.

Biết nhiều, hiểu chẳng bao nhiêu

.

Tốc độ phát triển như vũ bão của truyền thông, báo chí giúp cho mọi người có nhiều hơn những cơ hội để tìm hiểu về tình yêu, hôn nhân-gia đình. Những tưởng như vậy sẽ giúp mọi người có cái nhìn nghiêm túc hơn về vấn đề kết hôn, góp phần nhân rộng những hình mẫu gia đình hạnh phúc. Nhưng trong thực tế, tình trạng ly hôn ngày càng tăng. Đặc biệt, tỷ lệ  ly hôn ở những gia đình trẻ thường cao hơn những gia đình đã có thời gian chung sống lâu dài.

Từ quan niệm “thoáng” ở giai đoạn tiền hôn nhân

Ông Nguyễn Viết Lành, cán bộ Tư pháp - Hộ tịch phường Nam Dương đang hướng dẫn công dân các thủ tục đăng ký kết hôn.

Nếu nhìn nhận một cách nghiêm túc, giai đoạn tiền hôn nhân đóng vai trò như “kim chỉ nam” đối với những trường hợp trước khi tiến tới kết hôn. Đây là thời gian để đôi bên cùng tìm hiểu những điều cần biết về nhau như: Hoàn cảnh gia đình, tính tình, nghề nghiệp, tình trạng sức khỏe... Đồng thời, có thời gian để trang bị những kỹ năng cần thiết trước khi kết hôn: thủ tục đăng ký kết hôn, ứng xử trong cuộc sống vợ chồng, cách nuôi dạy con cái...

Trên thực tế, kho tài liệu về tình yêu, hôn nhân-gia đình đã có đầy trên mạng Internet, báo chí. Chỉ cần một cái click chuột, bạn sẽ có ngay những gì cần biết. Tuy nhiên, do công việc bận rộn, quỹ thời gian hạn hẹp, không có điều kiện tiếp cận thông tin, đặc biệt, với quan niệm ngày càng thoáng về công-dung-ngôn-hạnh... khiến nhiều người cảm thấy chưa cần thiết phải học những điều đó trước lúc kết hôn.

Bạn Nguyễn Thị Ngọc Anh, học viên Trung tâm Thể dục thẩm mỹ Sức sống mới chia sẻ: “Mình còn một tháng nữa là kết hôn, tranh thủ đi tập để mặc áo cưới cho đẹp. Bây giờ yêu nhau, thấy hợp thì cưới, còn sau này “tùy cơ mà ứng biến” thôi”. Có cái nhìn lạc quan và đơn giản hóa mọi vấn đề về hôn nhân-gia đình là tâm lý chung thường thấy ở nhiều bạn trẻ.

Chính vì vậy, khi nói đến việc kết hôn, nhiều người dành thời gian để bàn tán sôi nổi về những phần việc khá “thiết thực” như: Lựa chọn nhà hàng, chụp ảnh cưới, in thiếp mời… hơn là học cách làm vợ, làm mẹ. Đó là chưa kể đến một bộ phận không nhỏ những người vội yêu vội cưới, xem kết hôn là cơ hội để đổi chác danh lợi, tiền bạc, thậm chí, ví như một trò thử vận may. Với những người này, hôn nhân chỉ đơn giản hợp thì tiếp tục chung sống hòa bình, còn không sẽ dắt nhau ra tòa ly dị.

Ông Nguyễn Viết Lành, cán bộ bộ phận Tư pháp - Hộ tịch của phường Nam Dương, quận Hải Châu cho biết: “Tôi đã có hơn 10 năm công tác, nhưng hiếm khi nào “được” làm tròn hai nhiệm vụ: tư vấn và tiến hành thủ tục kết hôn cho công dân; bởi mỗi lần họ đến đây chỉ quan tâm đến khâu thủ tục. Có nhiều bạn trẻ thậm chí còn chưa hiểu được giữa cưới, hỏi và đăng ký kết hôn, lúc nào mới chính thức trở thành vợ chồng”.

