Chúng ta vẫn thường xuyên thấy trên đường những nam thanh, nữ tú mặc đẹp, đi xe xịn, nhưng hiếm khi thấy họ cúi nhặt một mẩu rác bỏ vào thùng. Họ có thể vào mạng tìm kiếm thông tin về môi trường, đọc và lo lắng, nhưng cũng chỉ dừng lại ở một cái click chuột. Thờ ơ với môi trường sống, chính là thực tế đang diễn ra trong tầng lớp thanh niên hiện nay.
Không phải việc của mình
Môi trường và những công nhân thu gom rác là nạn nhân đầu tiên của thói quen xả rác bừa bãi. |
Ăn xong thấy thùng rác gần thì đem bỏ vào, không nhìn thấy hoặc xa quá thì vứt đại dưới chân ghế hay gốc cây gì đó. Mai lại có người dọn mà”. Được biết, cô bé tôi vừa hỏi là học sinh Trường THPT Nguyễn Hiền và mới hôm qua còn tham gia trong đội quân tình nguyện của trường đi dọn vệ sinh ở Đình Nại Nam - quận Hải Châu.
Chỗ tranh sáng, tranh tối như công viên đã thế, ngay cả trên đường Bạch Đằng - tuyến đường có dãy hành lang dành cho người đi bộ đẹp và sạch nhất trong thành phố, tình trạng các bạn thanh niên ăn quà vặt rồi vứt rác bừa bãi vẫn thường xuyên xảy ra, mặc dù “kín đáo” hơn vì còn có bảo vệ nhắc nhở. “Họ nhắc thì tụi em gom lại rồi khi nào về mang bỏ thùng rác, nếu quên thì lơ luôn, vất đại ở vỉa hè. Mai quay lại vẫn sạch đó thôi”, một bạn gái vô tư nói.
Với suy nghĩ đã có người dọn dùm nên chuyện ăn đâu xả đó đã trở thành thói quen khó bỏ của đa số thanh niên hiện nay. “Vào quán ăn có sọt rác để sẵn mà nó còn vứt lung tung, huống gì ở đây ai mà kiểm soát cho hết được. Không vứt ở dưới gầm ghế, nó vứt xuống sông. Tụi trẻ bây giờ ý thức giữ gìn vệ sinh công cộng còn kém lắm”, bác Nguyễn Anh Dũng ở quận Hải Châu bức xúc nói.
Nâng cao ý thức về môi trường
Những câu chuyện như trên vẫn tiếp diễn hằng ngày trong đời sống của đại bộ phận thanh niên. Mặc dù trên thực tế nó chưa gây ra tác hại nghiêm trọng đối với môi trường sống. Tuy nhiên, về lâu dài, nếu không được nâng cao ý thức, chính thanh niên sẽ là người góp phần phá vỡ sự cân bằng sinh thái.
|
Không chỉ sinh viên, học sinh mà ngay những người lớn tuổi hơn, thậm chí có địa vị trong xã hội vẫn vô tư xả rác, xả khói thuốc lá ra môi trường, ở nơi công cộng. Anh Duy, một phiên dịch viên chia sẻ: “Ở nước ngoài, xả rác nơi công cộng sẽ bị phạt tiền. Người ta chỉ bỏ rác vào thùng hoặc mang về nhà, thậm chí nếu ngại mang theo sẽ bỏ vào túi quần, hoặc balô. Thành phố của các bạn rất đẹp, nhưng đi nãy giờ mà mình chưa thấy một nhà vệ sinh công cộng nào, thùng rác có nhưng ít quá”.
Bài và ảnh: K.H