Chiều 10-4, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức lễ bàn giao tài liệu liên quan đến quần đảo Hoàng Sa do tộc họ Đặng ở thôn Đồng Hộ, xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) nối tiếp nhau gìn giữ qua sáu đời suốt 175 năm qua cho Bộ Ngoại giao. Ông Vũ Anh Dũng, phó vụ trưởng Ban Biên giới Chính phủ, đại diện Bộ Ngoại giao tiếp nhận tờ lệnh quý giá này.
Ông Nguyễn Hoàng Sơn (phải) đại diện lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi và tộc họ Đặng trao tờ lệnh quý liên quan đến quần đảo Hoàng Sa cho ông Vũ Anh Dũng. |
Tại buổi lễ, ông Nguyễn Hoàng Sơn, phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, thay mặt lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi đã trao tặng bằng khen cho tộc họ Đặng vì có công gìn giữ, hiến tặng báu vật của tộc họ cho Nhà nước. Đồng thời, ông Sơn ra lời kêu gọi các tộc họ trên địa bàn tỉnh hãy noi gương gia tộc họ Đặng gìn giữ những tư liệu cổ có giá trị về lịch sử, văn hóa, nhất là những tài liệu quý liên quan đến chủ quyền quốc gia trên hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa.
Tiếp nhận tờ lệnh, ông Vũ Anh Dũng nói: “Tờ lệnh do tộc họ Đặng ở Lý Sơn hiến tặng cho quốc gia là tài sản vô giá. Nó không chỉ có giá trị lịch sử, văn hóa rất lớn mà còn có giá trị về mặt pháp lý, khoa học về chủ quyền quốc gia và đối ngoại, khẳng định rõ ràng chủ quyền biển Đông của VN”.
* Trước đó, sáng 9-4, tộc họ Đặng ở thôn Đồng Hộ, xã An Hải, huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi) tổ chức cúng giỗ báo cáo tổ tiên về việc hiến tặng và bàn giao tờ lệnh quý liên quan đến Hoàng Sa cho Nhà nước. TS Nguyễn Đăng Vũ, phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Quảng Ngãi, cùng đại diện lãnh đạo các sở ngành đã tiếp nhận tờ lệnh.
Tại lễ trao tờ lệnh, TS Nguyễn Xuân Diện - phó giám đốc thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm - khẳng định: tờ lệnh này là công lệnh của quan tỉnh Quảng Ngãi, ghi rõ ngày 15-4 năm Minh Mạng thứ 15 (1834), phái đội thuyền ba chiếc ra canh giữ đảo Hoàng Sa. Đây là tờ lệnh cấp đầu tiên cho ông Đặng Văn Siểm và ông Dương Văn Định.
Tờ lệnh ghi rõ: “Các phái viên và lính thủy đi trước để cùng thám sát các vùng của xứ Hoàng Sa. Xem xét và tuyển chọn trong tỉnh ba thuyền tốt cùng với các vật dụng được tu bổ vững chắc, lại chọn ra tên Võ Văn Hùng đã được cử đi từ năm trước và chọn thêm những dân phu ven biển thông thạo đường biển để sung làm thủy thủ trên thuyền... Cứ hạ tuần tháng ba thuận thời tiết mà đi”. Điều này đã góp thêm một bằng chứng rằng đã từ lâu (từ trước năm 1834 - thời điểm ban hành tờ lệnh này) Hoàng Sa đã thuộc phạm vi cai quản của đất nước ta.
Tờ lệnh gồm có bốn trang - bản gốc còn nguyên vẹn nhất từ trước đến nay, mỗi trang dài 36cm, rộng 24cm. Tuy chỉ vỏn vẹn vài trang nhưng nó chứa đựng nhiều thông tin quý, nêu rõ danh tính, quê quán của từng binh thuyền vâng mệnh triều đình đi lính Hoàng Sa không chỉ riêng ở huyện đảo Lý Sơn mà còn ở các vùng quê ven biển khác tại Quảng Ngãi.
Tờ lệnh này đã góp phần bổ sung và kết nối logic với hệ thống tư liệu quý cùng nhiều di tích liên quan đến hải đội Hoàng Sa, quần thể mộ lính Hoàng Sa, lễ khao lề thế lính Hoàng Sa... là những minh chứng sống khẳng định chủ quyền lãnh thổ VN trên quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trong suốt nhiều thế kỷ qua.
Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Quảng Ngãi đã trao tặng giấy khen cho gia tộc họ Đặng vì có công gìn giữ, hiến tặng tài liệu quý giá này cho Nhà nước và một phiên bản tờ lệnh (dài 1,5m, rộng 0,6 m) đặt trong khung kính để ở nhà thờ họ Đặng - nơi cung cấp tài liệu gốc.
Ngoài ra, sở sẽ kiến nghị tỉnh hỗ trợ trùng tu, lập hồ sơ công nhận di tích nhà thờ tộc họ Đặng và tham mưu tỉnh kiến nghị T.Ư có hình thức khen thưởng xứng đáng tộc họ Đặng với công lao gìn giữ tờ lệnh quý giá này.
Theo Tuổi Trẻ