.

Những nỗi buồn còn lại

.

Bi quan, mặc cảm, tự ti là tâm trạng thường có ở người khuyết tật (NKT). Tâm trạng đó sẽ tăng lên nếu họ không được sự sẻ chia, đùm bọc của gia đình, cộng đồng. Ngược lại, khi được sự động viên hỗ trợ đúng mức, cùng với sự nỗ lực vươn lên của chính mình, thì NKT sẽ làm được nhiều điều kỳ diệu.

Từ những tấm gương tiêu biểu

Nỗ lực tập luyện, người khiếm thị vẫn sử dụng được vi tính thành thạo.

Chị Lê Thị Diệu Châu ở quận Thanh Khê bị mù từ bé, nhờ sự động viên của gia đình, cộng đồng, nhất là có những người bạn tận tình chở đi chở về ròng rã mười mấy năm học tập, giúp chị lần lượt vượt qua các bậc học và tốt nghiệp đại học vào loại khá, bây giờ đã trở thành cán bộ lãnh đạo của Hội Người mù thành phố Đà Nẵng.

Chị Lê Thị Thu Hiền ở phường Hòa Khánh Bắc, bị tai nạn giao thông phải cắt bỏ một chân, nhưng nhờ bạn bè giúp đỡ, chị đã ôn luyện, nâng cao nghiệp vụ bưu chính viễn thông và được tuyển dụng, trở thành một giao dịch viên giỏi ở Bưu điện Liên Chiểu. Không chỉ vậy, chị còn say mê luyện tập môn cầu lông trên xe lăn và đã thi đấu đoạt nhiều giải cao, hai lần đứng trên bục cao nhất ở đấu trường Paragame, góp phần làm vẻ vang nền thể thao nước nhà.

Tại một xưởng sản xuất hàng mây tre trên đường Núi Thành, chúng tôi thấy anh Trần Ngọc Chi, bị khuyết tật cả chân và tay, nhưng vẫn điều khiển máy dập rất nhanh nhẹn, chuẩn xác. Để có được khả năng ấy, anh đã bền bỉ khổ luyện qua nhiều năm tháng và giờ đây không chỉ tự lo được cuộc sống của mình mà tháng nào cũng dành tiền gửi về giúp mẹ ở quê.
 
Các anh Nguyễn Nhâm ở kiệt 134 đường Núi Thành, Tăng Hiệp Hoàng ở đường Ngô Thị Liễu đều bị khuyết tật vận động..., nhưng ngày ngày miệt mài lao động để lo liệu cuộc sống gia đình. Anh Nhâm hành nghề sửa xe máy và xe đạp, anh Hoàng làm nghề thợ nề, sớm chiều tất bật, chăm chỉ làm ăn trong tình thương yêu đùm bọc của cộng đồng...

Đến những nỗi buồn còn lại

Những tấm gương tiêu biểu chưa có nhiều, còn nỗi lo của NKT thì không thể nào nói hết. Thời còn bé, nỗi lo lớn nhất đối với họ là việc học hành. Khi thấy bạn bè đồng trang lứa cắp sách đến trường, còn mình thì ngày nào cũng “bị giam” trong nhà, trẻ khuyết tật thấm thía xiết bao nỗi thiệt thòi, bất hạnh. Lúc ấy, nếu thiếu sự gần gũi, động viên, chia sẻ của gia đình và những người chung quanh thì các em sẽ rơi vào tình trạng chán nản, đơn độc, mất phương hướng sống và không ít trường hợp đã tự tìm đến cái chết.

Nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy tuổi thọ của NKT thấp hơn nhiều so với người bình thường. Chính vì vậy, trẻ khuyết tật cần được quan tâm nhiều hơn so với trẻ bình thường. Tổ chức cho các em vui chơi, học tập, hòa nhập với bạn bè là phương thuốc tối ưu để chống các biểu hiện trầm cảm và giúp các em có ý chí vươn lên. Theo chị Lê Thị Diệu Châu, chính những người bạn hằng ngày tận tình đưa đón chị đến trường là yếu tố quan trọng hàng đầu để chị phấn đấu trưởng thành.

Khi đã lớn thì tìm việc làm để có thể tự nuôi bản thân là điều NKT lo lắng nhất. Chuyện học nghề đối với họ là hết sức gian truân, bởi từ trong cơ quan Nhà nước đến các cơ sở tư nhân đều không ai muốn có một học trò mà thân thể bị khiếm khuyết. Học nghề đã khó, đến khi học được nghề rồi, đi xin việc lại càng khó hơn, bởi chẳng có cơ quan nào muốn trong đơn vị có một thành viên điếc, mù, cụt, ngọng, lệch môi méo miệng...

Ngay như Trường phổ thông Chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu là nơi dạy học sinh khiếm thị, vậy mà bao năm qua cũng chỉ tuyển dụng vỏn vẹn 2 giáo viên khiếm thị. Còn toàn ngành bưu chính viễn thông Đà Nẵng hiện cũng chỉ có duy nhất một giao dịch viên khuyết tật là chị Lê Thị Thu Hiền ở Bưu điện Liên Chiểu!

Điều thầm kín, tế nhị mà NKT luôn khao khát đó là một mái ấm gia đình. Đây là chuyện dễ dàng của người bình thường nhưng lại quá khó đối với những NKT, nhất là phái nữ. Có chị đã phải chấp nhận làm vợ hai, có chị cam chịu lấy chồng già hơn cả bố mẹ, có chị chỉ ước ao “kiếm” một đứa con để làm nguồn vui mà cũng không được... Quả là, với người khuyết tật, còn đó những nỗi buồn!

Bài và ảnh: LÊ VĂN

;
.
.
.
.
.