Bắt đầu từ giữa tháng 4-2009, việc xử phạt chủ xe cơ giới, kể cả ô-tô và xe máy, nếu không có Giấy chứng nhận bảo hiểm còn hiệu lực sẽ chính thức được thực hiện. Đây là nội dung Thông tư liên tịch số 35/2009/TTLT-BTC-BCA giữa Bộ Công an và Bộ Tài chính vừa ban hành về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới. Tuy nhiên, trước giờ G., nhiều người dân vẫn chưa hiểu đúng về lợi ích của loại bảo hiểm này nên vẫn thờ ơ, thậm chí là mua bảo hiểm để đối phó.
Bắt đầu từ giữa tháng 4-2009, việc xử phạt chủ xe cơ giới, kể cả ô-tô và xe máy, nếu không có Giấy chứng nhận bảo hiểm còn hiệu lực sẽ chính thức được thực hiện.(Ảnh tư liệu) |
Theo quy định, mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về tài sản do mô-tô 2 bánh, 3 bánh, xe gắn máy và các loại xe cơ giới tương tự (kể cả xe cơ giới cho người tàn tật) gây ra là 30 triệu đồng/một vụ tai nạn. Khi mua gói bảo hiểm tự nguyện, người bị nạn mất, mức bảo hiểm chi trả có thể lên đến 50 triệu đồng. Trong khi đó, số tiền mua bảo hiểm không nhiều, thấp nhất là 66.000 đồng (bảo hiểm trách nhiệm dân sự); 76.000 đồng và mức cao nhất là 86.000 đồng (bảo hiểm tự nguyện cho người thứ 2, người thứ 3). Nghị định số 103/2008/NĐ-CP cũng đã có quy định chi tiết về nguyên tắc bồi thường: Nếu doanh nghiệp bảo hiểm từ chối thực hiện nghĩa vụ bồi thường đã được giao kết sẽ bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 70 triệu đồng. Vì vậy, người tham gia giao thông có thể an tâm và tin tưởng vào việc thực hiện bảo hiểm.
Thực tế, việc tham gia bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với chủ xe cơ giới là thật sự cần thiết, nhằm giảm trách nhiệm của chủ phương tiện khi có tai nạn xảy ra. Đây là biện pháp khắc phục hậu quả tai nạn cho nạn nhân, nhất là khi họ không có điều kiện đền bù.
Theo lý giải của các cơ quan chức năng, quy định này nhằm mục đích nhân đạo, nhưng để người dân dễ dàng tiếp nhận và tự giác thực hiện thì không đơn giản, bởi một bộ phận người dân vẫn chưa tin tưởng vào việc thực hiện bảo hiểm khi xảy ra sự cố. Hơn nữa, không ít người cho rằng, nếu có sự cố thì họ đủ sức để chịu chi phí đối với phương tiện của mình, còn nếu người khác gây tai nạn thì người đó phải có trách nhiệm đền bù thiệt hại theo pháp luật. Chính vì thế vẫn còn tâm lý xem nhẹ Giấy chứng nhận bảo hiểm phương tiện cơ giới.
Còn nhớ, quá trình vận động đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông cũng diễn ra trong thời gian dài với nhiều hình thức tuyên truyền để người dân hiểu rõ lợi ích của đội mũ bảo hiểm đúng cách trong việc bảo vệ tính mạng của mình. Trước giờ G., cũng nhiều người đi mua mũ và thậm chí mang mũ mà không đội để đối phó với cảnh sát giao thông. Nhưng khi việc đội mũ bảo hiểm trở thành một thói quen, ý thức nhiều hơn là sự bắt buộc, xử phạt thì đã mang lại hiệu quả đáng kể, giảm tình trạng chấn thương sọ não, tử vong. Và giờ đây, chiếc mũ bảo hiểm cũng trở thành một nét văn hóa trên đường phố Việt Nam.
Khi quy định trở thành ý thức, đi sâu vào nếp sống, nếp nghĩ thì mọi việc sẽ dễ dàng hơn bởi lúc đó người thực hiện cảm thấy thoải mái, tự giác, và cũng “nhẹ gánh” cho các cơ quan chức năng, những người giám sát. Điều này trên hết đòi hỏi ý thức của mỗi người để góp phần làm cho xã hội đẹp hơn, văn minh hơn.
Thiên Bình