.

“Chợ” nhậu

.

Như thường lệ, chừng 4 – 5 giờ chiều, mảnh sân trước chợ Hòa Khánh lại nhộn nhịp quán xá. Gọi là chợ đêm dành cho hoạt động ẩm thực, nhưng từ khá sớm, đám sinh viên, công nhân và tất thảy những ai có máu nhậu đều dạt vào làm vài ly.

“1, 2, 3 dzô!”

Chợ ẩm thực đêm luôn đông khách.

Vừa chân ướt chân ráo xuống xe, N.V.H, sinh viên khoa Điện Trường ĐH Bách khoa (quê Hà Tĩnh) đã có ngay mấy người bạn “tửu chí cốt” chào đón nhiệt tình ở ngã ba chợ Hòa Khánh. Cả ba người kéo nhau vào khuôn viên chợ, khi đó đã chen chúc những bàn ghế bằng nhựa xanh nhựa đỏ để cùng nhau “1, 2, 3 dzô!”.

Giới SV Đà Nẵng ít nhiều đều nghe về mức độ ăn nhậu của SV Trường ĐH Bách khoa (ĐHBK). Có lẽ vậy mà quanh vùng chợ Hòa Khánh và các khu nhà trọ, quán nhậu mọc lên như nấm. Không quá xa xỉ, các quán nhậu đều có mức giá bình dân, dẫu vậy với cuộc sống sinh viên xa nhà, từng cuộc nhậu đi qua là cả tháng trời thiếu đói.

Đang độ cao trào của hơi men, N.T.Đ (sinh viên khoa Cơ khí Trường ĐHBK), người có thâm niên học dai (vào khóa 3 nhưng bị “rớt” xuống khóa 6), từng trải qua nhiều cuộc nhậu “sinh tử”, cho biết: “Bình quân một cuộc nhậu bốn người với rượu trắng và mấy đĩa mồi cho đủ phê cũng phải mất vài trăm. Còn nếu rủng rỉnh thì nhậu bia, ít nhất cũng phải mất năm đến sáu trăm ngàn. Mỗi tháng bọn em nhậu ít là bốn đến năm lần. Nói thật với anh chị là nhậu lâu rồi quen miệng, lâu lâu không nhậu lại nhớ”.

Khi được hỏi về khoản tiền bố mẹ gửi cho hằng tháng, bình quân từ 1 triệu đến 1,2 triệu đồng/tháng cho cả chi phí học hành, nhà trọ, ăn uống và các khoản khác, vậy đâu còn bao nhiêu cho các lần “lai rai” trong tháng? Đ. vội giải thích: “Đầu tháng bọn em đứa nào nhận tiền thì bao cả bọn, cứ qua lại như thế, đến cuối tháng thì chia đều mà trả.

Cùng với hàng trăm quán nhậu khu vực này là tụ điểm lô đề, cá độ bóng đá. Ăn theo đó là các quán dịch vụ cầm đồ mọc lên. Thử một vòng và đếm sơ bộ cũng có vài chục tiệm cầm đồ, tiệm nào cũng ken chật xe máy, xe đạp, máy vi tính, điện thoại. Đằng sau những cuộc nhậu ngút trời, khi men rượu đã ngấm thì ranh giới giữa “tiên tửu” và “tặc tửu” mỏng manh như lớp lá non. Sinh viên H.V.T (quê Nghệ An) cho hay: “Ban đầu đi nhậu thiếu tiền thì cầm đồ, sau đó cá độ bóng đá. Mất ít rồi cố gỡ, sau dần bị “bể”, máy vi tính, điện thoại và tất cả những gì có thể là “cắm”. Bố em đã ba lần vào trả nợ cho em, bây giờ nếu dính thêm nữa thì chắc em được đưa về làm ruộng luôn”.

Trút “bầu tâm sự” lên cây cảnh, cột điện

Những cây cảnh chết úa vì... nhậu.

Trên 50 hộ kinh doanh đăng ký hoạt động chợ đêm theo quy định từ 17 giờ đến 23 giờ đêm. Thế nhưng, do đặc thù là chợ ăn uống, các quán không bao giờ đóng cửa nghỉ theo đúng nội quy cam kết. Chị H. (đã thay đổi tên), chủ quán nhậu ra vẻ chiều theo ý khách: “Không lo trễ mô em, còn bán tới sáng luôn mà. Phục vụ cho mấy người đi chợ buổi đêm ghé vô ăn khuya, uống cà phê chờ hàng về nữa”. 

Khi men bia thẩm thấu vào trong cơ thể thì hàng trăm câu chuyện dài kỳ của các “thượng đế” được tiếp nối. Những quán xá đông khách có thể kéo dài thời gian cho đến khi chủ quán kêu hết mồi. Khi chúng tôi đề cập tới vấn đề an ninh trật tự (chuyện đánh nhau và gây rối đã từng xảy ra ở khu vực này), ông Nguyễn Trà, Trưởng ban Quản lý chợ cho biết: “Hồi nào tới giờ mới chỉ nhắc nhở thôi, nhưng sắp tới sẽ áp dụng theo quy định”.

Chợ đêm vẫn diễn ra đều đặn, nhất là những ngày nóng, hàng quán và lượng người nêm chặt vào mỗi đêm. Mặc dù BQL chợ đã cho lắp đặt 2 nhà vệ sinh di động ở 2 góc sân chợ và 2 nhà vệ sinh cố định phía bên trong chợ, nhưng do thiếu ý thức, nhiều người vẫn trèo lên bục cây cảnh phía trên để xả “nỗi buồn”. Hàng loạt các cây cảnh ngả màu vàng úa, có cây chết rụi. Những cột điện đèn cao áp gặp trời hanh nắng bốc mùi khó chịu, khiến ai đi ngang qua cũng nhăn mặt. Chợ Hòa Khánh về đêm. Tiếng “dzô, dzô” vẫn không ngớt.

Bài và ảnh: T. HUY – D. ANH

;
.
.
.
.
.