.

Còn mãi với thời gian

.

Những tấm khăn, trái lựu đạn hay khẩu súng... từng gắn bó thiết thân với mỗi người lính trong những ngày ra trận của hơn 30 năm trước giờ được trân trọng trưng bày trong các bảo tàng. Đằng sau mỗi kỷ vật là một câu chuyện xúc động và qua đó, các thế hệ trẻ hôm nay hiểu được giá trị của hòa bình phải gắn với máu, nước mắt và tinh thần bất tử của những con người đã không tiếc máu xương.

Những câu chuyện thời chiến

Học sinh các trường THPT tham quan Bảo tàng Đà Nẵng.

Trong những kỷ vật do Bảo tàng khu 5 sưu tầm năm 2009, được ghi chép cẩn thận quá trình xuất xứ, có 3 kỷ vật các anh nhớ như in, bởi câu chuyện hào hùng và bi tráng mà người chủ của chúng đã trải qua.  

Năm 2008, trong một lần dẫn các em học sinh ra thăm những địa danh ở Đà Nẵng, khi đến thăm Bảo tàng khu 5, chị Trần Thị Trúy Hồng, giáo viên ở thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam đã kể với người thuyết minh bảo tàng câu chuyện về chiếc thùng phuy mẹ chị còn giữ sau hơn 40 năm. Mẹ chị Hồng là Bà mẹ VNAH Văn Thị Ôn ở xã Đại Hòa, huyện Đại Lộc. Chiếc thùng phuy vốn của Mỹ dùng đựng chất hóa học.
 
Năm 1968, khi Mỹ-ngụy đi càn, con gái của mẹ Ôn chạy thoát được và mang một bọc tài liệu đưa cho mẹ Ôn cất giữ. Từ đó, chiếc thùng phuy dùng cất tài liệu cho R20 (Tiểu đoàn 1 bộ binh-Quảng Đà), trên đổ đầy lúa nhằm ngụy trang. Năm 1969, trong một trận càn, bọn Mỹ phát hiện ra chiếc thùng phuy đã bắn thủng nhiều chỗ. Từ đó cho đến khi giải phóng, mẹ Ôn đã dùng cái thùng phuy này đựng gạo nuôi quân, là đơn vị tiền phương K 650.

Kỷ vật thứ hai mà Bảo tàng khu 5 vừa sưu tầm được là quả lựu đạn M26 của ông Đỗ Xuân Dự ở Quế Lộc, Quế Sơn, Quảng Nam. Năm 1968, ông Dự là xã đội trưởng xã Quế Lộc. Một lần quân ngụy và lính đánh thuê Đại Hàn sau khi đi càn đã gài lại hai quả lựu đạn ở bếp của du kích. Bà Nhung (nữ du kích xã, người yêu của ông Dự) lúc chuẩn bị nấu bếp, nhìn thấy quả lựu đạn đã kêu lên. Ông đã cẩn thận gỡ trái lựu đạn đó để rồi mỗi lần gắn kíp, ông lại phải tháo ra và giữ gìn nó trong suốt 40 năm.
 
Hai lần sau, ông Dự dùng trái lựu đạn đó gài trên đường, nhằm phục kích địch trong các đợt đi càn nhưng đều không thành vì bà Nhung 2 lần suýt vấp trúng, may có ông phát hiện. Sau những lần đó, ông Dự quyết định tháo kíp nổ và cất trái lựu đạn đến hôm nay. Ông cất một kỷ niệm đẹp nhưng đau buồn, vì sau đó người yêu của ông đã hy sinh.

Ông Dự tâm sự là khi hai người quan tâm đến nhau, thì linh tính cũng cho biết trước chuyện gì sẽ xảy ra, nên ông mới có 3 lần cứu bạn mình thoát chết. Ông viết những dòng tâm sự này khi hiến tặng kỷ vật cho bảo tàng, như thể một lời gửi gắm, trong cuộc chiến có nhiều mất mát, đau thương ấy, đầy ắp những tình cảm thiêng liêng, trân trọng của mỗi người.

Những kỷ vật thời chiến gắn bó với mỗi người, khi nhìn thấy nó người ta như thấy quá khứ dội về, từng chi tiết như một cuốn phim quay chậm. Và hơn ai hết, những người lính đã đi qua một thời trận mạc ấy yêu mến, nâng niu từng kỷ vật của mình, nhưng họ sẵn sàng tặng lại cho các bảo tàng, để ở nơi ấy, hàng trăm, hàng nghìn người khác, đặc biệt là những thế hệ trẻ có thể tìm về quá khứ, dù một ít thôi-qua mỗi kỷ vật, để thêm trân trọng giá trị cuộc sống hôm nay.

