.
THỰC HIỆN QUY CHẾ DÂN CHỦ Ở CƠ SỞ

Khi người dân thấy quyền và lợi

.

Cách đây 10 năm, ngay từ khi Chỉ thị 30-CT/TW của Bộ Chính trị khóa VIII) “Về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở” ra đời, cũng là lúc xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang thực hiện chủ trương chia tách cấp học THCS và tiểu học. Vấn đề đặt ra lúc này là việc xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị phù hợp với việc giáo dục theo chủ trương mới.

Nhiều ý kiến của nhân dân được đề đạt đến các cấp chính quyền thông qua hoạt động tiếp xúc cử tri.TRONG ẢNH: Một buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng.

Dự án xây dựng mới trường THCS đã được đề ra, với mức kinh phí 800 triệu đồng, trong khi nguồn ngân sách chỉ hỗ trợ 500 triệu đồng. Trước tình hình đó, cùng với việc vừa triển khai thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở (DCCS), Đảng ủy và chính quyền, các đoàn thể xã Hòa Tiến quyết định họp nhân dân để thông báo chủ trương và huy động nguồn vốn đóng góp. Việc giải thích chu đáo, cặn kẽ và công khai của cán bộ về chủ trương này đã đạt được kết quả đồng thuận trong nhân dân, thể hiện qua mức đóng góp 300 triệu đồng từ người dân trong xã vì sự nghiệp giáo dục. Phát huy kết quả này, 10 năm qua, xã Hòa Tiến đã huy động nhân dân đóng góp kinh phí xây dựng được 10 phòng học mẫu giáo ở 8 thôn với tổng số tiền 250 triệu đồng.

Không chỉ làm trường, ở Hòa Tiến, nhân dân cũng đồng tình cao trong việc xây dựng hệ thống giao thông liên thôn, liên xã. Trong 10 năm, toàn xã đã đầu tư làm gần 20 tuyến đường giao thông với kinh phí hơn 20,5 tỷ đồng; trong đó nhân dân đóng góp gần 5 tỷ đồng; xây dựng gần 90km đường giao thông liên xóm với tổng kinh phí 36 tỷ đồng; trong đó nhân dân tham gia đóng góp cát, sạn, công…
 Để đạt được kết quả này, theo ông Nguyễn Đình Anh, Chủ tịch UBND xã Hòa Tiến, thì cần phải công khai, minh bạch trong các chủ trương, chính sách và để dân thực sự được bàn bạc, quyết định những vấn đề liên quan đến mình khi triển khai thực hiện.

Theo đó, để làm đường giao thông nông thôn, Đảng ủy, chính quyền và Mặt trận xã họp dân thông báo chủ trương; nhân dân thảo luận, bàn bạc, đi đến thống nhất biểu quyết để ghi vào biên bản họp từng thôn… Các tuyến đường liên xã ĐH 409, Hòa Tiến-Hòa Phong đều tổ chức họp dân tham khảo ý kiến cả về dòng chảy, lưu lượng mực nước khi mưa lớn hoặc lũ lụt để xây dựng hệ thống cầu, cống… “Khi người dân đã đồng tình với chủ trương và cảm thấy quyền lợi của mình được thể hiện rõ, thì họ sẽ tham gia thực hiện một cách nhanh chóng!” - Ông Nguyễn Đình Anh rút ra bài học kinh nghiệm từ việc thực hiện DCCS ở địa phương mình.

Đồng tình với nhận định trên, ông Trần Văn Năm, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Thanh Khê cho biết, là địa bàn có 34 dự án với khoảng 10 nghìn hộ dân liên quan đến giải tỏa đền bù, chỉnh trang đô thị, nhưng nhờ biết cách làm cho người dân biết và hiểu về chủ trương, chính sách, nên việc thực hiện cũng đã triển khai suôn sẻ trong nhiều năm qua, hạn chế được tình trạng khiếu kiện vượt cấp kéo dài. Đặc biệt, trong 3 năm trở lại đây, Chủ tịch UBND quận đã cùng với các ngành chức năng trực tiếp tiếp dân 2 tháng một lần để giải thích cụ thể, rõ ràng những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích chính đáng của người dân cũng như lắng nghe ý kiến, nguyện vọng từ cơ sở.

Để tăng cường trách nhiệm phục vụ nhân dân trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, bên cạnh việc tổ chức cải cách thủ tục hành chính, quận Thanh Khê cũng đã tiến hành lắp đặt hệ thống camera quan sát, theo dõi hoạt động tại các phòng, ban chức năng thường xuyên tiếp xúc với dân như bộ phận “một cửa”, tài nguyên-môi trường, kiểm tra quy tắc đô thị… nhằm hạn chế tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho nhân dân.

Từ những cách làm công khai, minh bạch và nhiều vấn đề được thảo luận trong dân nên cơ bản họ thấy được quyền và lợi ích chính đáng của mình khi tiếp cận với các chủ trương, chính sách mà mình được thụ hưởng. Từ đó, ông Trần Văn Năm nhìn nhận, nơi nào làm tốt DCCS thì nơi đó người dân đồng tình ủng hộ cao, dẫn đến việc thực hiện các nghĩa vụ, chính sách cũng nhanh chóng đạt chỉ tiêu đề ra. Như vậy, hiệu quả từ việc thực hiện tốt DCCS cả hai phía đều được thụ hưởng một cách rõ ràng.

Đây chính là vấn đề cần phải được nhận thức đúng đắn hơn trong quá trình triển khai thực hiện Quy chế DCCS trong thời gian đến trên địa bàn thành phố, không chỉ từ các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, doanh nghiệp… mà ngay cả trong người dân.

Bài và ảnh: Anh Quân

;
.
.
.
.
.