.

Thái Thị Bôi -Người con gái quang vinh

Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, đồng thời nhằm bày tỏ lòng tri ân, tôn kính của phụ nữ Đà Nẵng hôm nay đối với các thế hệ phụ nữ đi trước, nhân kỷ niệm 99 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (8-3) và 1.969 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng, Hội LHPN thành phố Đà Nẵng phát động công trình thi đua “Tôn tạo khu tưởng niệm nhà yêu nước Thái Thị Bôi” tại phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng.Tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng của chị Thái Thị Bôi mãi mãi là niềm tự hào và là tấm gương sáng cho các thế hệ phụ nữ noi theo...

Chị Thái Thị Bôi sinh tháng 3 năm 1911 tại làng Nghi An, xã Hòa Phát, huyện Hòa Vang trong một gia đình nông dân nghèo. Năm 1916, khi vừa tròn 5 tuổi, chị đã chứng kiến một cảnh đau thương của đất nước và của gia đình: bọn thực dân Pháp và tay sai hành quyết Thái Phiên, chú ruột chị. Thái Phiên và Trần Cao Vân là hai lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa yêu nước do Việt Nam Quang Phục Hội chủ trương. Để trả thù phong trào này, bọn xâm lược và bè lũ bán nước thi hành một chính sách khủng bố, giết chóc vô cùng tàn bạo.

Hàng nghìn người yêu nước bị giết, bị bắt bớ, tù đày. Thân sinh chị Thái Thị Bôi, ông Thái Văn Cầm, vừa đau xót, vừa phẫn uất trước cái chết của em mình đã lâm bệnh nặng và 6 tháng sau thì mất. Bọn nha lại, hương lý được dịp tha hồ khủng bố gia đình họ Thái. Lo sợ cho tính mạng các con, mẹ chị Thái Thị Bôi là bà Trần Thị Thọ không dám cho các con đi ra khỏi làng... Khi Thái Thị Bôi lên 7-8 tuổi, cả nhà thấy chị thông minh, ham hiểu biết và là con gái út cho nên việc học hành của chị được đặt ra... Vốn thông minh, chăm chỉ, sức học của Bôi tiến rất nhanh. Một năm sau, chị được lên trường tỉnh học...
 
Thời gian học ở Đà Nẵng, tận mắt nhìn thấy những điều dã man, bạo ngược do thực dân Pháp và bè lũ tay sai gây ra, Bôi đã hiểu được một phần nào nguyên nhân cực nhọc của người dân nô lệ mất nước. Chị cũng có điều kiện gặp gỡ nhiều nhà yêu nước và học sinh tiến bộ. Những người này luôn luôn ca ngợi tinh thần yêu nước nồng nàn, gương hy sinh anh dũng của Thái Phiên và Trần Cao Vân, giúp Bôi hiểu thêm những nguyên nhân mất nước, nguyên nhân làm cho dân tộc phải sống trong vòng tủi nhục lầm than... Tất cả những điều mắt thấy, tai nghe ấy thúc giục Bôi vươn lên, noi gương cha anh, quyết chí đấu tranh cho đại nghĩa...

Năm 13 tuổi, chị đỗ vào hạng ưu của Trường Đồng Khánh (Huế) và được cấp học bổng. Lúc này, tình hình chính trị nước ta xuất hiện một sự kiện quan trọng. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, năm 1925, Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội – tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam – ra đời. Sự  ra đời của tổ chức cách mạng này thúc đẩy phong trào yêu nước vốn đã phát triển càng trở nên rầm rộ suốt từ Bắc chí Nam. Nổi nhất là phong trào đấu tranh của đông đảo đồng bào đòi trả lại tự do cho nhà yêu nước Phan Bội Châu và tổ chức lễ tang, lễ truy điệu chí sĩ Phan Châu Trinh.

Ở Huế, cùng một số chị em học sinh khác, Thái Thị Bôi đã tham gia phong trào yêu nước của học sinh, sinh viên và được kết nạp vào Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội. Là người tích cực hô hào đấu tranh chống áp bức, chống thái độ đối xử thô bạo của các thầy giáo người Pháp đối với học sinh người Việt, ủng hộ phong trào đòi trả lại tự do cho Phan Bội Châu và dự lễ truy điệu Phan Châu Trinh, nên chị đã bị Sở Mật thám Trung Kỳ bắt, giam giữ và tra hỏi; rồi bị chúng ra lệnh đuổi về Quảng Nam, chịu sự quản thúc của chính quyền địa phương.

Tuy còn trẻ, song sớm giác ngộ cách mạng, có trình độ học vấn, nhiệt tình hoạt động nên sau khi về lại Đà Nẵng, chị được các đồng chí quyết định cử vào Ban Chấp hành Tỉnh bộ. Với bí danh là Hà, Thái Thị Bôi như con thoi, có mặt ở tất cả mọi nơi. Chị chính là sợi dây nối liền tổ chức cách mạng trong và ngoài tỉnh, là liên lạc của Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội ở Quảng Nam-Đà Nẵng...

