.
TUYẾN ĐƯỜNG THẠCH NHAM TÂY - PHƯỚC THUẬN

Bao giờ chấm dứt cảnh nắng bụi, mưa bùn?

.

Tuyến đường nối giữa hai thôn Thạch Nham Tây và Phước Thuận, xã Hòa Nhơn chỉ dài 2,2km. Thế nhưng suốt cả chục năm nay, con đường này luôn là điểm nóng về ô nhiễm môi trường. Trời nắng bụi mù mịt, còn mùa mưa thì lầy lội đến mức ngoài xe cơ giới chạy được, còn lại chỉ có thể đi bộ mà thôi.Tuy ngắn nhưng dọc hai bên tuyến đường này lại có đến hàng chục đơn vị khai thác đá.

Bụi mù mịt mỗi khi có xe tải chạy qua.

Mỗi ngày con đường đất rộng chưa đến 5 mét này phải hứng chịu hàng trăm đợt xe tải nặng ầm ầm chạy qua. Chịu không nổi cảnh này, rất nhiều lần người dân đã chặn không cho xe vào khai thác đất đá, nhưng chưa lần nào cả DN và người dân ở đây tìm được tiếng nói chung để giải quyết tồn tại trên. Trước tình hình này, năm 2004, UBND huyện Hòa Vang đã mời tất cả 10 đơn vị khai thác đất, đá tại đây bàn cách giải quyết.

Và cuối cùng, một phương án được đưa ra là các DN, tùy theo quy mô hoạt động đóng góp kinh phí làm đường. Theo đó, các DN phải đóng góp 1,2 tỷ đồng làm đường. Giai đoạn 1 sửa chữa con đường này bắt đầu từ điểm nối với quốc lộ 14B đến Dốc Lớn, với chiều dài khoảng 600 mét. Và đến năm 2007, làm tiếp giai đoạn 2, bắt đầu từ cuối thôn Phước Thuận đến gần Dốc Lớn. Tổng cộng 2 đợt làm được 1,2km, còn lại đoạn giữa dài 1km đến nay vẫn chưa thi công.

Theo ông Nguyễn Đăng Dự, Chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn lý giải, do thiếu kinh phí nên phải sửa chữa ở hai đầu trước bởi đây là khu vực có nhiều hộ dân sinh sống, còn đoạn giữa ít nhà dân hơn nên làm sau. Thế nhưng cho đến nay, hơn 2 năm trôi qua mà việc thi công 1km đoạn giữa cũng không thể tiến hành được vì nhiều DN chỉ đăng ký chứ chưa nộp tiền.
 
Hiện công trình này vẫn còn nợ gần 500 triệu đồng với hai đơn vị thi công là Công ty Cầu đường 2 và Công ty Công trình đô thị Đà Nẵng. Trước tình hình này, UBND huyện đã yêu cầu các đơn vị còn nợ tiền đăng ký như Công ty CP Thực phẩm và Đầu tư công nghệ: 79,5 triệu đồng, DNTN Đỗ Hữu Nhật 16 triệu đồng, Công ty Quán Quân: 120 triệu đồng… phải nộp tiền để trả cho đơn vị thi công. Thế nhưng, việc đòi hết số tiền trên để trả cho đơn vị thi công  rất khó, vì hiện nay những DN này đều rơi vào tình cảnh làm ăn khó khăn. Thậm chí có đơn vị còn nợ lương công nhân vài tháng nay, một số đơn vị khác đã tạm ngưng hoạt động.

Trước tình hình này, đầu tháng 3-2009, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức cuộc họp với sự tham gia của đại diện Sở Giao thông Vận tải, UBND huyện Hòa Vang, UBND xã Hòa Nhơn và các DN để bàn cách giải quyết vấn đề này. Theo đó, các bên thống nhất kiến nghị UBND thành phố giao cho Sở Giao thông Vận tải thiết kế để thi công tuyến đường với tổng kinh phí khoảng 10 tỷ đồng, trong đó kinh phí từ ngân sách thành phố 70%, còn lại các đơn vị khai thác 30%. Khi đưa vào sử dụng, thành phố sẽ thu phí đối với các phương tiện vận tải đi vào con đường này.

Tuy nhiên đó mới là kiến nghị, nếu UBND thành phố thông qua, từ khi triển khai thi công đến lúc đưa vào sử dụng là cả một khoảng thời gian khá dài. Chính vì vậy, theo ông Nguyễn  Đăng Dự, trước mắt  địa phương vẫn phải làm việc với những đơn vị còn khai thác đất đá tại khu vực này, yêu cầu họ trả đầy đủ tiền như đã cam kết trước đây, để người dân tự tưới nước và làm vệ sinh tuyến đường. Mặt khác, chính quyền địa phương cũng theo dõi đôn đốc, nhắc nhở người dân phải có trách nhiệm tưới nước và làm vệ sinh thường xuyên đúng như đã cam kết với các DN.

Bài và ảnh: TRẦN LUÂN SƠN

;
.
.
.
.
.