.

Chuyện về những chiếc cầu trên sông Hàn

.

Anh Nguyễn Thanh Hùng, một hướng dẫn viên của Công ty Dịch vụ và Du lịch Vietour thành phố Hồ Chí Minh kể với chúng tôi về sự cố khá hy hữu trong đời làm hướng dẫn viên du lịch của mình và đã trở thành một kỷ niệm khó quên: Vào khoảng tháng 3-2008, tôi được phân công đưa 3 du khách Pháp đi thăm Đà Nẵng.

Bình minh trên cầu Sông Hàn.

Vì lần đầu tiên đi tuyến mới nên tôi đã chuẩn bị “bài” khá kỹ về lịch sử các địa danh nổi tiếng của thành phố như Ngũ Hành Sơn, bán đảo Sơn Trà, Bà Nà-Núi Chúa, thành Điện Hải… Sau một ngày mọi việc diễn ra khá thuận lợi, cuối ngày tôi đưa khách đi dạo mát trên đường Bạch Đằng và say sưa giới thiệu với du khách về chiếc cầu quay độc nhất vô nhị này.

Bất ngờ, một vị khách trong đoàn vốn là chuyên gia vận động cộng đồng đã về hưu, đề nghị tôi dẫn đến tấm bảng đá ghi danh sách đóng góp của người dân thành phố xây dựng chiếc cầu này. Ngớ ra hồi lâu trước đề nghị không có trong sự chuẩn bị này, tôi đành thú nhận là không hề biết đến chi tiết này và phải xin lỗi 3 du khách, chờ tôi đi hỏi người dân địa phương. Sau khi tận mắt nhìn tấm bia và chụp mấy tấm hình làm kỷ niệm, lúc này vị khách mới nói: “Chiếc cầu quay với khẩu độ lớn như vậy đúng là rất hiếm, nhưng chiếc cầu này ấn tượng hơn ở chỗ là do công sức của nhân dân, cán bộ, công chức thành phố đóng góp nên”.

Ông khẳng định chính điều này mới làm chiếc cầu trở nên “độc nhất vô nhị”, vì ngay như ở Pháp hay nước nào khác, việc xây cầu, làm đường là chuyện của Nhà nước. “Điều này cho thấy người dân rất có tinh thần xây dựng và yêu mến thành phố của mình” - vị khách này kết luận.

Hơn ai hết, lãnh đạo thành phố đã nhận ra truyền thống quý báu này của người dân Đà Nẵng, song bên cạnh đó, thành phố đã có cách làm rất hợp lòng dân trong việc vận động tham gia đóng góp xây cầu Sông Hàn và những công trình khác. Với công trình cầu Sông Hàn, sau khi có lời kêu gọi người dân đóng góp, đội ngũ CBCC gương mẫu đi đầu, tạo khí thế cho mọi tầng lớp nhân dân noi theo. Cách ghi danh trên bảng vàng những tập thể, cá nhân đóng góp lớn cho cây cầu cũng là cách động viên được mọi người đồng tình.

Thành công từ công tác vận động làm cầu Sông Hàn là bước khởi đầu cho một giai đoạn tăng tốc công tác chỉnh trang đô thị trên địa bàn Đà Nẵng mà trong đó, một trong những điểm nhấn quan trọng là những chiếc cầu bắc qua con sông Hàn. Khi cầu Sông Hàn đưa vào sử dụng, cũng là lúc thành phố bắt tay vào việc làm cầu dây võng Thuận Phước.
 
Ở thời điểm đó, không ít người đặt câu hỏi về khả năng quản lý, kỹ thuật của thành phố có đủ sức đảm đương chiếc cầu có công nghệ phức tạp như cầu Thuận Phước, cũng như lo việc khi thi công chiếc cầu này sẽ gặp khó khăn trong công tác giải tỏa đền bù. Nhưng rồi mọi lo ngại đã được giải tỏa và cho đến hôm nay, trong những ngày tháng 4 lịch sử này, công trình cầu Thuận Phước đang về đích trong sự hân hoan trông đợi của người dân thành phố.

Ở tuổi ngoài 80, chân yếu, nghe khá khó khăn, thế nhưng ông Tạ Viết Nương vẫn có ý định chờ đến ngày được đi trên cầu Thuận Phước. Trên căn nhà tạm để trông ao nghêu của con trai, ông tâm sự: “Toàn bộ 2 nghìn mét vuông ao nuôi nghêu của tôi hàng chục năm nay, bây chừ đã nằm dưới cầu dẫn lên cầu Thuận Phước này. Công việc bao nhiêu năm nay bỗng nhiên phải thay đổi, nhưng tôi ủng hộ vì thành phố đã đền bù thỏa đáng. Bây chừ ngồi nhìn chiếc cầu đẹp quá mà thấy vui trong lòng, vì mình cũng có góp phần nhỏ vào đây”.

Đông đảo người dân thành phố có mặt trên cầu Thuận Phước trong ngày hợp long.

Hiện nay, thành phố lại đang tất bật chuẩn bị cho lễ khởi công cầu Rồng xuất phát từ đường Nguyễn Văn Linh nối dài vượt qua sông Hàn để nối vào đường Sơn Trà-Điện Ngọc. Có thể nói đây là dự án đạt kỷ lục số lượng hộ dân phải di dời giải tỏa để nhường đất cho công trình (1.300 hộ dân thuộc hai quận Sơn Trà và Hải Châu). Tuy nhiên, cũng như những công trình trước đây, công tác giải phóng mặt bằng đang diễn ra thuận lợi và đúng tiến độ. Bà Huỳnh Thị Thanh ở phường Bình Hiên tâm sự:
 
“Ban đầu nghe tin phải  dời nhà đi lo lắm, vì lâu nay gia đình tôi sống bằng nghề nuôi dạy trẻ tại gia, bây chừ chuyển đi thì sống bằng gì đây?”. Nhưng rồi mọi việc đã được giải tỏa sau những buổi gặp gỡ trực tiếp giữa lãnh đạo thành phố và người dân. “Mình phải hy sinh một ít quyền lợi để thành phố ngày càng to đẹp hơn chứ” - bà nói.

Đà Nẵng đã thành công trong việc xây những chiếc cầu qua sông Hàn và cầu nào cũng có những cái nhất, nhưng cái nhất trước hết là thành công trong việc bắc những chiếc cầu từ chủ trương của thành phố đến lòng dân. Đây là cơ sở để chúng ta tin rằng, rồi đây cầu Rồng cũng sẽ hoàn thành và trở nên “độc nhất vô nhị” về kiểu dáng, và sau đó nữa là những chiếc cầu khác như cầu Nguyễn Văn Trỗi-Trần Thị Lý, cầu Hòa Xuân… 
          
Bài và ảnh: THANH VÂN

;
.
.
.
.
.