.

Non nớt lời ru

.

Trên con đường núi quanh co đi từ Tắc Pỏ lên Trà Tập (huyện Nam Trà My, Quảng Nam), tôi bắt gặp một sơn nữ nhỏ nhắn, dắt theo một nhóm trẻ con chừng 7-8 đứa đi học về. Một cô bé trong nhóm tầm 6-7 tuổi, vừa đi vừa khóc nức nở, nước mắt giọt ngắn giọt dài. Cô sơn nữ lên tiếng dỗ dành “Nín đi nào, con gái, về rồi mẹ sẽ mua kẹo cho! Cái đó em lỡ ăn rồi mà!”. Mọi người giật mình quay lại...

Cô sơn nữ Kim Thoa và 2 đứa con nhỏ của mình.

Cô sơn nữ tên Hồ Thị Kim Thoa (thôn 4, xã Trà Tập), năm nay 23 tuổi. 16 tuổi, khi đang còn theo học lớp 7 thì bỏ học giữa chừng để lấy chồng. Chồng hơn em 1 tuổi, vốn là dân làm nương, làm rẫy. Mới 23 tuổi, nhưng Thoa đã “lận lưng” đến 2 đứa con, đứa con gái đầu 7 tuổi, có gương mặt đẹp và buồn giống mẹ - Thoa đặt tên con bé là Đinh Thị Thu Thủy; cậu con trai 3 tuổi, tên Đinh Quang Dũng. Nhìn 2 đứa bé quấn mẹ, cũng đủ thấy cô gái nhỏ rất giỏi vun vén và lo toan. Cô kể chuyện, mắt đẫm nước. Thật ra, đám cưới quá sớm là cái mà Thoa không hề mong muốn.

Nhưng ở vùng cao này, một khi cha mẹ đã quyết định, thì không thể làm trái được. Thoa lấy chồng, một phần vì gia cảnh quá nghèo. Thoa mê học, thèm được biết cái chữ, thèm được vui chơi với bạn bè đồng trang lứa, nhưng hoàn cảnh khó khăn của gia đình  không cho phép em thực hiện đam mê đó. Khi Thoa lập gia đình, cha mẹ Thoa đã đều ngoài 70 tuổi. Cha mẹ già yếu, anh em thì đông, chỉ có cách giải quyết duy nhất là Thoa phải lập gia đình, để bớt gánh nặng cho cha mẹ.

Ngày cưới, đối với Thoa là chấm dứt tất cả những chuỗi ngày bình an, để trở thành người phụ nữ, đầu tắt mặt tối với gia đình. Lấy chồng xong là sinh con. Quá bé bỏng, nên việc chăm con của Thoa cũng gặp nhiều khó khăn. Con vừa đủ ngày, đủ tháng, là Thoa lập tức tham gia lao động nương rẫy cùng chồng để lo cái ăn, cái mặt cho gia đình nhỏ bé. “Nhiều khi, nhìn bạn bè cùng tuổi vẫn còn được đi học, được vui đùa, em phải cắn chặt môi để khỏi phải khóc trước mắt chồng con!”.

Rồi đứa trẻ thứ 2 chào đời. Thoa càng tất bật hơn. “Nhưng em cũng còn may, nhiều bạn học cùng em, cũng lấy chồng sớm, nhưng yếu ớt lắm, sinh con xong thì không còn sức, con cái èo uột, gia cảnh túng thiếu nên nhìn già xọm đi, mất hết sức sống!” Thoa trang trải lòng mình. Khi hỏi, có tiếp tục sinh con nữa không thì Thoa le lưỡi, lắc đầu trông rất trẻ con “Em sẽ ráng nuôi 2 đứa con ni thôi, cho nó ăn học đàng hoàng. Cuộc đời của con bé ni chắc chắn không để lặp lại giống như em!”. Nói rồi, cô ôm chặt con bé Thủy vào lòng. Con bé Thủy thì vẫn  khóc nức nở, nhõng nhẽo đòi mẹ mua kẹo.

