vai. Xét cho cùng, thành đạt cũng là một dạng của hạnh phúc. Nhưng nếu thành đạt gắn với hạnh phúc gia đình thì đó mới chính là hạnh phúc lớn.
VĂN THÀNH LÊ