.

Nghề leo dừa

.

Tháng 3, nắng chưa gắt nhưng thấy oi bức. Tấp vào quán nước bên lề đường gọi ly nước dừa, uống vào ngọt mát, trong người thấy khoan khoái, dễ chịu. Nước dừa đang là loại nước giải khát được ưa chuộng, người uống nước dừa nhiều nhưng mấy ai biết đằng sau ly nước ngọt lành kia bao nhiêu mồ hôi đã đổ...

Leo dừa: Không dễ

(Ảnh minh họa). 

Một chiếc xe máy, một cuộn dây thừng, một cái rựa là tất cả đồ nghề của những người đi hái dừa thuê. Cứ 6 giờ sáng, họ bắt đầu xuất phát, rong ruổi qua khắp Hòa Sơn, Hòa Khương, Hòa Vang... những nơi có dừa để hái. Gặp chú T. ở Hòa Khánh Nam lúc 6 giờ chiều trong bộ quần áo nhăn nhúm, đầy bụi đất và bụi... từ thân dừa. Chú kể: “Một ngày chạy 3, 4 vòng hái cho được trăm trái dừa kiếm trăm nghìn bạc nuôi vợ, nuôi con thôi. Mệt lắm, nhưng không đi làm thấy buồn buồn, không có tiền mua gạo mua mắm nữa”.

Chúng tôi hỏi, dừa đang mùa cao điểm có nhiều người đi hái thuê không, chú T cười: “Trước đây thì có trên chục người nhưng giờ thì chưa tới, mà cũng không dễ gì làm được nghề này!”. Thấy chúng tôi tò mò, chú giải thích thêm: “Có nhiều người muốn đi làm nhưng đâu phải ai cũng có thể trèo dừa, trèo lên không quen là run và ngợp lắm. Chú cũng không muốn làm nghề này, nhưng trời xui khiến sao trèo được vậy là cứ làm thôi, đến nay đã 4 năm rồi”.

Chuyện kể từ trên ngọn dừa

Khi gặp những người đi hái dừa thuê (có người đã làm nghề này hơn 10 năm), người ta nhận ra ngay họ có một điểm chung, đó là khuôn mặt sạm nắng, quần áo tơi tả, xộc xệch vì leo trèo suốt ngày, bàn tay hằn sẹo vì chặt xong dừa buộc vào dây thừng phải nắm thật chắc, thả xuống thật nhẹ cho những trái dừa còn nguyên vẹn mới lấy được đồng tiền trang trải cuộc sống. Chú T kể: “Có lần trèo lên cây dừa hái gần xong, nhìn xuống dưới bẹ dừa mình đang ngồi có một con rắn đang lè lưỡi... nhìn, may mà lanh lợi thả dừa, đu dây nhảy ngay xuống. Còn kiến bò khắp người, chui vô mọi “ngõ ngách” để cắn là chuyện thường”.
 
Đi hái dừa vào những ngày nắng ráo thì không sao, mồ hôi, bụi bặm từ thân dừa, bẹ dừa bay vào mắt đỏ ngầu lên cũng bình thường, nhưng có những khi trèo lên tới ngọn bỗng dưng gió nổi lên thổi mạnh, nhất là những cây cao rất nguy hiểm, nếu không bám lấy bẹ dừa thật chặt thì rơi xuống gãy cổ như chơi.

Chú T. nói vậy nhưng khi chúng tôi hỏi đã có ai như vầy chưa, chú T. im lặng. Thấy vậy, cô Châu bán nước dừa ở đó nói: “Tôi biết bên Túy Loan, Hòa Vang có trường hợp trèo dừa không may té xuống và mất, nhưng mấy người đi hái dừa thuê không bao giờ nhắc đến chuyện rủi ro đó đâu. Đó là điều cấm kỵ vì nghề của họ dễ xảy ra bất trắc mà”.

Đằng sau những đồng tiền kiếm được thường đong đầy mồ hôi, nước mắt. Những người đi hái dừa thuê cũng vậy. Nhưng mấy ai thấu hiểu nỗi vất vả của người hái dừa, bởi công việc của họ cứ mãi âm thầm nhưng đầy nguy hiểm.

NGUYỄN MỴ

;
.
.
.
.
.