Từ khi giác ngộ cách mạng, đứng trong hàng ngũ những người Cộng sản, chị đã lường trước mọi gian khổ, hy sinh sẽ trải qua. Chị hiểu rất rõ rằng, để đi đến thành công, cách mạng phải trải qua muôn ngàn gian khổ, hy sinh, tổn thất. Người cách mạng có thể bị tra tấn, tù đày, thậm chí bị đưa lên máy chém như Thái Phiên – chú chị - nhưng kiên quyết đấu tranh đến cùng, không được lùi bước trước bất cứ thử thách gian nguy nào. Chị đã làm đúng những điều chị thường nghĩ. Khi bị thực dân Pháp và bọn tay sai bắt, bị đánh đập, tra tấn dã man nhưng chị vẫn giữ vững khí tiết của người Cộng sản.

Ra tù, chị lại tiếp tục hoạt động cách mạng. Song trước tình hình khủng bố, đàn áp của địch quá căng thẳng, chị quyết định tạm học một nghề để vừa sinh sống, vừa làm bình phong che mắt bọn mật thám đang ráo riết rình mò. Vốn thông minh, chị xin học nghề kế toán thương mại, rồi xin vào làm thư ký kế toán cho một khách sạn ở Đà Nẵng, sau lại chuyển sang làm kế toán cho nhà buôn ở Vĩnh Điện...

Năm 1936, Mặt trận bình dân Pháp thắng cử, chị Thái Thị Bôi đã cùng chồng là anh Lê Văn Hiến tìm cách tập hợp lại lực lượng, vận động quần chúng đấu tranh với địch trong điều kiện mới. Vợ chồng chị cùng đồng chí Nguyễn Sơn Trà đứng ra thành lập tiệm phát hành sách báo tiến bộ, lấy tên là Việt Quảng. Chị đứng tên làm chủ tiệm. Ngoài việc đại lý sách báo, tiệm Việt Quảng còn nhận làm đại lý thuốc tây cho các y viện ở Hà Nội, đại lý gỗ ở Vinh, rượu dâu ở Quảng Bình...
 
Để tạo điều kiện vật chất, tài chính cho tiệm Việt Quảng hoạt động lâu dài, vững vàng, anh Lê Văn Hiến cùng đồng chí Lê Tuất nghiên cứu mỏ cao lanh ở Tiên Phước và tiến hành khai thác để sản xuất chén. Lò sản xuất chén là nơi cung cấp tài chính cho các hoạt động của Đảng ở Quảng Nam-Đà Nẵng. Không chỉ dựa vào thu nhập của tiệm sách báo, chị Bôi còn đề ra hướng kinh doanh lớn hơn: thu mua các sản phẩm nông nghiệp như sắn, bắp, trứng vịt cung cấp cho các hãng buôn xuất khẩu...

Muốn làm được việc này, một mặt phải có số vốn khá lớn, mặt khác phải có người tin cậy, biết tìm nguồn hàng ở các tỉnh... Để có vốn, chị tìm cách liên hệ với các hãng buôn lớn như Lucia, Lê Văn Tập, nhận số tiền ứng trước để mua hàng và giao cho một số đồng chí khác đi mua ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Ngãi, qua việc liên hệ với các đồng chí chính trị phạm cũ. Cách làm này của chị đã giúp và giải quyết tạm thời đời sống cho một số anh em mới ra tù, tạo thêm điều kiện cho các đồng chí đảng viên đi lại hoạt động ở nhiều nơi, nhất là vùng nông thôn.
 
Hoạt động của tiệm buôn Việt Quảng trong những năm 1936-1937 khá trôi chảy, phát đạt. Dưới sự tổ chức hướng dẫn của các chị Thái Thị Bôi, Phạm Thị Kỳ, Phạm Thị Cảnh..., lực lượng phụ nữ ở Đà Nẵng được tổ chức lại trở thành lực lượng quần chúng đông đảo, luôn luôn sẵn sàng trong tư thế đấu tranh, hăng hái hưởng ứng, thực hiện các chủ trương của Đảng lúc bấy giờ.

Cuối năm 1937, hiệu Việt Quảng bắt đầu bị sự phản kích nhiều mặt của bọn thống trị thực dân. Đối với thực dân Pháp và bè lũ tay sai, tiệm sách báo Việt Quảng và bà chủ tiệm Thái Thị Bôi là một cái gai nhọn. Chúng tìm mọi cách gây sức ép, buộc các nhà tư sản phải “cắt đứt” quan hệ. Không có vốn để kinh doanh, lại bị địch o ép nhiều bề, cộng với sức khỏe suy yếu sau những ngày đòn roi, chị lâm bệnh nặng và qua đời vào ngày 23-2-1938 (lúc đó chị 28 tuổi).

Đám tang của chị Bôi đã quy tụ hàng ngàn chị em phụ nữ Đà Nẵng tham gia và biểu thị lòng đau thương, mất mát đối với người chị lớn, một người nữ đảng viên xuất sắc của các tổ chức Đảng ở Đà Nẵng. Từ Huế, nghe tin chị Thái Thị Bôi qua đời, cụ Phan Bội Châu đã gửi vào một bài văn điếu rất bi ai, tỏ lòng thương tiếc một người chiến sĩ Cộng sản trẻ tuổi. Bài văn có đoạn:

“Hỡi chị ơi, vận nước tang thương, đường đời tụ tán
Chị hỡi đành lòng, trời đâu nuôi loạn
Xác thịt chết nhưng tinh thần không chết...”
Người con gái vinh quang của mảnh đất Đà thành
anh hùng sẽ còn mãi với núi sông này.

HOÀNG THẮM

;
.
.
.
.
.