.

Vì một gia đình yên vui

.

Bạo hành trong gia đình là nỗi ám ảnh không chỉ cho người trong cuộc. Nạn nhân của bạo hành bị tổn thương về thể xác, tinh thần, dẫn đến mất sức khỏe, sang chấn tâm lý, thiếu nhiệt huyết với cuộc sống, ảnh hưởng đến gia đình và xã hội...

Gia đình thực sự hạnh phúc khi không còn nạn bạo lực gia đình. (Ảnh minh họa)

Ngày nay, mọi thành viên trong gia đình đều có thể là nạn nhân trong những vụ bạo hành gia đình. Hiện nay đang có cách nhìn nhận lệch lạc vấn đề này, đó là tuyệt đối hóa bạo lực giới một chiều. Trên thực tế, cũng còn những hành vi con cái ngược đãi, hắt hủi cha mẹ; bạo lực của phụ nữ đối với nam giới... Nhưng cần nhận thấy rằng bạo lực giới nói chung và bạo lực giới trong gia đình nói riêng phần lớn là do nam giới gây ra với phụ nữ.

Bạo lực gia đình (BLGĐ) là hiện tượng xã hội không mới, song nó vẫn phát triển mạnh, đa số nhằm vào phụ nữ và rất khó kiểm soát. Đây là vấn đề có nguồn gốc từ văn hóa, xã hội. Người phụ nữ thường bị lệ thuộc vào chồng, họ ở thế thấp hơn người đàn ông về mọi mặt: kinh tế, tiếng nói… Hơn nữa, do tâm lý giới và tư tưởng “xuất giá tòng phu”, hầu hết phụ nữ đều nhẫn nhục chịu đựng chồng (thậm chí còn chấp nhận bị bạo hành nếu cảm thấy mình có lỗi), tìm mọi cách che giấu bộ mặt thực của hôn nhân. Vì vậy, cộng đồng thường chỉ phát hiện được những vụ bạo hành nghiêm trọng.

Trên thực tế có không ít những người phụ  nữ bị hành hạ một cách dã man nhưng hầu hết họ đều vì mặc cảm, vì con cái, không muốn “vạch áo cho người xem lưng” làm xấu hổ gia đình nên thường cố gắng chịu đựng. Một số tệ nạn xã hội như rượu chè, cờ bạc, trai gái… cũng là những yếu tố kích thích chuyện BLGĐ mạnh mẽ hơn. Bên cạnh đó, năng lực can thiệp của cộng đồng còn chưa đủ sức răn đe; vai trò của thể chế, pháp luật, chính quyền còn khá mờ nhạt, là cản trở lớn trong việc phát giác, tố cáo bạo hành gia đình. Nhiều người cho rằng đó là chuyện riêng của mỗi gia đình nên không tham gia vào.

BLGĐ chỉ có thể giảm đi khi chúng ta tác động đến tận gốc của vấn đề. Tức là phải thay đổi những chuẩn mực và giá trị truyền thống ngầm cho phép nạn BLGĐ diễn ra. Cần có sự can thiệp và hỗ trợ kịp thời để bảo vệ nạn nhân, việc này cần làm ở cấp cộng đồng, nơi gần nhất với nạn nhân; tăng cường các dịch vụ xã hội cho nạn nhân bị bạo hành như y tế, tư vấn tâm lý tình cảm, tư vấn pháp luật… để giúp những nạn nhân của BLGĐ tự tin hòa nhập với cộng đồng.

Các hình thức xử phạt của pháp luật phải thật nghiêm minh. Khi chúng ta kết hợp được các yếu tố trên, và tiến hành đồng thời thì mới có thể bảo vệ được nạn nhân và giải quyết tận gốc của vấn đề. Chúng ta không thể mãi vô cảm với nạn bạo lực gia đình, vốn rất phổ biến ở cả nông thôn và thành thị, cả nông dân và trí thức. Phải xem những hành vi BLGĐ là điều cay đắng của xã hội.

BLGĐ chỉ giảm khi ý thức cộng đồng được nâng lên. Chính vì vậy, mỗi người cần có cách nhìn nhận đúng đắn về vấn đề này. Nhà nước với những chính sách cụ thể cũng là một nhân tố quan trọng có thể  bảo vệ phụ nữ và trẻ em. Nghiêm khắc trừng trị những người gây ra bạo lực trong gia đình để làm gương, đồng thời không ngừng tuyên dương những cá nhân, tập thể tiêu biểu trong công tác phòng chống BLGĐ. Chỉ có như vậy chúng ta mới có thể xây dựng được những gia đình thực sự theo đúng nghĩa và mang giá trị truyền thống.

QUỐC TÍN

;
.
.
.
.
.