Hồi tháng 12-2006, sau khi tới Hà Nội để tham dự một hội nghị về giảng dạy toán học bằng công nghệ số, một tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra đã khiến cho Giáo sư Viện sĩ người Việt Nguyễn Văn Đạo, nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội tử vong, và khoa học gia người Mỹ Seymour Papert, “viên đá quý” của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) bị hôn mê sâu, hiện đang phải điều trị tốn kém vào khoảng 15.000 USD/tháng, tại Mỹ.
Một điều kỳ lạ là ngay trước khi xảy ra vụ tai nạn, S.Papert còn đang thảo luận về dự án xây dựng một mô hình toán học mô tả tình trạng giao thông lộn xộn của Hà Nội...
Hiện trường một vụ tai nạn giao thông. |
Một đất nước có thể chết bất kỳ lúc nào nếu đi ra đường; một đất nước cứ mỗi tháng có trên dưới 1.000 người chết vì TNGT, cao hơn bất kỳ đại dịch nào; một đất nước có rất ít người tôn trọng luật lệ giao thông… những điều đó đã trở thành nỗi nhục quốc thể, đã đưa nước ta vào hàng những nước kém văn minh về giao thông. Tình trạng lộn xộn, thiếu quy củ, không an toàn về giao thông cũng đã trở thành lý do không nhỏ kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế, giảm khách du lịch, giảm nguồn vốn đầu tư nước ngoài và nhiều tiêu cực khác.
Hiểu được điều đó nên nhiều năm nay, rất nhiều cuộc hội thảo, hội nghị đã được tổ chức; nhiều dự án, đề tài nghiên cứu khoa học đã được triển khai; nhiều văn bản luật và dưới luật đã được ban hành; nhiều phong trào bảo đảm giao thông đã được phát động. Không chỉ vậy, Nhà nước và nhân dân đã chi ra hàng trăm nghìn tỷ đồng để phát triển đường sá, cầu cống và các cơ sở hạ tầng khác. Nhưng bất chấp những cố gắng đó, tình hình TNGT vẫn không giảm, thậm chí còn tăng hơn.
Vậy làm cách nào để hạn chế, tiến tới giảm đến mức thấp nhất TNGT? Câu hỏi tưởng dễ trả lời mà cũng thật khó.
Những lý do dẫn đến tình hình giao thông như hiện nay dường như ai cũng biết: Đó là trình độ dân trí và ý thức chấp hành pháp luật của người dân chưa cao. Đó là hệ thống pháp luật và việc thực thi pháp luật chưa đủ nghiêm minh. Đó là cơ sở hạ tầng giao thông còn quá lạc hậu, thiếu thốn. Đó là hậu quả của tăng trưởng nóng, nhu cầu giao thông và vận tải tăng quá nhanh, vượt khả năng đáp ứng.
Nhưng biết mà không khắc phục được triệt để những yếu kém, thiếu sót là vì đâu? Tìm được lời giải đáp đúng cho điều này là đầu mối cho việc tháo gỡ. Không thể buông xuôi đổ lỗi cho nghèo nàn, lạc hậu. Hãy bắt đầu từ việc lắng nghe các nước bạn trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, kể cả Trung Quốc… nói về họ.
Cách đây ít chục năm, tình trạng giao thông của họ cũng như ta, thậm chí còn lộn xộn hơn ta bây giờ, nhưng rồi họ đã giải quyết được rất triệt để trong một thời gian ngắn để nhanh chóng trở thành những nước văn minh về giao thông. Vì sao như vậy? Không đủ hiểu biết để trả lời câu hỏi này nhưng tôi biết ở những nước như vậy, mọi người đều tôn trọng luật pháp, đồng thời đều được luật pháp bảo vệ khi ra đường.
Vũ Duy Thông