Khát vọng xây dựng một đội ngũ cán bộ vừa có đủ trình độ, năng lực chuyên môn, vừa có đủ khả năng ngoại ngữ để trực tiếp làm việc với người nước ngoài trong thời kỳ hội nhập mạnh mẽ, Đề án “Đào tạo 100 thạc sĩ (Th.S), tiến sĩ (T.S.) ở nước ngoài” được triển khai từ năm 2006. Trong quá trình thực hiện, nhiều chính sách đã được thay đổi cho phù hợp, để việc thực hiện đạt hiệu quả cao nhất, trong đó có cả việc kéo dài thời gian thực hiện Đề án đến năm 2012 và thay đổi số lượng, cơ cấu đào tạo...
Từ cuối năm ngoái, những kết quả đầu tiên của Đề án đào tạo 100 Th.S, T.S. ở nước ngoài (gọi tắt là Đề án 393) đã được thể hiện, với sự trở về sau khi kết thúc chương trình đào tạo Th.S ở nước ngoài của 12 người, trong đó có 3 người tốt nghiệp loại giỏi. Trong số ấy, có những thế hệ cán bộ trẻ từ 6X đến 8X; người lớn tuổi duy nhất thuộc thế hệ 6X là Lâm Tùng Giang (sinh năm 1968), Phó Giám đốc Trung tâm Tin học (Văn phòng UBND thành phố) và trẻ nhất thuộc về 8X là Hồ Anh Ngọc (sinh năm 1986), thuộc đối tượng sinh viên của Đề án “Hỗ trợ đào tạo bậc đại học tại các cơ sở giáo dục trong nước và ở nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước” (gọi tắt là Đề án 47).
Chất lượng của đội ngũ Th.S đầu tiên này được “kiểm chứng” qua những địa chỉ đào tạo có uy tín tại nước Anh và Úc. Nhóm ngành họ được đào tạo chủ yếu tập trung trong lĩnh vực: Công nghệ thông tin, thị trường tài chính, kinh tế đối ngoại... là những nhóm ngành mà thành phố đang cần đến trong giai đoạn phát triển hiện nay. 8 người trong số đó được đưa về đơn vị cũ để tiếp tục công tác, số còn lại được phân về các đơn vị mới như: Văn phòng UBND thành phố, Sở Thông tin-Truyền thông, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư... để đáp ứng được yêu cầu về ngành nghề đào tạo.
Tiếp tục trong đầu năm nay, cũng đã có 5 Th.S. thuộc thế hệ 7X được đào tạo các nhóm ngành thị trường tài chính, kinh tế đối ngoại, kiến trúc, du lịch... tiếp tục về nước và được phân công về công tác tại những đơn vị mà họ từng gắn bó như: Sở Ngoại vụ, Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Văn phòng UBND thành phố.
Như vậy, trong 3 năm đầu thực hiện Đề án 393 đã có tổng số 59 người được các cấp có thẩm quyền cử đi đào tạo, trong đó có 15 người học T.S. và 44 người học Th.S., thì trong đó, có tổng cộng 17 Th.S. trở về nước và nhận công tác tại các cơ quan của thành phố. Theo nhìn nhận từ Ban Chỉ đạo Đề án 393, các cơ quan liên quan của Ban Chỉ đạo gồm: Ban Tổ chức Thành ủy, Văn phòng Thành ủy, Đại học Đà Nẵng và các sở: Ngoại vụ, Nội vụ, Tài chính đã có sự phối hợp và cộng tác chặt chẽ trong việc liên hệ với các cơ sở đào tạo ở nước ngoài, từ khâu giới thiệu người đi học, ký kết biên bản ghi nhớ với các trường và tìm kiếm học bổng, thực hiện thủ tục thanh toán chi phí...
Đồng thời, trong quá trình thực hiện Đề án, nhiều chủ trương, chính sách cũng đã được hoàn thiện và thay đổi nhằm thích hợp với tình hình mới như: Quyết định kéo dài thực hiện Đề án đến năm 2012, thay vì đến năm 2010; thành lập bộ phận Đào tạo cán bộ thuộc Ban Tổ chức Thành ủy để làm nhiệm vụ chuyên trách của Đề án; đề xuất điều chỉnh số lượng cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo; tham mưu về xây dựng cơ chế “tổng chỉ huy” việc thực hiện các Đề án 393, Đề án 47...
Trong đó, căn cứ trên nhu cầu của thành phố và thực tế 3 năm triển khai thực hiện, Ban Chỉ đạo Đề án 393 đã quyết định tham mưu điều chỉnh số lượng cử đi đào tạo; thay vì đào tạo 20 T.S. và 80 Th.S. như ban đầu, thì số lượng T.S. sẽ tăng lên 27 người để giảm số lượng Th.S. Những chuyên ngành đào tạo được điều chỉnh như: Y tế (tăng 4 T.S., giảm 9 Th.S.), giáo dục (tăng 1 T.S., giảm 1 Th.S.), giao thông công chính (tăng 1 T.S., giảm 1 Th.S.), công nghệ thông tin (giảm 1 T.S.), kinh tế đối ngoại (giảm 1 T.S., tăng 6 Th.S.)...
Tuy nhiên, cũng qua thời gian triển khai, đã bộc lộ những vấn đề cần phải nhanh chóng giải quyết. Trước tiên, trình độ ngoại ngữ của các ứng viên vẫn là khâu vướng mắc đầu tiên và lớn nhất. Để giải quyết vấn đề này, Ban chỉ đạo Đề án đã quyết định hợp đồng với Viện Anh ngữ tại Đà Nẵng và Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Đà Nẵng) mở lớp bồi dưỡng cho các ứng viên có điểm IELTS từ 5.0 đến 5.5 (và tương đương); đồng thời lựa chọn một số cán bộ có năng lực chuyên môn giỏi, phù hợp với các ngành thành phố đang thiếu, đã đạt trình độ IELTS 4.0 trở lên tham dự các khóa bồi dưỡng ngoại ngữ tại các nước trong khu vực... để tạo nguồn có trình độ ngoại ngữ vững chắc, đáp ứng được yêu cầu đào tạo ở nước ngoài. Bên cạnh đó, chính sách này nhằm góp phần giải quyết một số vướng mắc hiện nay là:
Nguồn cán bộ tham gia đề án còn chênh lệch giữa cấp thành phố với quận, huyện (Hiện trong số đã đưa đi đào tạo, chỉ duy nhất có một cán bộ của quận Cẩm Lệ là Lê Minh Tường, chuyên viên Ban Tổ chức Quận ủy Cẩm Lệ, đào tạo Th.S. chuyên ngành Hành chính công tại Đại học Cardiff, Vương quốc Anh); số lượng được cử đi đào tạo không đều giữa các ngành (Kinh tế đối ngoại vượt 5 chỉ tiêu, Thị trường tài chính vượt 1 chỉ tiêu, hai ngành (Giao thông công chính và Luật) chưa có người đủ trình độ ngoại ngữ; tỷ lệ cán bộ nữ tham gia Đề án quá cao (50,8%) nên tạo ra sự chênh lệch giữa các ngành...
Cùng với đó, việc tạo nên mối liên hệ chặt chẽ, phát huy được năng lực làm việc, tạo môi trường nghiên cứu khoa học và tiếp tục trau dồi ngoại ngữ... của những người được bố trí công tác sau đào tạo cũng là những vấn đề cần quan tâm để hiệu quả của Đề án được phát huy.
ANH QUÂN
.
.
Đào tạo cán bộ “chuẩn hội nhập”
Thứ Năm, 09/04/2009, 09:25 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.