.

Cần phổ biến rộng rãi tài liệu về Hoàng Sa, Trường Sa

.

Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã nêu ý tưởng thành lập một hội đồng nhà nước để giám định các tài liệu mới phát hiện về Hoàng Sa, Trường Sa. Bên cạnh đó, đối với các tài liệu giá trị đã có từ trước, ông đề xuất cần phổ biến rộng rãi cho người dân và giới nghiên cứu...

Tiến sĩ Nguyễn Nhã bên tủ sách tư liệu Hoàng Sa, Trường Sa do ông lập.

* Ông có đưa ra một dấu mốc: trước năm 1909, trừ VN, không có bất cứ nước nào có được những văn bản nhà nước xác lập hay thực thi chủ quyền tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Từ đâu ông có kết luận như vậy?

- Do quá trình nghiên cứu của tôi hơn 40 năm nay, nắm rất rõ nguồn tư liệu của các nước về quá trình tranh chấp chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa.

Tất cả tài liệu của các nước, kể cả Trung Hoa, trong đó có cả tập tài liệu đồ sộ dày 795 trang Nam Hải chư đảo sử liệu hội biên (Hàn Chấn Hoa, Lâm Kim Chi, Ngô Phượng Bân, NXB Phương Ðông, 1988) tập hợp đầy đủ nhất tư liệu của Trung Quốc đều không hề nhắc đến bất cứ văn bản nhà nước nào có hành động xác lập hay thực thi chủ quyền trước năm 1909 cả. Trước đó vào năm 1898, chính quyền Quảng Châu, Trung Hoa đã trả lời các khiếu nại của công sứ Anh ở Bắc Kinh về công ty bảo hiểm Anh bảo hiểm các tàu Bellona của Ðức (bị đắm năm 1895) và tàu Humeji - Maru của Nhật (bị đắm năm 1896) đã bị những người Trung Hoa ở Hải Nam cướp phá, rằng: "Quần đảo Tây Sa là những hòn đảo bị bỏ rơi, chúng không phải sở hữu của cả Trung Hoa lẫn An Nam, cũng không sáp nhập về hành chính vào bất kỳ quận nào của Hải Nam và không có nhà chức trách nào chịu trách nhiệm về cảnh sát của chúng" (Monique Chemillier- Gendreau, sđd, trang 158).

Ðến giữa thập niên 1970, Trung Quốc mới bắt đầu đưa ra luận điểm: Trung Quốc phát hiện sớm nhất, kinh doanh sớm nhất, quản hạt sớm nhất, song hoàn toàn suy diễn, không có bằng chứng hành động cụ thể nào của nhà nước cả.

Trong khi ấy, các học giả Trung Quốc phân tích các bản đồ, tài liệu cổ của VN nhất thiết cho rằng Hoàng Sa của VN không phải Tây Sa của Trung Quốc mà chỉ là các hòn đảo ven bờ. Họ cứ nói rồi cũng có người tin. Song chỉ cần nếu ai đọc được tấm bản đồ An Nam đại quốc họa đồ của giám mục Taberd in năm 1838 đính vào cuốn Từ điển Latin - Annam thì không thể nào tin được. Bởi rành rành ghi Paracel "seu" Cát Vàng ở tọa độ hiện nay. Cũng duy nhất trước năm 1909 chỉ có bản đồ người phương Tây ghi "Paracel seu (tức "hay là") Cát Vàng" (chữ nôm của Hoàng Sa).

Trước năm 1909, không hề có bản đồ cổ của phương Tây ghi Paracel "seu", "hay là" Tây Sa cả. Như thế chứng tỏ vào thời điểm đó, cái tên Tây Sa không tồn tại.

* Tài liệu lịch sử chính thống của VN khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa bao gồm những loại nào? Trong lịch sử, các tài liệu này từng được cơ quan nào quản lý? Hiện nay, những cơ quan nào của VN đang giữ và chịu trách nhiệm về giá trị khoa học của các tài liệu quan trọng này?

