“Xổm hè” là gọi tắt chuyện ngồi xổm ở vỉa hè, nó như một dạng văn hóa bình dân được gắn với nẻo đường ăn uống như cơm bình dân, nhậu bình dân, khách bình dân... lại ưa bó gối ngồi xổm trên ghế gỗ hoặc giữa vỉa hè mà nhẩn nha ăn uống, thậm chí còn tuyên bố: “Ngồi thế mới khoái!”.
Những thiếu nữ với tà áo dài cũng xúm vào ăn ốc bên vỉa hè, làm mất đi vẻ đẹp của phố phường. |
Từ ngày trở thành khối phố, đường ngang ngõ tắt đã được nâng cấp và bê- tông hóa nên kiệt hẻm có phần sạch sẽ, đông vui hơn, quán xá cũng mọc lên bề bộn. Nói là quán chứ thực ra bên nồi cháo, rổ rau, mọi thứ hàng ăn cũng chẳng hơn gì một gánh hàng rong, chẳng qua vì có sự đặt ghế kê bàn, che bạt dựng tủ, lại có thêm người phục vụ chạy bàn, có người xếp xe dẫn khách nên nghiễm nhiên vỉa hè trở thành quán. Bán buổi sáng thì trưa thu dọn, bán tối thì sáng chở về, nhậu chiều thì đến tận khuya mới vãn, thế mà khách hàng đông đáo để, có khi hết cả bàn ghế để ngồi, thôi thì tạm mượn chái hồi để xổm. Thật là cơ động - quán cơ động, khách cơ động, chỉ có động cơ xây dựng nếp sống văn hóa ở khu dân cư là chưa bàn đến.
Quán vừa bán hàng ăn, vừa bán hàng nhậu nên khách trẻ có, già có, đàn ông có, đàn bà có, khách xa, láng giềng đủ cả. Quán cũng chẳng cần tên hàng bảng hiệu mà nôm na gọi mãi thành tên như: “Vịt gà bà Bé”, “Nem tré dì Tư”... là ai cũng biết. Ai ăn cháo cứ ăn, ai cổ cánh cứ nhậu, từ cánh thợ choai choai sau khi bốc vác quần quật tối ngày kéo nhau ra làm ly đế, đến nhóm xe thồ gặp nhau buổi ế khách mượn góc cuối đường trải chiếu nhậu xả xui. Nắng cởi áo xếp bằng, mưa tụt dép ngồi xổm, chuyện dưới biển trên trời thi nhau nói, nhậu say đã đời mới nhón tay vét hầu bao góp tiền chung trả.
Dân nhậu vỉa hè vốn dễ tính, chỉ ưa ngồi xổm ngoài trời buổi hoàng hôn hoặc chụm đầu dưới gốc cây khi trưa nắng. Đang nhậu giữa chừng nếu trời có đổ mưa thì kẻ ôm đĩa, người cầm ly dạt tạm vào mái hiên thềm nhà để nhậu tiếp. Một điểm chung của dân nhậu vỉa hè là ly uống phải giống nhau, nâng chén phải ngang nhau, dốc chén phải “long đền” không được nhỏ giọt. Như thế là vui rồi, còn chén đũa có thiếu cũng chẳng sao, cần thì dùng chung, không thì dùng “đũa” mười ngón để bốc rau, cầm mồi.
Xin đừng nghĩ xổm hè chỉ dành để nói riêng về cánh nhậu của đàn ông, mà phần đông chị em phụ nữ cũng thích ngồi xổm bên vỉa hè để ăn quà vặt, đơn giản chỉ vì hàng đậu hũ gánh qua, hàng chè xoa gánh lại, ới một tiếng là mẹt để đâu thì khách hàng xổm luôn tại đó. Khách hàng có khi là chị em công nhân lao động phổ thông, nhưng cũng không thiếu màu áo trắng của nữ sinh trung học hay tà áo dài đeo thẻ của nhân viên công sở.
Có một điểm rất chung giữa cuộc nhậu của đàn ông và ăn quà vặt của chị em, đó là dùng tay thay cho đôi đũa, bởi một lẽ thường tình là không ai dùng đũa để cầm xương hay gắp bánh tráng đập. Như vậy, cho dù ngồi xổm nhậu ở quán cóc hay ngồi xổm để ăn quà vặt hàng rong đều được coi là xổm hè bình dân. Hai chữ bình dân giúp người ta xóa đi cái mặc cảm không mấy thuận mắt khi ăn ngồi, uống đứng nơi góc phố, vỉa hè. Và cái câu: “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng” càng trở nên lỗi thời khi văn hóa bình dân hòa nhập cùng văn minh thời hiện đại.
Thóc mách trong chuyện ăn uống là điều chẳng hay ho gì, tuy nhiên khi thành phố bên bờ sông Hàn với những tua du lịch khởi sắc, với ánh sáng rực rỡ của hội thi pháo hoa quốc tế bên những chiếc cầu vừa nên thơ, vừa hiện đại lại thấp thoáng đó đây trong góc phố, vỉa hè một vệt sống sinh hoạt xô bồ, bừa bãi. Sẽ rất khập khiễng khi dưới những câu khẩu hiệu: “Xây dựng thành phố văn minh, hiện đại, xanh sạch đẹp”, hoặc những cổng chào:
“Đoàn kết, xây dựng nếp sống văn hóa ở khu dân cư” lại tấp nập cảnh xổm ngồi bình dân như một lẽ thường tình. Xây dựng thành phố văn minh hiện đại, cũng cần phải có con người văn minh hiện đại, đó cũng là yêu cầu về nếp sống văn hóa của thời hội nhập.
Bài và ảnh: LÊ GIA THỤY