.

Khi hội viên đồng lòng...

.

Những năm trước đây, phong trào Hội ở Sơn Thủy còn gặp khó khăn. Phụ nữ ở đây rất nghèo về kinh tế, hạn chế về trình độ nhận thức. Cái nghèo cứ bám lấy từng gia đình khiến họ chỉ quẩn quanh chạy gạo từng bữa, không tìm ra cách làm ăn để ổn định đời sống. Mặt khác, trình độ năng lực của cán bộ chi, tổ còn hạn chế, không đủ sức thuyết phục, vận động chị em đến với Hội, đặc biệt số nữ thanh niên chưa lập gia đình không thích vào Hội... Bây giờ, ở Sơn Thủy mọi chuyện đã khác...

Phụ nữ Sơn Thủy chăm sóc đậu phụng trên “cánh đồng cốc”.

Ngày ấy, bài toán làm thế nào xây dựng và củng cố để Hội đi vào hoạt động và song hành cùng với các đoàn thể khác, làm thế nào để Hội Phụ nữ có tiếng nói chung trong các hoạt động phong trào, đã trở thành nỗi trăn trở chung của Ban Cán sự khu vực nơi đây. Vì thế, cấp ủy Đảng cơ sở đã đưa chương trình củng cố Hội Phụ nữ vào Nghị quyết của chi bộ. Khi hình thành được tổ chức Hội Phụ nữ, Ban Chấp hành Hội Phụ nữ phường Hòa Hải chú trọng đến công tác xây dựng đội ngũ cán bộ Hội, chọn cử các chị có trình độ học vấn, kinh nghiệm vận động phụ nữ tham gia Hội.

Chị Ngô Thị Hoa đã được bầu làm Chi hội trưởng. Việc đổi mới nội dung, phương thức sinh hoạt cũng được tiến hành. Nội dung sinh hoạt thường ngắn gọn và luôn đổi mới; lúc bàn về công tác vận động hội viên, lúc khác thì sinh hoạt nhóm vay vốn, huy động chị em đăng ký tham gia “Ngày chủ nhật sạch”, lồng ghép vào đó là các câu hát, hò vè về phòng chống tệ nạn xã hội, kiến thức giáo dục gia đình,... để chuyển tải nội dung buổi họp.

Nét nổi bật của Chi hội Phụ nữ Sơn Thủy là tinh thần tương thân tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau phát triển kinh tế gia đình, mà thành công của công trình thi đua “Phủ xanh cánh đồng cốc” do chi hội đảm nhận là một minh chứng. Chị Ngô Thị Hoa – Chi hội trưởng cho biết: “Những năm trước đây, phía bên kia sông Cổ Cò là những cánh đồng hoang hóa, bỏ không, người dân không dám qua sông vì sợ lụy đò..., bên này chị em Sơn Thủy lại thiếu đất canh tác”.
 
Sau khi được chi bộ chấp thuận, chi hội đã bàn lập kế hoạch vận động hội viên qua sông khai hoang trồng lúa. Công trình “Phủ xanh cánh đồng cốc” chính thức bắt đầu được triển khai từ cuối năm 2007, với nhiệm vụ “khai hoang nhưng phải an toàn”. 10 hội viên đi tiên phong đã được chi hội đề xuất hợp tác xã nông nghiệp hỗ trợ máy bơm nước, phân bón... Vụ khai hoang đầu thắng lớn, mỗi sào thu hoạch 240kg thóc. Chị Bùi Thị Quyên (hội viên ở tổ 2) tâm sự: “Bây giờ đã là mùa lúa thứ ba, 37 chị em chúng tôi có được gần 9 tấn lúa mỗi vụ, điều đó cũng đồng nghĩa với việc dám nghĩ, dám làm đầy trách nhiệm của chi hội phụ nữ. Nhà tôi đã thoát nghèo, con tôi vào đại học...”.

Để bảo đảm đời sống kinh tế gia đình hội viên, từ các nguồn vốn vay gần 730 triệu đồng, nhiều gia đình như chị Trần Thị Gừng, chị Nguyễn Thị Chín, chị Mai Thị Sáu... có tiền đầu tư vào các thửa rau, xây dựng chuồng trại chăn nuôi... vươn lên thoát nghèo. Phong trào góp vốn quay vòng 5.000 đồng/ngày (nay đã vận động chị em tự giác góp 300.000 đồng/tháng/chị), tổ chức “Văn nghệ gây quỹ” đã hình thành được nguồn vốn lưu động hơn 30 triệu đồng giúp chi hội giải quyết cho hàng trăm lượt chị mượn buôn bán, sản xuất nhỏ cải thiện đời sống gia đình.

Từ những việc làm cụ thể, thiết thực này đã giúp cho chị em thấy được quyền lợi khi tham gia tổ chức Hội, nhờ đó phụ nữ đến với phong trào Hội ngày càng đông hơn. Từ một chi hội hoạt động cầm chừng, đến nay Sơn Thủy đã xây dựng 3 tổ Hội vững mạnh xuất sắc, phát triển được hội viên trẻ, nâng tổng số hội viên sinh hoạt thường xuyên lên 152 chị.

Đặc biệt từ đầu năm 2008 đến nay, sau khi đăng ký “Giải thưởng Chi hội Phụ nữ” (Sơn Thủy là chi hội xuất sắc 5 năm liên tục của quận Ngũ Hành Sơn), hội viên nơi đây đã đồng lòng nỗ lực xây dựng địa bàn lành mạnh, không có người vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội; duy trì công trình “Phủ xanh cánh đồng cốc”; quyết tâm giữ vững đơn vị có 100% cán bộ chi, tổ giỏi và hơn hết không có gia đình hội viên sinh con thứ 3...
     
Bài và ảnh: CHÂU ANH

;
.
.
.
.
.