.

Vì cổng trường bình yên

.

Hiện nay, tình trạng họp chợ ngay bên cạnh các cổng trường đại học lớn của thành phố Đà Nẵng như Sư phạm, Bách khoa... với đầy đủ các mặt hàng phục vụ nhu cầu của giới SV đã trở nên phổ biến. Thời gian hoạt động của các chợ này cũng khá linh hoạt:
 

Dịch vụ ven trường: tiện nhưng nhếch nhác.

Buổi sáng có đồ ăn nhanh đủ loại, từ bánh mì, xôi, sữa; buổi trưa mặt hàng đa dạng hơn vẫn là đồ ăn với bánh khoai, bánh tét, rồi quần áo, giày dép, các đồ hàng vặt, kể cả những sản phẩm cho giới nữ như băng vệ sinh cũng ngang nhiên được chào mời, ngả giá. Dọc tuyến đường từ cổng chính tới cổng phụ, có những ngày mật độ người bán dày đặc. Ở cổng Trường Đại học Sư phạm có những hôm lên tới gần 20 người bán hàng và các dịch vụ khác như dán điện thoại, ép dẻo... Buổi tối là khoảng thời gian hoạt động nhộn nhịp nhất với các loại đồ ăn như ốc hút, chè các loại, nhốn nháo tiếng cười đùa nơi hàng quán, lanh lảnh tiếng mời cân đo sức khỏe, lời quảng cáo của máy ép dẻo...

Những hàng quán nói trên đang gây ra những bức xúc đối với thầy cô và SV các trường đại học. Khi được hỏi vì sao chọn cổng trường làm nơi buôn bán, những người bán hàng đã đưa ra nhiều lý do khác nhau như: buôn bán ở ven trường vừa ít bị cạnh tranh hơn ở chợ lại không phải nộp thuế, hoặc do bán hàng ở đây vừa ít vốn nhưng cũng nhiều người mua...

Một số SV sống trong khu vực ký túc xá thì cho rằng: Nó cũng có tiện lợi, bọn em đi mấy bước là có thể mua đồ mà không cần đi xa, hoặc tụ tập bạn bè vừa gần, vừa rẻ. Một số SV khác thì lại bức xúc và có ý kiến trái ngược: “Em thấy không những mất trật tự nơi cổng trường mà còn mất mỹ quan đô thị”. Một cán bộ giảng dạy trong trường cũng có ý kiến không đồng tình với việc này: “Không chỉ làm mất trật tự, mỹ quan đường phố mà mất đi cả văn hóa chợ lẫn văn hóa trường học, thậm chí cả an toàn giao thông”.

Việc hình thành và phát triển chợ ven trường đã gây ra những bức xúc cho SV, thầy cô trong nhà trường nói riêng và xã hội nói chung. Nó mang đến rất nhiều những hình ảnh phản cảm, làm mất đi mỹ quan của một môi trường trí thức, văn minh. Trước thực trạng này, chúng tôi muốn có một lời kêu gọi “Hãy vì một cổng trường bình yên!” .
P.HƯNG

;
.
.
.
.
.