.

Hiểm họa bao vây khu dân cư

.

Hàng trăm hộ dân Phước Lý (hai tổ 53 và 53A) thuộc phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu nhiều năm nay phải chịu cảnh sống chung với mồ mả. Hệ thống nước máy chưa được kéo về, người dân vẫn phải dùng nguồn nước ngầm bị nhiễm bẩn, độc hại… Chỉ cách khu dân cư này vài trăm mét, hai mỏ đá Phước Lý 1 và Phước Lý 2 ngày ngày hai lần nổ mìn phá đá ầm ầm, người dân phải chịu sự “tra tấn” dữ dội của tiếng ồn và ngột ngạt bụi đá… Cả “núi” hiểm họa đang bao vây lấy khu dân cư đông đúc này.
Làng “thần kinh thép”


Một góc khu dân cư đông đúc nhà cửa và mồ mả chen lấn.

Không ai khỏi rùng mình khi vào Phước Lý với cảnh tượng đập vào mắt là nhà cửa chen lấn với hàng trăm mồ mả.  Mở cửa thấy mồ mả. Mồ mả sát với hiên nhà, mồ mả nằm bên phòng ngủ, nhà bếp… Mấy năm trở lại đây, khi Trường Cao đẳng Đức Trí được xây dựng, nhiều hộ dân nơi đây còn cơi nới, xây dựng phòng trọ cho sinh viên thuê ra sát những khu mộ. Ông B. - một hộ dân ở tổ 53A cho biết:
 
“Thành phố có chủ trương di dời hết những ngôi mộ trong khu nghĩa trang này lên nghĩa trang thành phố từ năm 2004 để triển khai dự án xây dựng khu dân cư Hòa Minh 4 nên người dân mới xây dựng nhà cửa đông đúc như ri. Người ta cũng đã di dời mồ mả đi nhiều rồi, nhưng vì dự án chưa thấy đâu, chưa đền bù thỏa đáng nên vẫn còn hàng trăm ngôi mộ chưa di dời, nằm xen kẽ với nhà dân. Những tưởng làm nhà sống tạm bên mồ mả một thời gian thôi, chứ cứ kéo dài mãi như ri cũng lo ngại cho mấy đứa con còn nhỏ, nhưng chả lẽ di dời nhà đi chỗ khác ở?”.

Khu dân cư này cách không xa hai mỏ đá Phước Lý 1 và Phước Lý 2. Ngày ngày cuộc sống của người dân chịu “tra tấn” dữ dội của tiếng nổ mìn phá đá, bụi tỏa xuống và nhất là phải đi lại trên con đường Nguyễn Huy Tưởng đầy sình lầy đã bị xe chở đá ra vào mỏ cày nát. Cô H.T.M - một người dân ở tổ 53A bức xúc: “Mỗi ngày cứ 11 giờ trưa và 17 giờ chiều, tiếng mìn nổ rung chuyển cả nhà cửa. Người thì hoảng hồn bạt vía, tức lồng ngực, còn tường nhà tui thì nứt. Nổ mìn xong, chưa kịp hoàn hồn thì cơ man nào là bụi đá chụp xuống.

Không chỉ những lúc nổ mìn, trên ấy ngay đầu hướng gió, nên tiếng máy nghiền đá và cả bụi cứ bị gió cuốn hết xuống đây”. Còn bạn N.V.T - sinh viên Trường Cao đẳng Đức Trí trọ học ở khu vực này nửa đùa, nửa thật: “Sống ở đây đúng thật là khổ, đêm thì sợ ma vì trước cổng nhà là mồ mả, còn ngày thì chịu phải tiếng ồn và bụi. Mỗi ngày, cứ 11 giờ trưa và 17 giờ chiều, tiếng nổ mìn dậy đất, cả xóm rung bần bật y như động đất. Tụi em ở đây gọi nhau là những hiệp sĩ có thần kinh thép và lá phổi bằng nhôm…”.

Và uống nước nhiễm bẩn

Ngày ngày, người dân vẫn phải lấy nước từ giữa nghĩa địa về dùng.

 

Giữa tổ dân phố 53A có một giếng nước, người dân gọi là giếng làng. Giếng này chỉ cách khu mồ mả lớn 10 mét, nhưng nước rất trong và ngọt, trong khi tất cả giếng nước, giếng khoan khác trong làng đều nhiễm phèn nặng, mấy năm gần đây lại có mùi hôi. Chúng tôi đếm được 23 ống nước do những nhà dân xung quanh giếng thả xuống để hút nước về nhà dùng. Ông Hậu, có nhà cách giếng 500 mét, không thể dẫn ống được, đành ngày ngày phải ra giếng múc nước, chất thùng lên chiếc xe đạp chở về nhà dùng.

Ông Hậu cho biết, nhà ông cũng có giếng khoan, nhưng nước bị phèn quá nặng. Nước bơm lên được dẫn qua 2 bể lọc phèn, tuy có trong thật, nhưng để một thời gian ngắn thì từ xô chậu, quần áo, nồi soong… đều xỉn vàng. Nhà ông Hậu không dám dùng nước giếng khoan đã qua lọc này để nấu ăn và giặt quần áo sáng màu, nhất là áo trắng của con đi học, cũng không thể ra giặt ở giếng làng, đành phải chở nước ở giếng làng về nhà.

Ông Hậu cho biết thêm: “Người dân đã nhiều lần đề nghị lên các cấp chính quyền hỗ trợ kéo nước máy về làng. Nhưng ngặt nỗi là người dân ở đây toàn là đi làm thuê, làm mướn, lấy đâu ra cả 1,5 triệu đồng để kéo nước về dùng?”. Còn ông Tạo thì buồn rầu: “Vẫn biết nước ở đây bị ô nhiễm vì nằm giữa nghĩa địa nhiều mồ mả, lại gần bãi rác Khánh Sơn, nhưng vẫn phải nhắm mắt dùng thôi, chứ đào đâu ra được nước sạch. Chỉ mong Nhà nước sớm quan tâm, hỗ trợ người dân đưa nước sạch về…”.
 
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, nước máy chưa thể về được một phần bởi khu dân cư đông đúc này đang nằm trong diện giải tỏa phục vụ cho kế hoạch xây dựng mới Nhà ga Đà Nẵng. Nhưng việc di dời ga Đà Nẵng hiện vẫn đang nằm trên giấy, nên hàng trăm người dân nơi đây đành chấp nhận dùng tạm nước bị nhiễm bẩn và độc hại…

HOÀNG HIỆP

;
.
.
.
.
.