.

Mô hình điểm về phòng chống bạo lực gia đình

.

Từ tháng 11-2008, phường Bình Hiên (quận Hải Châu) được Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch thành phố chọn triển khai Dự án “Mô hình điểm về phòng chống bạo lực gia đình”. Sau gần 4 tháng triển khai, công tác phòng chống bạo lực gia đình ở Bình Hiên đã có sự chuyển biến đáng kể.

Lễ ra mắt Nhóm Phòng chống BLGĐ và CLB Gia đình PTBV ở khu phố An Lạc (phường Bình Hiên).

Sau khi được chọn làm điểm, UBND phường Bình Hiên thành lập Ban chỉ đạo Phòng chống bạo lực gia đình (BLGĐ) gồm 12 thành viên, do ông Đỗ Đình Phúc-Phó Chủ tịch UBND phường làm trưởng ban. Hai phó ban là Chủ tịch Hội LHPN và Phó Chỉ huy Công an phường, 9 thành viên khác là trưởng các ban ngành, đoàn thể ở phường.

Mỗi khu dân cư thành lập một nhóm phòng chống BLGĐ, do trưởng Ban công tác Mặt trận làm trưởng nhóm và các thành viên là cảnh sát khu vực, chi hội trưởng phụ nữ và 2 tổ trưởng dân phố tiêu biểu. Các thành viên trong nhóm phối hợp khảo sát mối quan hệ trong từng hộ dân và chọn lựa vận động từ 20-25 gia đình tiêu biểu tham gia câu lạc bộ (CLB) Gia đình Phát triển bền vững (GĐPTBV). Mỗi CLB bầu ra ban chủ nhiệm gồm 3 thành viên là những người am hiểu rộng, có điều kiện về thời gian và có uy tín cao trong cộng đồng.

Các CLB này sinh hoạt định kỳ mỗi tháng một lần nhằm tuyên truyền giáo dục đạo đức, văn hóa, truyền thống tổ tiên, tộc họ, phổ biến những cách ứng xử hay giữa các thành viên trong gia đình, với hình thức sinh hoạt chuyên đề, tọa đàm, hội thảo, thi tìm hiểu pháp luật, biểu diễn văn hóa văn nghệ... Các CLB đều được bố trí nơi sinh hoạt thuận lợi và có tủ sách tuyên truyền phục vụ miễn phí nhu cầu đọc của nhân dân... Khu vực Nại Hiên B là đơn vị đầu tiên tổ chức lễ ra mắt Nhóm Phòng chống BLGĐ và CLB GĐPTBV.

Đến tháng 1-2009, bốn khu vực khác là Nại Hiên A, An Lạc, Vĩnh Ninh và Tân Thành cũng lần lượt thành lập Nhóm Phòng chống BLGĐ và CLB Gia đình PTBV. Ở từng khu vực, Nhóm Phòng chống BLGĐ lập danh sách các đối tượng thường có hành vi BLGĐ để theo dõi, giáo dục và hằng tháng đều có xem xét mức độ tiến bộ của từng đối tượng. Ai đã chuyển biến tốt thì đưa ra khỏi danh sách, ai chưa tiến bộ thì bàn biện pháp giáo dục tiếp. Mặt khác, trong các cuộc họp dân, Ban điều hành tổ dân phố và cảnh sát khu vực nêu rõ các vụ việc, đối tượng vi phạm, nghiêm khắc phê bình kiểm điểm trước cộng đồng những người có hành vi BLGĐ. Đồng thời, các đoàn thể trong phường đẩy mạnh tuyên truyền phòng chống BLGĐ, tích cực khuyên răn, cảm hóa các đối tượng vi phạm.

Qua thực tế hoạt động của mô hình điểm về phòng chống BLGĐ ở Bình Hiên cho thấy, nếu các thành viên trong Nhóm phòng chống BLGĐ sâu sát dân, hiểu biết rộng và nắm vững kỹ năng thì việc vận động thực hiện có hiệu quả. Điển hình như bà Lê Thị Hậu-tổ trưởng tổ 4, thành viên của Nhóm Phòng chống BLGĐ khu vực Vĩnh Ninh đã phối hợp chặt chẽ với Công an phường giải quyết thấu tình đạt lý vụ việc bạo lực của vợ chồng anh N.N.H và chị N.T.H, làm cho anh H thừa nhận hành vi đánh vợ là không đúng và chị H cũng thấy rõ việc mắng chửi chồng là hoàn toàn sai trái. Qua đó, chị H đã nhận ra những hành vi của mình là nguyên nhân trực tiếp để chồng gây ra những vụ việc không đáng có trong gia đình.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Đình Phúc nhấn mạnh: Trước kia, nhiều người hiểu phiến diện BLGĐ chỉ đơn thuần là chồng đánh vợ, nhưng từ khi triển khai dự án này, nhờ sự phối hợp đồng bộ của cả hệ thống chính trị trong công tác tuyên truyền vận động, bây giờ hầu hết nhân dân trong phường đã hiểu rõ BLGĐ là tất cả các hành vi đánh đập, chửi mắng, áp chế của bất kỳ thành viên nào đối với thành viên khác trong gia đình.          
                                                              
Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM

;
.
.
.
.
.