.

Nhùng nhằng xử lý cư dân vạn đò

.

Mặc dù UBND thành phố đã có chỉ đạo chậm nhất đến ngày 15-12-2008, những cư dân vạn đò đang trú tại xóm vạn đò Thuận Phước, quận Hải Châu buộc phải di chuyển lên bờ, tuy nhiên, đến thời điểm này mới có 3 hộ lên bờ, còn 16 hộ vẫn cố tình bám trụ lại.

Phường, chỉ có nhiệm vụ đuổi khỏi hồ

Lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy kiểm tra các tàu thuyền neo đậu trái phép.

Bà Lê Thị Thuận, Phó Chủ tịch UBND phường Thuận Phước cho biết: Trước khi UBND thành phố có chỉ đạo yêu cầu những cư dân vạn đò đang cư trú trong khu vực hồ Thuận Phước buộc phải lên bờ trước ngày 15-12-2008, tại khu vực hồ Thuận Phước có 19  hộ cư dân vạn đò với 77 nhân khẩu thường xuyên cư trú tại đây. Hầu hết số người này quê ở Phú Lộc (Thừa Thiên-Huế) nhập cư vào Đà Nẵng từ nhiều năm nay. Trong tổng số 19 hộ dân đã có 5 hộ đăng ký hộ khẩu thường trú với 21 nhân khẩu; 3 hộ đăng ký tạm trú với 12 nhân khẩu; 2 hộ được bố trí chung cư; 1 hộ được bố trí đất. Tuy nhiên cả hai hộ được bố trí chung cư và 1 hộ được bố trí đất đều đã bán đi và tiếp tục lênh đênh sông nước.

Kể từ khi xóm vạn đò này hình thành, việc sinh hoạt của họ đã để lại nhiều hệ lụy cho địa phương, từ chuyện giao thông bị ảnh hưởng, đến tình trạng mất an ninh trật tự, ô nhiễm môi trường. “Sau gần ba tháng thực hiện chỉ đạo của thành phố, ngày 18-12-2008, chính quyền địa phương đã tuyên truyền và buộc tất cả 19 hộ cùng phương tiện đánh bắt thủy sản ra khỏi khu vực hồ Thuận Phước. Như vậy, về mặt quản lý địa phương, phường đã hoàn thành nhiệm vụ được giao, trách nhiệm còn lại thuộc về Cảnh sát đường sông và Thanh tra giao thông”, bà Thuận nói.

Đuổi khỏi hồ lại ra ngoài

Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện toàn bộ 19 hộ cư dân vạn đò trước kia thường trú tại hồ Thuận Phước đã ra khỏi khu vực hồ. Nhưng khi ra khỏi hồ, một số cư dân vạn đò trên vẫn tiếp tục bám trụ quanh quẩn khu vực dưới chân cầu Thuận Phước và cảng cá cũ, một vài hộ đã quyết định lên bờ chuyển đổi ngành nghề khác. Ông Đặng Ấy (trú tại tổ 20, phường Thuận Phước) nói: “Thành phố đã cấm mà mình cứ cố tình bám lại là vi phạm pháp luật.
 
Từ khi bán thuyền lên bờ chuyển đổi ngành nghề khác thấy cuộc sống cũng nhẹ nhõm hơn. Ngày còn ở dưới thuyền, cả gia đình phải sống trong cảnh chật chội và ô nhiễm môi trường, mặt khác con cái lại không được ăn học đến nơi đến chốn. Bây giờ lên bờ mới thấy nuối tiếc, bởi trước kia thành phố bố trí cho chung cư nhưng lại đem bán rẻ bởi những tưởng cả cuộc đời sẽ gắn với nghề sông nước”.