Chia tay Thoa, thầy giáo Nguyễn Văn Nhị (Trường THCS Trà Tập), người đã công tác ở vùng núi non này hơn 6 năm, kể tiếp cho tôi nghe những câu chuyện tảo hôn còn dang dở trước khi gặp Thoa. Thầy bảo, năm học nào lớp mình dạy cũng có mấy em bỏ học, nhất là thời điểm sau khi cúng lúa mới, nghỉ hè hoặc sau khi nghỉ Tết.
 
Không giống Thoa, phần lớn, những đám cưới dạng “tảo hôn” đều xuất phát từ việc các em nhỏ không có kiến thức về sức khỏe sinh sản, quan hệ gần gũi của các em vào các thời điểm nghỉ học dài ngày đã phát sinh hậu quả, nên phải cưới, phải lo cái thai đang ngày càng lớn dần trong bụng những em học sinh nhỏ tuổi. Những đứa học trò nhỏ thó, ốm o thoắt cái trở thành cha, thành mẹ, trở thành những người trụ cột trong gia đình.

Những đứa trẻ của vùng núi Nam Trà My, yếu ớt và suy dinh dưỡng.

Nhị bảo, mỗi khi đi xuống thôn bản để vận động, gặp lại những học sinh này, nhìn những cô bé 16-17 tuổi, vác cái bầu vượt cả mặt, nặng nề theo từng bước chân; các em bối rối và thẹn thùng, ngượng ngùng không nói nổi tiếng chào thầy, trông đến là thương. Chính vì vậy, khác với những lớp học dưới xuôi, ở những lớp học vùng cao này, ngoài việc dạy văn hóa cho các em, những thầy, cô giáo còn phổ biến kiến thức về sinh sản, về quan hệ nam nữ cho các em, với mong muốn những cuộc hôn nhân ngoài ý muốn không xảy ra với những đứa trẻ còn quá non nớt.

Trên đường về lại thị trấn Tắc Pỏ, ngang qua một căn nhà sàn, tôi ghé vào xin chén nước. Ló mặt ra từ căn nhà tối om là một cô gái trẻ, mặt mày sưng húp, mắt thì tím bầm, đang bồng bế đứa con nhỏ trên tay. Người đi cùng tôi vốn ở cùng làng, biết chuyện, nhỏ giọng kể: đó là Đ.T.N, em cũng nghỉ ngang lớp 7, để lấy chồng, đã 2 năm rồi. Không may cho em, chồng là người nóng tính, nên bất kể gì cũng “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”. “Cả năm không thấy nó ló mặt ra xóm một lần, chẳng bù cho hồi đi học, nó là đứa vui vẻ, lúc nào cũng cười nói, vui đùa!”. Lời nhận xét của người đi cùng khiến mọi người đều thương cảm cho N.

Nhỏ tuổi, lập gia đình, lao động sớm, sinh con đẻ cái quá sớm khi không có một chút kiến thức về cuộc sống gia đình, khiến không ít trường hợp khi sinh nở, các em gặp biến chứng, nguy kịch đến tính mạng. Có nhiều trường hợp mà ngay cả bác sĩ ở đây cũng hết sức kinh ngạc vì những cô gái tuổi đời vẫn còn quá nhỏ, lại phải vượt cạn trong tình trạng sức khỏe cực kỳ suy giảm.
 
Không chỉ ảnh hưởng đến mẹ, những đứa trẻ con sinh ra con ở vùng núi cao này phần lớn đều bị suy dinh dưỡng. Ông Chủ tịch huyện Hồ Văn Ni nêu con số “40% trẻ em ở huyện Nam Trà My bị suy dinh dưỡng” và kết luận “Đó như một dịch bệnh đang hoành hành mảnh đất vùng cao này!”. Gốc gác của dịch bệnh này, có lẽ một phần xuất phát từ những cuộc tảo hôn, của những đứa trẻ tuổi đời còn quá non nớt này... Có lẽ vậy!

VIẾT THANH

;
.
.
.
.
.