- Về nội dung này, những tài liệu chính thống cấp nhà nước của VN gồm có hội điển, các bộ chính sử nhà Nguyễn và châu bản do triều đình Huế lưu giữ còn đến ngày nay. Trong đó có những bản tấu, phúc tấu của các bộ như Bộ Công cùng lời châu phê của vua về công tác cắm mốc, dựng bia chủ quyền, xây miếu, trồng cây... tại Hoàng Sa và Trường Sa. Một sự kiện nổi bật được chép rõ trong hội điển, Ðại Nam thực lục chính biên, Quốc triều chính biên toát yếu và cả châu bản là vào năm 1836, vua Minh Mạng sai suất đội thủy quân Phạm Hữu Nhật, gốc tộc họ Phạm Văn ở đảo Lý Sơn (và từ đây thành lệ hằng năm), chỉ huy bốn chiến thuyền, mỗi thuyền mang mười cột mốc bằng gỗ cắm cột mốc chủ quyền của VN tại Hoàng Sa và Trường Sa.

Các tài liệu hội điển, Ðại Nam thực lục chính biên, Quốc triều chính biên toát yếu ấy đã được khắc in và lưu trữ tại nhiều thư viện. Song văn bản nhà nước có giá trị về pháp lý quốc tế độc nhất vô nhị chính là những châu bản bao gồm các bản tâu, phúc tấu của các bộ lên vua và lời châu phê (tức lời phê son) của vua hiện đang lưu trữ tại Kho lưu trữ trung ương.

* Về Hoàng Sa, Trường Sa, theo ông, có nên thành lập một trung tâm thu thập, lưu trữ tư liệu?

- Tôi hoàn toàn ủng hộ việc thành lập một trung tâm thu thập, lưu trữ tư liệu về Hoàng Sa, Trường Sa và biển Ðông.

Chính khi tôi khởi xướng lập tủ sách Hoàng Sa, Trường Sa và biển Ðông là nhằm khuyến khích các nghiên cứu sinh, các nhà nghiên cứu về Hoàng Sa, Trường Sa và biển Ðông có điều kiện tiếp cận với các tài liệu này.

Ðến bây giờ nếu có được trung tâm như thế thì còn gì bằng. Song ai, cơ quan nào đứng ra, tiền đâu, bao giờ làm? Hay có ai đứng ra kêu gọi lập quỹ vậy, liệu có được không?

Theo tôi tại Quảng Ngãi, Ðà Nẵng và các nơi khác, kể cả ở nước ngoài, nên thành lập những trung tâm như vậy. Song điều quan trọng là tất cả sách, tài liệu giá trị phải được số hóa và gửi đến nhiều trung tâm lưu trữ để khuyến khích sử dụng ở trong và ngoài nước.  

Hiến tặng tờ lệnh quý cho quốc gia

Sáng nay 9-4, tộc họ Đặng ở thôn Đồng Hộ, xã An Hải, huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi) tổ chức cúng giỗ báo cáo tổ tiên về việc hiến tặng tờ lệnh quý về Hoàng Sa cho Nhà nước, sau sáu đời nối tiếp nhau cất giữ suốt 175 năm.

Tờ lệnh này là công lệnh của quan tỉnh Quảng Ngãi, ghi rõ ngày 15-4 năm Minh Mạng thứ 15 (1834), phái đội thuyền ba chiếc ra canh giữ đảo Hoàng Sa. Đó là thêm một bằng chứng xác đáng chứng minh rằng từ lâu Hoàng Sa đã thuộc phạm vi cai quản của đất nước ta.

Tên của tám thủy thủ đi lính Hoàng Sa - một trong những trang của tờ lệnh quý do tộc họ Đặng cất giữ suốt 175 năm qua.

Có kẻ muốn đánh cắp

Tờ lệnh được phát hiện vào cuối tháng 3-2009, khi ông Đặng Lên ở thôn Đồng Hộ trao bản photo tư liệu này cho tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh Quảng Ngãi. Trong khi đồng bào cả nước sung sướng vì phát hiện thêm chứng cứ mới về chủ quyền đất nước đối với Hoàng Sa thì suốt tuần qua, gia đình ông Lên lo ngay ngáy vì chuyện canh giữ tư liệu quý do tộc họ Đặng ở xã An Hải gìn giữ suốt 175 năm qua.

