.

Nghỉ học đi biển

.

Đã mấy năm nay, nhiều trẻ em ở vùng biển như Thọ Quang, Mân Thái… (quận Sơn Trà) đã được lên bờ đi học. Nhưng vẫn còn đó không ít đứa trẻ mới lên 7, lên 10 đã phải theo cha ra biển thay vì đến trường.

Học không nổi thì đi biển

Dù mới 14 tuổi, nhưng Cường (phía bên phải) đã có thâm niên 4 năm trong nghề đi biển.

Khi mặt trời dần ngả bóng, những chiếc thúng, chiếc ghe trên bãi biển Mân Thái, Thọ Quang (quận Sơn Trà) lại nối đuôi nhau vượt sóng lao đi, bắt đầu cho một buổi đánh bắt mới. Hì hục cùng cha kéo chiếc thúng ra sát mép nước, em Huỳnh Văn Cường, ở tổ 20B phường Mân Thái lại làm những công việc vốn đã trở nên quen thuộc. Năm nay vừa tròn 14 tuổi, nhưng Cường đã có thâm niên 4 năm trong nghề đi biển. Hoàn cảnh gia đình không quá khó khăn, nhưng mới học đến lớp 5 Cường đã nghỉ học để cùng cha rong ruổi trên sóng nước.

Không gặp phải sự phản đối từ phía gia đình nên với Cường đi biển là chuyện thường. “Nhà em có ghe, cha em đi biển, em học không nổi nữa nên đi thôi”, Cường hồn nhiên nói. Không như Cường, “con đường đến với biển” của Lê Minh Khánh, ở tổ 16, phường Thọ Quang có phần gập ghềnh hơn khi vấp phải sự phản đối từ gia đình. Vừa lên lớp 8, Khánh đột ngột bỏ học về đi biển cùng cha, mặc cho mẹ và hai em hết lời khuyên nhủ.

Mẹ Khánh nghẹn ngào nói: “Có ai bắt nó nghỉ học mô. Vợ chồng tui đi biển cả đời đã thấm thía cái cực của nghề ni rồi nên quyết tâm đầu tư cho nó và hai đứa em nó ăn học. Nhà có mỗi nó là con trai mà rứa đó”. Mười bảy tuổi, trông Khánh chững chạc hơn bạn bè cùng trang lứa với  nước da đã sạm màu vì nắng và gió biển. Em kể: “Lúc đầu đi  chỉ phụ thêm với cha thôi. Mỗi chuyến đi cần ít nhất 4 người, nhà mình có 2 người khi chia tiền cũng đỡ. Chỉ hôm nào nước lớn quá mới ở nhà, bình thường cứ chiều tối đi rồi sáng sớm mai lại vô bờ. Hôm nào trúng thì được 2 - 3 triệu.
 
Không có thì 500 ngàn cũng phải chia đều cho 4 người. Tiền nhận được đem về nhờ mẹ giữ dùm vài bữa mua xe”. Không lăn lộn với nghề như Cường và Khánh, đám bạn của hai em cũng cố gắng đeo bám việc học. Nhưng cũng chỉ dăm bữa, nửa tháng mới có mặt tại lớp vì còn bận đi mành tôm, xúc ruốc, đánh cá cơm. Bác Huỳnh Văn Thiệt, ở tổ 15, phường Mân Thái buồn buồn nói: “Tụi trẻ ở đây trong độ 14 đến 17 tuổi, đứa nào cũng tranh thủ đi biển. Nghỉ học thì đi để kiếm cái nghề mà sinh sống, đang đi học thì tranh thủ đi để kiếm vài đồng về tiêu xài”... 

Biết thuyền, biết biển, có cái xe mà chạy là được rồi

Với những đứa trẻ như Cường, như Khánh đi biển chưa hẳn để kiếm tiền, mà đối với các em đó là sự lựa chọn duy nhất khi muốn bước vào đời. Khánh cho biết: “Nghỉ học rồi thì cũng chỉ biết đi biển chứ biết làm gì nữa đâu. Giờ cho chọn lại vẫn thích đi biển hơn, đi học mà học không vô thì chán lắm”. Những ngày theo cha, theo chú lênh đênh trên biển có buồn, có nhớ nhà, nhớ bạn cũng không hé môi than lấy nửa lời.

Cường  chia sẻ: “Đi biển ngắn ngày thì không sao, chứ đi cả nửa tháng là nhớ nhà lắm. Lúc buồn thì nghe rađiô, không thì đánh bài, hút thuốc. Khi nào về có tiền thì đi hát karaoke, uống cà-phê bù lại. Cực một tý mà có tiền tiêu vẫn sướng hơn”. Với suy nghĩ đơn giản như vậy, những đứa trẻ như Cường, Khánh không hề mảy may nghĩ đến một tương lai tươi sáng hơn. Như vậy rồi đây, các em lấy đâu ra cơ hội để được hưởng những quyền lợi lớn lao hơn như những đứa trẻ cùng trang lứa đang theo học tại các trường.

Một lãnh đạo phường Thọ Quang nói với chúng tôi: “Mấy năm qua, lãnh đạo phường luôn động viên các gia đình cho con em đến trường theo học thay vì đi biển, nhưng nhiều gia đình do hoàn cảnh khó khăn nên buộc phải cho con nghỉ học để đi biển. Một bộ phận nữa là các em đi học nhưng không học được nên cũng bỏ về.

Hiện nay, chúng tôi đang đẩy mạnh việc đào tạo nghề nhằm giúp các em sau này có một cuộc sống ổn định và đỡ vất vả hơn, chứ theo biển mãi bao giờ mới khá lên được”. Mong sao, điều ấy sớm đến với những em học sinh vùng biển vì phải mưu sinh mà bỏ học như ở phường Thọ Quang!

Bài và ảnh: KHÁNH HÒA

;
.
.
.
.
.