Khác hẳn với hộ ông Đặng Ấy, anh Trần Dũng - một cư dân vạn đò có thâm niên trong nghề quê ở Phú Lộc (Thừa Thiên-Huế) nói: “Bây giờ thành phố buộc chúng tôi trở về quê sinh sống, nhưng biết đi về đâu? Thôi thì nán lại được ngày nào hay ngày ấy”. Cùng cảnh ngộ, vẫn còn không ít hộ như anh Dũng cũng đang cố bám lại được ngày nào hay ngày ấy. Vợ chồng anh Châu, chị Hành và 3 đứa con nhỏ rời Huế vào Đà Nẵng mưu sinh với nghề sông nước gần 3 năm nay nói: Chẳng ai muốn sống mãi cái kiếp sống dài lâu trên những chiếc thuyền chật chội, hằng ngày phải hứng chịu mùi hôi thối của nước và rác. Nhưng từ bỏ cái nghề này, biết làm chi mà sống? 

Hướng xử lý nào?

Sau khi bị đuổi khỏi hồ Thuận Phước, một số cư dân vạn đò lại tìm nơi khác cư trú.

Trung tá Phạm Thi, Đội trưởng Đội Cảnh sát đường sông (Phòng Cảnh sát giao thông - Công an thành phố) cho biết: Kể từ khi chính quyền địa phương buộc các cư dân vạn đò ra khỏi hồ Thuận Phước, tình trạng bám trụ của các cư dân vạn đò đã xuất hiện tại một số khu vực như cầu Thuận Phước, cầu Trần Thị Lý, cảng cá cũ...

Qua gần 3 tháng ra quân, tổ liên ngành gồm Cảnh sát đường sông, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nhiều lần lập biên bản, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa, tạm giữ giấy tờ, đăng ký ghe thuyền... và tình trạng cư dân vạn đò neo đậu trái phép đã giảm đáng kể. Khó nhất hiện nay mà đội liên ngành gặp phải là các cư dân vạn đò luôn tìm cách lẩn trốn khỏi thuyền khi có lực lượng kiểm tra.

Bên cạnh đó, việc cưỡng chế tàu thuyền lại không có phương tiện di chuyển và bến bãi neo giữ. Trong thời gian đến, lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra và có những hình thức xử lý nghiêm đối với những trường hợp cố tình né tránh.

Để giải quyết dứt điểm tình trạng trên, thiết nghĩ chính quyền sở tại cùng các cơ quan chức năng liên quan của thành phố cần tiến hành khảo sát một cách đồng bộ để đưa ra những giải pháp phù hợp, giúp những hộ dân vạn đò sớm trở về quê “an cư lạc nghiệp”.

 

UBND thành phố có Công văn số 1029 về việc tiếp tục xử lý dân vạn đò cư trú, neo đậu tàu thuyền, đánh bắt thủy sản bất hợp pháp trên sông Hàn. Theo đó, UBND thành phố yêu cầu Chủ tịch UBND các quận Hải Châu và Sơn Trà chủ trì phối hợp với Đội Cảnh sát giao thông đường thủy (Phòng Cảnh sát giao thông Công an thành phố) thường xuyên kiểm tra hành chính và xử lý nghiêm các trường hợp dân cư vạn đò cư trú, neo đậu tàu thuyền bất hợp pháp trên địa bàn quản lý; đồng thời chịu trách nhiệm toàn diện trước Chủ tịch UBND thành phố về việc để xảy ra tình trạng tái diễn dân vạn đò đến sinh sống tại địa phương.

Sở Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông Công an thành phố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các quận, huyện tiến hành xác định các vị trí đặt bảng báo cấm neo đậu tàu thuyền trên sông Hàn. Phòng Cảnh sát giao thông tiếp tục chỉ đạo Đội Cảnh sát giao thông đường thủy thường xuyên kiểm tra xử lý dân vạn đò; đồng thời buộc phá dỡ toàn bộ các nhà tạm, chòi canh dọc trên sông Hàn.

 


Bài và ảnh: TRỌNG HÙNG

 

;
.
.
.
.
.