.
TAI NẠN THƯƠNG TÍCH Ở TRẺ EM

Luôn rình rập ở mọi nơi

Như mọi ngày, chị Nguyễn Thị Hà, trú tại tổ 2, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn bế con gửi cho bà nội chăm sóc. Trong lo lắng chị kể, hôm đó là ngày 17-2, trong lúc bà nội loay hoay chuẩn bị thức ăn chiều thì cháu Y.N gần 2 tuổi bò tới kéo chiếc bình thủy để dưới đất.
 
Hậu quả, cháu bị phỏng nước sôi độ 2, với diện tích 15% cơ thể. Con bị tai nạn nên chị Hà phải xin nghỉ việc để chăm sóc cho con tại khoa Ngoại bỏng, Bệnh viện Đà Nẵng. Trước đó 2 ngày, khoa Ngoại bỏng tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân tên Đ.D.N., 12 tuổi, trú tại quận Ngũ Hành Sơn bị tai nạn giao thông. Hậu quả, em phải điều trị tại khoa Ngoại bỏng để đắp da do bị tổn thương nặng.

Bác sĩ Đỗ Văn Hùng, Trưởng khoa Ngoại bỏng, Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, hầu hết bệnh nhân là trẻ em bị tai nạn giao thông, bị bỏng điều trị tại khoa khi mới đưa vào cấp cứu đều trong tình trạng đau đớn thể xác vì khả năng kháng thể của trẻ nhỏ rất yếu ớt. Có nhiều tai nạn rất hy hữu như trẻ bò trên lưng mẹ trong khi chơi đùa bỗng bị ngã sưng đầu, thậm chí chấn thương sọ não.

Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng -  Bộ Y tế, tỷ suất chết đuối ở trẻ em Việt Nam là 22,6%, chỉ sau tai nạn giao thông 26,7%.Chết đuối là nguyên nhân gây tử vong lớn nhất ở trẻ em dưới 15 tuổi, chiếm tới 70%, trong số này trẻ em từ 5-9 tuổi chiếm gần 50%. Đối với trẻ em từ 15-18 tuổi thì tai nạn giao thông lại là nguyên nhân dẫn đến tử vong.

Bên cạnh những thiệt hại về người, tốn kém tiền bạc cho chữa trị, chăm sóc, TNTT còn gây cho nhiều trẻ em mất đi tuổi thơ trong sáng, hạnh phúc nhất vì tàn phế do tai nạn. Nhiều bậc cha mẹ cảm thấy “hụt hẫng” khi phải chứng kiến con mình bị tàn tật do TNTT. Xuất phát từ thực trạng này, việc giáo dục, nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân, cộng đồng và bản thân mỗi trẻ em về giữ gìn an toàn và phòng, chống TNTT là hết sức cần thiết.

Mặc dù trong thời gian qua, công tác phòng chống TNTT được cảnh báo nhiều và các cấp, các ngành đã có sự quantâm giáo dục tuyên truyền, nhưng trên thực tế công tác này vẫn còn nhiều hạn chế. Tại hầu hết các trường mẫu giáo hiện nay việc thiết kế phòng học, các khu vực vui chơi chưa khoa học, rất dễ xảy ra tai nạn cho trẻ nhỏ.

Một trong những biện pháp cần thực hiện là các ngành, các cấp cần phối hợp tổ chức các diễn đàn, hội thảo, hoạt động tư vấn, thi tìm hiểu, thông tin, giáo dục truyền thông nhằm nâng cao nhận thức trong phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em. Đi đôi với đó là nhân rộng các điển hình trong công tác phòng, chống như xây dựng cộng đồng an toàn, trường học an toàn, ngôi nhà an toàn, an toàn giao thông đường bộ, đường thủy…

Ngoài ra cơ quan chức năng cần kiên quyết, xử lý nghiêm đối với các lỗi có thể dẫn đến nguy cơ gây thương tích, đặc biệt là các lỗi vi phạm Luật Giao thông, Luật Bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, vi phạm các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhằm bảo đảm an toàn cho trẻ em ở mỗi gia đình, cộng đồng và toàn xã hội.

VIỆT DŨNG

;
.
.
.
.
.