Nguyên do, như bà Nguyễn Thị Ba (vợ ông Đặng Lên) kể: Sáng 2-4, một người đàn ông khoảng 45 tuổi, giọng nói không phải người địa phương, xưng là cán bộ ngành văn hóa tỉnh Quảng Ngãi (đã thông qua sự cho phép của ông Võ Xuân Huyện, chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, như lời người này nói) đến nhà ông Lên để lấy tờ công lệnh của quan tỉnh Quảng Ngãi. Ông Lên lúc này vắng nhà. Người đàn ông lạ hỏi vài câu rồi thản nhiên vào nhà lục lọi khắp nơi để tìm tờ lệnh. Tìm không thấy gì, người đàn ông này có ý không vui và bỏ đi. Chiều cùng ngày, ông Đặng Tấn Thành (cháu ông Đặng Lên) báo cáo sự việc này với UBND huyện Lý Sơn. Theo ông Thành, ngoài người đàn ông lạ nói trên còn có một phụ nữ tự xưng tên Huỳnh Nga ở Hong Kong liên lạc qua điện thoại gặng hỏi gia đình ông Đặng Lên thật sự có giữ tờ lệnh quý liên quan đến Hoàng Sa hay không...

Trung tá Lê Hồng Phong, phó trưởng Công an huyện Lý Sơn, xác nhận việc có người tìm cách chiếm đoạt tư liệu quý về Hoàng Sa tại nhà ông Đặng Lên là có thật. Cơ quan điều tra công an huyện đã truy tìm người lạ trên, tuy nhiên đối tượng đã rời khỏi đảo.

Ngay sau khi nhận được phản ảnh của gia đình ông Lên, UBND huyện Lý Sơn cấp tốc có công văn gửi đến 45 tộc họ trên toàn huyện, thông báo sự việc và đề nghị canh giữ, bảo vệ cẩn mật những văn bản, hiện vật cổ chứng minh tổ tiên của họ từng giong thuyền ra biển Đông cắm mốc khẳng định chủ quyền lãnh thổ VN trên quần đảo Hoàng Sa. UBND huyện cũng gửi công văn đến các cơ quan chức năng của huyện, đề nghị có phương án hỗ trợ bảo vệ nguồn di sản quý giá này. Ông Võ Xuân Huyện cho biết huyện đã giao lực lượng công an huyện, xã tăng cường bảo vệ gia đình ông Đặng Lên.

Hoàn thành việc tổ tiên giao phó

Nói về tờ lệnh quý liên quan đến Hoàng Sa này, ông Đặng Lên cho biết: tờ lệnh được lưu giữ và truyền lại đến nay đã sáu đời. Ông là con trai thứ nhưng khi anh trai trưởng là ông Đặng Tôn mất vào năm 2003 thì ông được kế tục gìn giữ báu vật của Đặng tộc.

Sở dĩ tờ lệnh còn khá nguyên vẹn suốt 175 năm qua là nhờ được làm bằng chất liệu giấy dó, được cất giữ trong hộp bằng gỗ cây ra bể (một loài cây chịu được sóng gió ở đảo Lý Sơn), để nơi cao ráo. Mãi đến năm 1979, nhân có đoàn công tác tới Lý Sơn khảo cổ về những tư liệu quý liên quan đến Hoàng Sa thì hai anh em ông Lên mới mở hộp gỗ ra xem nhưng sau đó lại đem cất giữ. Suốt 30 năm qua (1979-2009), nhân dịp lễ tế xuân của tộc họ Đặng vào tháng 2 âm lịch 2009 vừa qua, ông Lên họp chi phái trong tộc họ lại. Mọi người trong tộc họ thống nhất cho ông Lên photo tờ lệnh gửi cho các cơ quan chuyên ngành văn hóa nghiên cứu, dịch ra nhằm tìm hiểu tổ tiên của mình để lại trong ấy nội dung gì.

“Biết tờ lệnh ấy chứng minh tổ tiên họ Đặng đã từng giong thuyền ra Hoàng Sa vào năm Minh Mạng thứ 15 (1834), tộc họ chúng tôi vui mừng và tự hào lắm. Tờ lệnh quý này không chỉ là của riêng của tộc họ Đặng chúng tôi nữa mà nó đã trở thành tài sản lớn của quốc gia. Do vậy, tộc họ chúng tôi đã thống nhất hiến tặng tư liệu quý này cho Nhà nước” - ông Lên bộc bạch.

Giờ đây, tộc họ Đặng ở đảo Lý Sơn đã dâng hiến bảo vật quốc gia cho đất nước, góp phần tư liệu xác lập chủ quyền của Tổ quốc, hoàn thành nhiệm vụ do tổ tiên giao phó.

Theo Tuổi Trẻ

;
.
.
.
.
.