.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội

.

Trong 2 ngày 9 và 10-3, tại thành phố Đà Nẵng, Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án về công tác giám sát của Quốc hội thuộc Đảng đoàn Quốc hội đã tổ chức Hội thảo “Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội”, do đồng chí Huỳnh Ngọc Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội chủ trì.

 

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Huỳnh Ngọc Sơn khẳng định: Trong những năm qua, hoạt động giám sát của Quốc hội tiếp tục được đẩy mạnh, chất lượng, hiệu lực, hiệu quả được nâng lên. Đặc biệt, từ khi có Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội, giám sát tối cao của Quốc hội tại kỳ họp, giám sát của các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội đã có những chuyển biến khá rõ nét. Nội dung giám sát được tập trung vào nhiều vấn đề bức xúc trong cuộc sống, bao quát hầu hết các lĩnh vực từ kinh tế-ngân sách, văn hóa, xã hội, giáo dục, khoa học, công nghệ đến quốc phòng-
an ninh, đối ngoại, công tác tư pháp.

Cách thức tổ chức giám sát của Quốc hội ngày càng được cải tiến, hoàn thiện theo hướng tăng cường hoạt động giám sát tối cao, xem xét báo cáo của Chính phủ kết hợp với giám sát tại địa phương, cơ sở; vừa thực hiện giám sát thường xuyên, vừa giám sát theo chuyên đề. Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động giám sát của Quốc hội vẫn còn những mặt hạn chế, như: hiệu quả, hiệu lực hoạt động giám sát vẫn chưa đáp ứng so với yêu cầu, đòi hỏi của cuộc sống, quy định của Hiến pháp, pháp luật và nguyện vọng của nhân dân. Việc lựa chọn phương thức giám sát đôi khi còn lúng túng, có cuộc giám sát mới dừng lại ở việc nghe báo cáo, nắm tình hình, nên hiệu quả còn chưa cao. Giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật chưa làm được nhiều.

Hội thảo đã nghe các tham luận, ý kiến trao đổi về cơ sở lý luận, cơ sở pháp lý và kinh nghiệm hoạt động thực tiễn về hoạt động giám sát của Quốc hội, bao gồm những vấn đề lớn: Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội, trong đó tập trung các vấn đề về xem xét báo cáo của các cơ quan, cơ chế bỏ phiếu tín nhiệm; về chất vấn và trả lời chất vấn, hoạt động giám sát theo chuyên đề;
 
Thực trạng và những vấn đề cần đổi mới trong hoạt động giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội, bao gồm vai trò, thực trạng hoạt động giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban; vấn đề chất vấn tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội và điều trần tại Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban; thực trạng hoạt động giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội; Cơ chế hỗ trợ hoạt động giám sát của Quốc hội, bao gồm các vấn đề về sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Quốc hội; về bộ máy tham mưu, giúp việc; các điều kiện bảo đảm về tài chính; cơ chế chính sách; vấn đề cung cấp thông tin...

Được biết, đây là lần thứ hai, hội thảo được tổ chức theo các nội dung trên nhằm mục đích tiếp thu được nhiều ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, các nhà khoa học, các cán bộ hoạt động thực tiễn tại khu vực miền Trung trong việc đánh giá những mặt đã làm được, những mặt còn tồn tại, hạn chế, làm sáng tỏ thêm cơ sở lý luận, khoa học và thực tiễn về hoạt động giám sát của Quốc hội, góp phần hoàn thành Đề án với chất lượng cao và mục tiêu cao nhất là góp phần vào việc tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội trong thực tế.
 
VĂN SƠN

;
.
.
.
.
.