.

Chỉ tiêu áp đặt

Trong thời gian gần đây, một số tổ dân phố trên địa bàn quận Sơn Trà nhận được chỉ tiêu cụ thể từ chính quyền phường về tổng mức đóng góp cho các loại quỹ như: quỹ “Vì người nghèo”, quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”. Chỉ tiêu đưa ra cho từng tổ dân phố là phải thu được có thể từ 750.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng. Không biết chính quyền địa phương dựa trên cơ sở nào để định ra các chỉ tiêu này.
 
Vì có tổ dân phố, dân cư phần lớn là người lao động thì vẫn phải thu cho được hơn 1 triệu đồng để đóng cho mỗi loại quỹ, nhưng có tổ dân phố mức sống dân cư khá giả hơn lại nhận được chỉ tiêu thấp hơn. Vậy là từ những chỉ tiêu này, nảy sinh không ít vấn đề bàn tán trong nhân dân.

Việc đóng góp các quỹ “Vì người nghèo”, quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” là dựa trên tinh thần tự nguyện của người dân, chứ không thể áp đặt. Chính vì vậy, có tổ dân phố cứ thu trên tinh thần ai đóng góp bao nhiêu thì nhận bấy nhiêu. Và chuyện không đủ chỉ tiêu đã xảy ra. Không thể áp đặt mức đóng góp của người dân, một số cán bộ tổ dân phố, đảng viên trong chi bộ Đảng phải vận động nhau đóng với mức cao hơn hoặc đóng thêm vào để cho đủ chỉ tiêu.

Phần lớn những cán bộ tổ dân phố, đảng viên trong chi bộ là những người đã về hưu, sống bằng lương hưu nhưng vì để hoàn thành chỉ tiêu chung, họ phải đóng góp cao hơn. Trong khi đó, một số tổ dân phố khác lại tính tổng số hộ và chia bình quân số tiền cần phải đóng góp, sao cho đủ hoặc vượt mức chỉ tiêu của trên giao xuống. Dù muốn hay không thì các hộ dân vẫn phải nộp đúng, nộp đủ số tiền mà tổ dân phố đã quy định, nếu không, coi chừng cuối năm không được danh hiệu gia đình văn hóa. Và các tổ dân phố phải cố gắng đạt và vượt mức để hoàn thành chỉ tiêu thi đua trong năm.

Trong cuộc sống hằng ngày, mỗi gia đình đều phải lo chi trả cho rất nhiều loại phí và việc đóng góp các loại quỹ nói trên nhiều hay ít là ở sự tính toán trong chi phí chi tiêu của mỗi gia đình. Chỉ tiêu là mức định ra để đạt tới, một số chỉ tiêu bắt buộc phải đạt được nhưng cũng có một số chỉ tiêu là để phấn đấu đạt tới mức đã định. Những loại quỹ “Vì người nghèo”, quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” xuất phát từ sự chia sẻ, cảm thông của cộng đồng xã hội và cùng nhau tự nguyện đóng góp để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, những gia đình chính sách…

Hiểu được ý nghĩa đó, chắc hẳn không ai không tự nguyện đóng góp dù ít hay nhiều để xây dựng quỹ. Đáng lẽ ra, cần phải tuyên truyền sâu rộng để mọi gia đình, mọi người dân hiểu được ý nghĩa của việc đóng góp xây dựng quỹ và từ đó, tự nguyện hành động trên tinh thần “tương thân tương ái”. Chứ việc áp đặt mức chỉ tiêu như ở một số địa phương là không đúng và có thể thấy, điều đó chỉ là hình thức và chạy theo thành tích mà thôi.

HÀ AN

;
.
.
.
.
.