… đến hệ quả “hậu kết hôn”

Không tự trang bị những kỹ năng về đời sống gia đình trước lúc kết hôn đã khiến nhiều đôi nam nữ trở nên lúng túng, thậm chí cãi vã khi vấp phải những tình huống “phát sinh ngoài dự kiến” trong cuộc sống chung. Thậm chí với những người đã tích lũy cho mình kha khá kiến thức về hôn nhân-gia đình vẫn không khỏi ngỡ ngàng.

Chỉ đến lúc này họ mới cần đến sự tư vấn của các chuyên gia. Với thâm niên 15 năm tham gia công tác hòa giải ở Hội Phụ nữ phường Nam Dương, quận Hải Châu, chị Nguyễn Thị Diệu Thu bộc bạch: “Bây giờ tỷ lệ ly hôn ở người trẻ khá cao, nhất là giai đoạn 2-3 năm sau khi cưới. Lúc này những áp lực về công việc, nuôi con, quan hệ hai bên gia đình nội - ngoại khiến họ cảm thấy mệt mỏi nên dễ sinh ra mâu thuẫn. Nếu không thông cảm và chia sẻ với nhau thì rất dễ đi đến đổ vỡ”.

Hệ quả lớn nhất từ một cuộc hôn nhân thất bại, đó là những đứa trẻ sớm mất đi vòng tay chăm sóc của bố hoặc mẹ, và vết thương lòng không bao giờ lành của những người trong cuộc. Ly hôn đã 3 năm nhưng mỗi lúc nhớ lại cuộc hôn nhân và người chồng trước của mình, chị Diệu Trâm, ở kiệt 408 đường Hoàng Diệu không tránh khỏi xót xa: “Mình và anh ấy kết hôn quá sớm, lúc chưa đầy 20 tuổi, nên chẳng biết gì cả. Cứ tưởng tượng cảnh hai đứa trẻ đột nhiên về ở với nhau rồi suốt ngày cãi vã, thật kinh khủng”.

Tuy nhiên, có một thực tế phải nhìn nhận rằng, hiện nay, kết hôn không còn là sợi dây ràng buộc mãi mãi quan hệ vợ chồng,  nhất là khi cơ hội tái hôn đang có xu hướng “mở” cho cả hai bên nam-nữ. Theo chị Nguyễn Thị Nguyên, tư vấn viên của Trung tâm Tư vấn - Hôn nhân gia đình thuộc Hội LHPN thành phố Đà Nẵng, khi người phụ nữ độc lập hơn về kinh tế, họ đòi hỏi sự bình đẳng trong quan hệ vợ chồng. Giới trẻ bây giờ sẵn sàng phá bỏ cuộc sống gia đình, thay vì cam chịu một cuộc hôn nhân không hạnh phúc.

Mặc dù vậy, đời sống một vợ một chồng vẫn luôn là bến đỗ an toàn nhất cho các gia đình và con cái của họ. Để có được điều này, trước lúc kết hôn các bạn trẻ cần có cái nhìn nghiêm túc, đúng đắn về giá trị của hôn nhân và hạnh phúc gia đình.

 

Theo Nghị định 158 của Chính phủ  ban hành ngày 27-12-2005 quy định về thủ tục kết hôn bao gồm:

- Hai bên nam-nữ phải có mặt tại thời điểm nộp hồ sơ đăng ký kết hôn.

- Thủ tục bao gồm:

+ Hộ khẩu (của một trong hai người đang thường trú tại địa phương đăng ký kết hôn).

+ CMND của hai bên nam - nữ.

+ Tờ khai đăng ký kết hôn (có giấy xác nhận của UBND nơi cư trú về tình trạng hôn nhân. Riêng với lực lượng vũ trang sẽ do thủ trưởng đơn vị ký xác nhận).Thủ tục sẽ được hoàn tất trong 3 ngày kể từ ngày nộp đơn. Trường hợp cần xác minh thêm những thông tin khác cũng không quá 3 ngày.

 

Bài và ảnh: KHÁNH HÒA

;
.
.
.
.
.