.

Nhọc nhằn nghề gánh cá thuê

.

Chuông báo thức từ chiếc điện thoại vang lên lúc 0 giờ 15 phút, thời điểm mà sương đêm còn buông kín và làm đẫm ướt những con đường phố thị. Tôi khoác vội lên mình chiếc áo dài tay, rồi lặng lẽ phóng xe về phía Âu thuyền Thọ Quang để xem quang cảnh hoạt động náo nhiệt ở một cảng cá có quy mô sầm uất thành phố Đà Nẵng. Đập vào mắt tôi là những núi cá khá cao mà những ngư dân đã vất vả khôn cùng để mang về từ lòng biển cả. Trong bóng đêm, cả cảng cá vang rền tiếng gọi nhau í ới của cánh bạn hàng, tiếng giục của chủ thuyền và những bước chân thoăn thoắt lầm lụi của những người đi gánh cá thuê…

Bà Nguyễn Thị Túc với công việc hằng ngày nơi cảng cá .

Mỗi ngày, từ 23 giờ đêm hôm trước cho đến 10 giờ sáng hôm sau, trên cảng cá Thuận Phước trước đây cũng như ở cảng cá Thọ Quang bây giờ thường xuyên náo nhiệt bởi sự hoạt động bán mua, khiêng vác của mấy nhóm người. Nhóm thứ nhất có thể kể đến là các nậu cá (nhóm này được xem là giàu có nhất trên cảng cá). Họ là những người thu mua hải sản trực tiếp từ các chủ tàu (với giá rất thấp), vì giữa chủ tàu với nậu cá có nhiều ràng buộc với nhau.

Nậu cá sẵn sàng cho chủ tàu vay tiền để mua sắm ngư cụ, nhiên liệu phục vụ cho việc ra khơi đánh bắt hải sản và tiếp đó là một cam kết bất thành văn: Tôi vay của anh để đi biển thì phải bán hải sản cho anh lúc cập bờ. Nhóm thứ hai là những người buôn bán nhỏ, vốn liếng không nhiều nhưng họ có thâm niên nhiều năm lăn lộn mưu sinh nơi cảng cá. Họ mua hải sản từ các nậu hoặc mua trực tiếp từ chủ tàu rồi bán lại cho những người bán cá ở các chợ hoặc đến từ các địa phương lân cận khác. Nhóm thứ ba và cũng là nhóm mà tôi muốn đề cập trong bài viết này, đó là những người đi gánh cá thuê.

Phải nói rằng, những người đi gánh cá thuê ở cảng cá này là những người quá nghèo khó, họ đến và dừng chân kiếm sống ở nơi đây từ rất nhiều vùng quê khác nhau. Có người quê ở Quảng Ngãi, Quảng Nam, có người quê ở Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị, Quảng Bình… thậm chí còn có người phiêu dạt đến đây từ Thanh Hóa, Nghệ An… Dù ở bất cứ nơi đâu, nhưng khi đã đến kiếm sống ở bến cảng này họ cũng đều có chung một nỗi niềm khắc khoải đó là sự nghèo khó, lam lũ. Ở quê nhà, họ là những người thất nghiệp, không có ruộng vườn để cấy hái nương tựa với mùa màng. Gia cảnh của họ thì muôn phần túng bấn, vì vậy mà phải ly hương…

Tất thảy họ đều nhập cuộc mưu sinh chỉ bằng đôi gióng và chiếc đòn gánh với chính sức vóc có được của mình. 23 giờ mỗi đêm, những người đi gánh cá thuê đều phải có mặt ở cảng cá để kiếm tìm công việc… Chị Dương Thị Hương (38 tuổi), quê ở Thừa Lưu, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế kể: Ở quê khó khăn quá, tôi phải theo mấy người quen vô đây đi gánh cá thuê, công việc nặng nhọc lắm, từ khuya đêm ni cho tới sáng mai 9, 10 giờ cũng chỉ kiếm được vài ba chục ngàn đồng.

Bà Ngô Thị Nờm ở phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, năm nay đã bước qua tuổi 58 và cũng là người có thâm niên nhiều năm lăn lóc kiếm sống nơi trên bến dưới thuyền này. Bà Nờm kể với tôi rất rành rọt: Bà đã theo những người quen đến gánh cá thuê cho những người buôn cá trên đất Đà Nẵng này từ khi còn trẻ lắm. Hơn 20 năm qua, nghề gánh cá thuê với biết mấy vui buồn… Bà nói: Ngày trước khi cảng cá còn ở bên Thuận Phước, những người gánh thuê như bà dễ kiếm cơm hơn, nhiều việc làm hơn vì thuyền ghe và người buôn nhiều và tấp nập lắm.
 
Bây chừ qua đây (Thọ Quang) ghe thuyền vô ra cũng giảm, người mua kẻ bán cũng vơi dần, trong khi đó người đâu từ tứ xứ ngày càng tập trung về đây để khiêng vác, gánh gồng một lúc một nhiều thêm. Đông người làm thì phải chia việc, mà việc ít thì thu nhập cũng ít theo… Bà Nguyễn Thị Túc (50 tuổi), nhà ở tổ 28, phường Thuận Phước, cũng là người sống bằng nghề gánh cá thuê từ năm 1996. Mọi vui buồn, no đói của bà và gia đình mình đều gắn với những gánh cá trên vai. Khi có nhiều việc làm thì gia đình có cái ăn, cái mặc, khi ít việc thì phải chịu cảnh túng quẫn, cơ hàn…

Bà Đặng Thị Hát (45 tuổi), quê ở xã Bình Định, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam cùng với hơn chục người đồng hương của mình, do cuộc sống nghèo khó mà cùng dắt díu nhau tìm đến cảng cá này để gánh thuê mưu sinh độ nhật. Những người đồng hương này cùng thuê chung một nhà trọ với giá 5.000 đồng/người/ngày. Nói là nhà trọ cho ra vẻ như thế, chứ thực ra đấy chỉ là nơi đặt manh chiếu nhỏ để ngả lưng chờ việc mà thôi… Bà Hát kể: Lúc nào có thuyền vào bán cá là chị em lại í ới gọi nhau xuống bến tìm hàng gánh thuê.

