.

Ô nhiễm nguồn nước ở Thạch Sơn

.

Ngày còn là xã Hòa Hiệp thuộc huyện Hòa Vang, làng quê yên bình phía dưới bàu Tràm, cách quốc lộ 1A chừng vài trăm mét là làng Thạch Sơn. Nay làng quê ấy vẫn nguyên nét cũ như ngày nào nhưng đã mang tên mới là tổ 1 và 2 thuộc phường Hòa Hiệp Nam (Liên Chiểu).

Nước giếng múc lên trong vắt, nhưng để lâu đóng cặn và chuyển vàng.

Từ năm 2001 đến nay, 2 tổ này nằm trong vùng quy hoạch mở rộng KCN Hòa Khánh nên cơ sở hạ tầng không được nâng cấp, nhà cửa không xây mới và sửa chữa. Hiện tại, gần 100 hộ đang sống trong điều kiện cơ sở hạ tầng nghèo nàn, nhất là nguồn nước sinh hoạt hằng ngày qua khai thác nước ngầm tại chỗ bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Nguồn nước tại đây bị ô nhiễm từ ngày các nhà máy ở KCN Hòa Khánh đi vào hoạt động. Hồi đó, nước thải từ KCN chảy qua ngả bàu Tràm, xuống làng Thạch Sơn đổ ra sông Cu Đê, đã từng gây thiệt hại nặng cho sản xuất của người dân, ngấm vào đất gây ô nhiễm nước giếng. Ông Phan Đình Long, tổ trưởng tổ 2 cho hay: Nhiều năm nay, nước sinh hoạt luôn là nỗi bức xúc của người dân. Hộ có điều kiện kinh tế thì mua nước bình để đun nấu, người nghèo khó phải dùng nước giếng tại chỗ.
 
Là vùng cát, nước bơm lên trong veo nhưng để lâu đóng cặn và chuyển vàng, giặt quần áo trắng ít hôm có màu gạch cua. Chưa ai xét nghiệm đánh giá mức độ ô nhiễm nguồn nước ngầm ở đây đến mức nào. Chỉ biết rằng, nơi đây có nhiều người chết vì ung thư. Ông Long cho biết thêm: Biết được thời điểm giải tỏa còn đỡ, đằng này gần chục năm nay thông báo quy hoạch mà chẳng thấy động tĩnh gì. Cơ sở hạ tầng khu dân cư, nhất là đường sá xuống cấp, nước sạch không có, đời sống người dân khó khăn. Đợt nào đại biểu HĐND thành phố và đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri ở đây, ý kiến người dân đề cập nhiều nhất vẫn là nước sạch, nhưng không thấy chuyển biến gì.

Gia đình ông bà Huỳnh Nhân - Võ Thị Biên, chất dãy 6 bình nước sạch loại 10 lít dùng đun nấu hằng ngày. Bà Biên cho hay: Mỗi bình 8-10 nghìn đồng, một tuần hết 4 - 5 bình. Nước giếng chỉ dùng tắm rửa, giặt giũ. Không biết trong nước có chất gì mà bơm vào bể nuôi cá, ít hôm cá cũng chết. Để khẳng định lời bà Biên vừa nói, ông Nhân dẫn chúng tôi ra bể cá phía sau nhà. Bể xây bằng xi-măng, nước đóng váng vàng khè, bỏ không. Ông Huỳnh Phú Quý, ở tổ 2, cán bộ Hội Làm vườn quận Liên Chiểu cho rằng: Nước ngầm vùng này bị ô nhiễm nặng do nước thải từ KCN Hòa Khánh. Ở đồng ruộng cũng vậy, người dân xuống đồng sản xuất về chân tay bị ngứa. Cây trồng năm nào cũng năng suất thấp.

Thiết nghĩ, chính quyền các cấp và cơ quan chức năng phải có giải pháp giúp người dân vùng này sớm có nước sạch. Có thể xây một vài bể  thể tích lớn dùng đường ống dẫn nước thủy cục gần đó về để bà con dùng, hoặc ít ra dùng xe bồn cấp nước sạch cho người dân mỗi tuần vài ba chuyến. Điều quan trọng hơn là sớm xúc tiến di dời giải tỏa các khu dân cư này để người dân sớm thoát khỏi cảnh sống thiếu nước sạch triền miên.

Bài và ảnh: NGUYỄN CẦU       

;
.
.
.
.
.