.

Cần đầu tư xây dựng chợ ở Hòa Châu

.

“Đối mặt với tử thần”, đó là suy nghĩ đầu tiên của nhiều người khi đi qua khu chợ ven quốc lộ 1A mà người dân địa phương quen gọi là chợ Cầu Đỏ (hay chợ Đông Hòa) thuộc địa phận thôn Đông Hòa, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang. Khó có thể hình dung nổi cuộc sống bươn chải mưu sinh của những con người xóm Đông Hòa lại trôi nổi giữa bốn bề hiểm họa...

Dí chỗ ni, tôi bưng chạy chỗ khác

Cảnh họp chợ Cầu Đỏ bên cạnh xe chạy tấp nập và các công trình đang xây dở.

Lọt thỏm giữa các công trình giao thông bề thế, chợ Cầu Đỏ vẫn thường xuyên xôm tụ cảnh kẻ bán, người mua. Phía bắc chợ là công trình xây dựng cầu Đỏ chỉ cách vài trăm mét, phía nam chợ giáp công trình cầu Đen thi công đã hai năm còn dang dở. Bên hông chợ, ngược phía tây Hòa Tiến có thêm một chiếc cầu cũng đang trong thời điểm thi công nước rút. Phía đông là quốc lộ 1A mở rộng.

Nắng ráo, bụi bay mù mịt, ngạt thở. Mưa xuống đường lầy lội, nhớp nhúa, trơn trượt. Đủ các loại xe ra Bắc vào Nam đua nhau chạy. Đặc biệt, xe đổ đất đá cho các công trình xây dựng lưu thông lớn (trên dưới 200 chiếc/ngày). Môi trường bụi đã nhiều, người dân buôn bán ở chợ này còn chịu không nổi bởi tiếng ồn. Chị Nhị, bán tôm cho hay: “Xe chạy một hồi điếc luôn, nói chuyện với nhau chẳng nghe gì trơn”. Vậy mà, nơi đây chợ vẫn thản nhiên tồn tại như thách thức với “tử thần”.

Chợ Cầu Đỏ vỏn vẹn có 150m2, với 30 sạp hàng và đã di dời nhiều lần theo kiểu thuận đâu bán đó. Lúc đầu, chợ được họp ở tổ 2, thôn Đông Hòa, nhưng giao thông không tiện, buôn bán ế ẩm nên hơn 10 năm trở lại đây, các tiểu thương tự động chuyển chợ ra ven quốc lộ 1A. Hiện nay, do ảnh hưởng tiến độ thi công công trình mở rộng quốc lộ 1A, chợ phải chuyển dịch để giải phóng mặt bằng, làm xong chợ lại được họp. Bà cụ Nhứt, bán rau tâm sự: “Tôi đã 30 năm buôn bán ở chợ này... Họ dí chỗ ni, tôi bưng chạy chỗ khác. Không bán lấy gì mà ăn”. Người dân vừa bán, vừa chạy, còn ngày mai sẽ ra sao, có chỗ để bán nữa không, không ai trả lời được.

Dù biết là nguy hiểm đến tính mạng và ô nhiễm do bụi đất, thậm chí nhận thức được “làm ri cản trở giao thông, trái mắt” nhưng cuộc sống mưu sinh đã không cho họ sự lựa chọn nào khác. 5 năm trước, đã có trường hợp bà Cúc ngoài 50 tuổi trong khi đang bán rau thì bị một chiếc xe máy tông chết. “Bán ở đây cực lắm! Bụi tấp vào mặt mà không bịt khẩu trang được vì sợ nói họ không nghe. Biết dễ mắc bệnh nhưng đành phải chịu”, chị Ngãi, bán cá ngậm ngùi nói.

Mong có chợ để ổn định cuộc sống

Phần đông những người buôn bán ở chợ vốn xuất thân là nông dân. Diện tích đất nông nghiệp của thôn Đông Hòa hiện chỉ còn 20% so với trước đây. Theo lãnh đạo xã Hòa Châu, lao động tại xã có đến 80% là thuần nông; 10% là thợ nề, thợ mộc, xe ôm...; 10% còn lại là buôn bán lẻ. Hiện nay, xã Hòa Châu có 2.000 lao động thất nghiệp. Các công ty trên địa bàn chỉ có thể đáp ứng 200 lao động/năm.
 
Người dân lại không có bằng cấp, học vấn thấp kém, lại lớn tuổi nên ngoài việc buôn bán mớ rau, con cá thì không biết làm gì khác. Buôn bán  ở chợ đã trở thành chiếc “phao cứu hộ” giúp người dân trang trải cuộc sống, nuôi con cái ăn học và... thoát cảnh đói nghèo. Chị Chung, bán cá, nửa đùa nửa thật: “Biết sao giờ, già rồi chứ còn trẻ đâu mà đi làm công nhân, mà cũng chẳng có ai mướn”.

Không riêng chợ Cầu Đỏ, xã Hòa Châu còn rất nhiều chợ tạm bợ như chợ Phong Nam, chợ Dương Sơn... Các chợ này có đặc thù là đều nằm trên các tuyến đường. Giáp ranh với xã Hòa Tiến và các phường Hòa Thọ Đông, Hòa Xuân đã có nhiều chợ lớn nhỏ, nhưng xã Hòa Châu vẫn chưa có một khu chợ ra “hồn”. Chị Chung bày tỏ: “Nguyện vọng của chúng tôi là mong muốn xã sẽ sớm xây cho dân một khu chợ đường hoàng để buôn bán ổn định”.

 
Ông Lê  Đức Bánh, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Châu:

“Đã nhiều lần xã làm tờ trình kiến nghị với thành phố chọn địa điểm và đầu tư vốn để xây dựng chợ, nhưng vẫn chưa được phê duyệt. Với nguồn ngân sách eo hẹp của địa phương thì không thể xây dựng nổi một khu chợ với quy mô 1.000m2 và hơn 1 tỷ đồng”.

Vốn dĩ là chợ tự phát mang tính tạm bợ, không có bóng dáng của người quản lý, thế mà những người buôn bán ở đây vẫn phải đóng thuế môn bài hằng năm cho xã như các khu chợ hợp pháp khác. Bởi như xã giải thích “đã kinh doanh thì phải thu thuế”. Cho nên, cứ đến đầu năm, xã lại cử người xuống thu thuế từ 50.000 – 100.000 đồng/hộ kinh doanh/năm.

 

LƯƠNG DUYÊN

;
.
.
.
.
.