Từ nhiều năm qua, ở cảng cá này, các chủ hàng đã có chung một quy ước: Những người gánh cá thuê phải tự mình tranh giành công việc, và cứ thế, mỗi gánh cá từ thuyền lên bãi dù xa, dù gần những người gánh thuê cũng chỉ được chủ hàng trả một mức tiền công cố định là 1.000 đồng/gánh. Người nào siêng năng nhất, có nhiều chủ hàng gọi gánh nhất ở cảng cá mỗi tháng cũng chỉ thu nhập được chừng trên dưới một triệu đồng.
 
Với khoản tiền công ít ỏi đó, những người gánh cá thuê phải chắt bóp, dè xẻn lắm mới dư được vài trăm ngàn đồng để gửi về quê nuôi con ăn học và lo liệu việc nhà. Nhiều khi biển chẳng chiều lòng người, mấy ngày liền sóng to gió cả, thuyền ghe không vào ra bến đỗ là cũng theo đó mà những người đi gánh cá thuê phải chịu cảnh thiếu ăn. Có những lúc thuyền cá vào thì ít mà người làm thuê lại nhiều nên sinh ra cảnh tranh giành, chửi bới lẫn nhau, mỗi năm cũng đôi ba vụ vì giành mối gánh thuê mà dùng đòn gánh phang nhau sứt đầu, mẻ trán phải nhờ đến sự phân xử của Đội bảo vệ cảng cá mới thôi.

Anh Quang, anh Chín là những người có thâm niên bảo vệ ở cảng cá Thuận Phước trước kia và Thọ Quang bây giờ, biết tôi đang tìm hiểu về những người đi gánh cá thuê cũng dừng đôi phút tuần tra để góp chuyện, các anh nói: Trước đây cảng còn ở bên Thuận Phước thì đội quân gánh thuê này đông hơn, bây giờ chuyển về bến mới, đội quân gánh thuê chỉ còn lại độ trên dưới 200 người. Đó là những phận đời nghiệt ngã...

Bà Đặng Thị Hát tranh thủ lót dạ để đủ sức... gánh cá thuê.

Quanh năm suốt tháng, bất kể mùa đông hay mùa hè, họ đều phải tất tả ngược xuôi bám lấy bến cảng nồng sặc mùi tanh cá này để kiếm sống. Để có việc làm, họ thường xuyên phải ngâm mình trong dòng nước đen sền sệt ô nhiễm; đôi khi gặp những cần-xé cá nặng đến gần cả tạ, một người gánh đến oằn vai mà vẫn không nổi là họ phải nhờ thêm người cùng gánh, rồi cùng chia tiền công mỗi người được khoảng 1.000 đồng… Có người bám víu ở đây cho đến khi sức cùng lực tận, rồi con cái họ lại tiếp bước theo nghề. Và cứ thế, cuộc sống khó khăn, thiếu thốn như một vòng quay nghiệt ngã cứ từng ngày gieo lên những mái đầu số phận.

Bình minh lên, khi những gánh cá trĩu nặng được các chủ buôn mang về khắp mọi miền quê để phục vụ mọi người, cảng cá vốn dĩ ồn ào dần tan vào vắng lặng. Những người đi gánh cá thuê lại rảo bước quanh bến cảng để nhặt nhạnh những con cá nhỏ còn rơi rớt lại, những con cá đã ươn mềm mà các chủ hàng vứt lại vì biết sẽ khó bán cho người tiêu dùng. Họ gói ghém những thứ thừa ấy một cách cẩn thận trong từng chiếc túi ni-lông để mang về chỗ trọ làm thức ăn cho những bữa cơm đạm bạc của đời mình.

Tôi rời cảng cá Thọ Quang khi mặt trời đã lên quá nửa hàng cây ven đường xuôi ra cửa biển, trở về nơi phố thị sầm uất mà lòng vẫn nặng trĩu những nỗi buồn. Mong làm sao đến một ngày không xa nữa, những người đi gánh cá thuê sẽ được tập hợp lại thành một tổ chức cửu vạn có người đứng đầu nhận việc, rồi phân chia theo từng tổ nhóm để công việc được đều đặn và tươm tất hơn.

Mong sao ở nơi kiếm sống của những con người lầm than ấy thôi không còn những lời nhiếc móc, mắng chửi, không còn cảnh vì giành giật nhau một gánh cá mà phải đánh đập, rượt đuổi nhau đến cạn kiệt tình người. Mong chính quyền các cấp ở địa phương của những người dân thương khó này ngày một quan tâm nhiều hơn đến họ trong vấn đề tạo dựng công ăn việc làm; phát triển quỹ vốn vay xóa đói giảm nghèo để đời sống họ, gia đình họ ngày một ổn định hơn.
                   
Bài và ảnh: PHAN BÙI BẢO THY        


;
.
.
.
.
.