Mươi năm nữa, liệu có còn...

Chiếc khăn của bà Trần Thị Kim Cúc hiến tặng Bảo tàng khu 5.

Cách đây 2 năm, ông Phan Văn Nghệ (nguyên cán bộ Đặc khu Quảng Đà, nguyên Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng-thuộc tỉnh QN-ĐN, nay đã mất) đã trao khẩu súng K47 ông đã dùng trong những năm chống Mỹ cho Bảo tàng Đà Nẵng. Bà Nguyễn Thị Nhạn (nguyên cán bộ Đặc khu Quảng Đà) cũng trao cho Bảo tàng Đà Nẵng kỷ vật là khẩu súng K54. Còn một số kỷ vật của chồng bà, cũng là cán bộ kháng chiến, bà Nhạn hứa sẽ trao tặng cho bảo tàng sau một vài năm nữa.

Trong hồ sơ tư liệu hiện vật của Bảo tàng khu 5 lưu những dòng sau: “Mùa rét các cháu phải mặc áo quần đông xuân, đi bít tất vào và phải thường xuyên đội mũ để bảo vệ cái đầu. Sau khi căn dặn xong, Bác Hồ đã lấy cái khăn đang quàng trên cổ của mình và quàng vào cổ của chị Cúc, và chị đã giữ nó suốt từ năm 1967 như một báu vật không thể xa rời cho đến khi trao tặng lại cho Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Quân khu  5 vào năm 2009”.

Chiếc khăn quàng cổ đó của bà Trần Thị Kim Cúc, nguyên đội trưởng đội công tác Biệt động thành Đà Nẵng, được Bác Hồ tặng năm 1967 sau khi chữa bệnh từ Trung Quốc về Hà Nội, người 7 lần được gặp Bác Hồ.

Nhưng 10, 20 hay nhiều năm sau nữa, những kỷ vật thời kháng chiến liệu có còn không, khi chủ nhân của chúng nằm xuống. Những cán bộ chuyên sưu tầm ở các bảo tàng khẳng định là hiện vật vẫn còn trong dân, nhưng càng để lâu càng khó tìm. Mới đây, Bảo tàng khu 5 và Bảo tàng Đà Nẵng phát động cuộc vận động sưu tầm “những kỷ vật kháng chiến” và nhận được sự hưởng ứng rộng rãi từ những cựu chiến binh và người thân của họ.
 
Bảo tàng khu 5 hiện có hơn 16.000 hiện vật, chủ yếu là hiện vật xuất xứ trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ; Bảo tàng Đà Nẵng có 13.000 hiện vật, trong đó có nhiều bộ sưu tập “kỷ vật thời chiến” như bộ sưu tập của tù Côn Đảo, Biệt động thành, bộ sưu tập truyền đơn trong kháng chiến... Nhưng ông Hồ Đắc Trai, Phó Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng và ông Trần Đình Kỷ, Giám đốc Bảo tàng khu 5 đều có chung quan điểm là nếu không sưu tập nhanh, những kỷ vật sẽ dễ bị lãng quên theo thời gian.

Nếu con, cháu của những người có kỷ vật có gìn giữ cẩn trọng chúng thì liệu những kỷ niệm, những câu chuyện làm nên xuất xứ của kỷ vật có còn được kể lại, vì đó chính là nguồn gốc để kỷ vật sống mãi với thời gian. Nên vấn đề sưu tầm nhanh, có thể đưa kỷ vật vào bảo tàng để ở đó nó được giữ gìn, được giới thiệu rộng rãi đến công chúng về quá khứ đau thương nhưng rất đỗi hào hùng của dân tộc, cũng là trách nhiệm của những người lưu giữ kỷ vật.
 
Tính đến nay, chỉ có những Bảo tàng của Nhà nước sưu tầm và giới thiệu kỷ vật thời chiến, nếu ở đâu đó có những bảo tàng tư nhân như những cựu chiến binh ở Quảng Bình, Hải Dương đã làm, thì rất mong chủ nhân của chúng giới thiệu rộng rãi đến công chúng...

Hiền Lương



;
.
.
.
.
.