.

Tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp kích cầu

.

Phát biểu tại cuộc họp báo ngay sau phiên họp thường kỳ của Chính phủ chiều tối 3-3, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, tình hình kinh tế xã hội trong hai tháng đầu năm tuy gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh chung của toàn cầu, nhưng bước đầu đã có những dấu hiệu tích cực.

Với 20 nhóm và 50 giải pháp đã được tung ra trong hai tháng qua, Thủ tướng Chính phủ khẳng định: Cho đến nay, gói kích cầu đầu tư tiêu dùng được triển khai tích cực, cơ bản đạt được sự đồng thuận của nhân dân và bước đầu phát huy hiệu quả.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp Chính phủ tháng 2.

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương các bộ, ngành và các địa phương trong hai tháng qua đã dồn sức thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ và các biện pháp ngăn chặn suy giảm kinh tế, giữ ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội. Quan trọng nhất là chính trị xã hội của đất nước tiếp tục ổn định trên cơ sở đồng tình, ủng hộ của nhân dân đối với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Kinh tế vĩ mô trong hai tháng qua cơ bản ổn định. Gói kích cầu đầu tư, tiêu dùng đi vào cuộc sống nhận được sự ủng hộ của xã hội và đã có tác dụng bước đầu, nhất là chính sách miễn, giảm, hoãn thuế, bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn, hỗ trợ lãi suấy vay vốn cho các thành phần kinh tế với số vốn đã giải ngân lên tới 93.000 tỷ đồng….

Thủ tướng nêu rõ: tình hình thế giới đang diễn biến phức tạp nên nước ta sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn. Do vậy cần phải đặc biệt chú ý tới điều hành kinh tế vĩ mô. Từng bộ trưởng và lãnh đạo các địa phương theo dõi sát diễn biến của tình hình kinh tế thế giới, tập trung điều hành, chỉ đạo và thực hiện quyết liệt các nhóm giải pháp mà Chính phủ đề ra nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội.

Trên tinh thần này, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành và các địa phương tiếp tục tập trung triển khai quyết liệt gói kích cầu đầu tư tiêu dùng, nhất là thực hiện bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn để duy trì sản xuất, bảo đảm việc làm và đổi mới công nghệ; tiếp tục mở rộng đối tượng được hưởng hỗ trợ 4% lãi suất vay vốn.

Sẽ nghiêm khắc xử lý những sai phạm trong việc hỗ trợ tiền Tết cho người nghèo

Vấn đề báo chí quan tâm này một lần nữa được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính trả lời cụ thể, rõ ràng.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, nhân dân hoan nghênh chính sách hỗ trợ tiền Tết cho người nghèo của Chính phủ, đại bộ phận người nghèo đã được hưởng lợi từ chính sách này, nhiều địa phương đã thực hiện tốt chủ trương này. Sai phạm xảy ra ở một số địa phương chưa thực hiện đúng chủ trương của Chính phủ sẽ được xử lý nghiêm minh, đúng mức độ và đúng đối tượng.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Công Nghiệp cho biết, theo báo cáo nhanh của các địa phương, tính đến thời điểm này, tổng kinh phí hỗ trợ là 1.700 tỷ đồng, tới 8,6 triệu người tương đương với 1,2 triệu hộ nghèo, đây chưa phải con số cuối cùng.

Thứ trưởng Nguyễn Công Nghiệp cho biết, ngoài các đoàn thanh kiểm tra của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính đã tổ chức 4 đoàn đi kiểm tra tại 12 địa phương, cơ bản các địa phương đều tiến hành công khai, minh bạch, với nhiều hình thức như công bố cụ thể danh sách các hộ nghèo trên loa truyền thanh, tổ chức các đoàn thể trao tiền tận tay người nghèo... Nhiều địa phương đã làm rất tốt công tác này. Sai phạm xảy ra ở số ít địa phương chủ yếu là phân chia không đều, không đủ…

Kích cầu đầu tư tiêu dùng và coi trọng thị trường trong nước

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên cho biết, kim ngạch xuất khẩu tháng 2 ước đạt 4,3 tỷ USD, tăng 15,6% so với tháng 1. Việt Nam đã cố gắng tối đa để ngăn chặn tác động của khủng hoảng tài chính, nhưng xuất khẩu trong 2 tháng đầu năm vẫn giảm 5% so với cùng kỳ. Đây là số giảm rất thấp so với nhiều nước khác trong khu vực.

Vấn đề hiện nay, theo ông Biên, chính là làm thế nào trong 10 tháng còn lại phải giữ cho không bị suy giảm mà còn tăng trưởng mới là khó. Một loạt các biện pháp sẽ được Bộ Công thương xúc tiến đó là tìm cách cải tiến, nâng cao chất lượng xúc tiến thương mại; thậm chí tăng thêm chi phí cho công tác này cũng đã được Bộ này đưa ra bàn thảo với Bộ Tài chính.

Tận dụng khai thác thị trường trong nước, khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống, kích cầu đầu tư tiêu dùng là những biện pháp chính tiếp tục được thực hiện để đối phó với suy thoái kinh tế.

Về các biện pháp cụ thể để kiểm tra, giám sát gói kích cầu, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Nguyễn Xuân Phúc cho biết, để gói kích cầu được triển khai thiết thực, cần phải công khai, minh bạch, có sự giám sát và có chế tài cụ thể để tránh bị lợi dụng sử dụng không đúng mục đích.

Việc Nhật Bản nối lại viện trợ ODA cho Việt Nam chính là nhờ thái độ kiên quyết của Chính phủ Việt Nam đã xử nghiêm minh những sai phạm liên quan đến dự án đại lộ Đông Tây. Từ đó, Việt Nam, Nhật Bản cũng đã thành lập Ủy ban Hỗn hợp phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực ODA để giám sát và sử dụng vốn ODA có hiệu quả, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trương Văn Đoan cho biết thêm.

Theo Cổng TTĐT Chính phủ, TTXVN, VOVNews

;
.
.
.
.
.