.
HẬU PHƯƠNG NGƯỜI LÍNH

Sống trong tình thương yêu của đồng đội

.

Trở về từ môi trường quân ngũ, anh La Thành Cang lập gia đình với chị Trần Thị Hoa. Hai vợ chồng nghèo với 6 đứa con lần lượt ra đời, 4 cháu gái đầu bình thường lành lặn, nhưng 2 cậu con trai sau là La Thành Toàn và La Thành Nghĩa được khoảng 4, 5 tuổi lần lượt bị teo cơ hai chân, hoàn cảnh kinh tế ngày càng khó khăn.
 

Phụ nữ BCHQS thành phố thường xuyên thăm hỏi, tặng quà hai cháu nạn nhân CĐDC con anh Mai Tính và chị Lê Thị Phụng.

Rời quê nhà quyết định lên Tây Nguyên theo diện kinh tế mới, gia đình anh chị đã cố gắng làm ăn mong được đổi đời, nhưng rồi số phận lại đưa đẩy anh chị trở lại quê nhà, không hộ khẩu, không chỗ trú thân, gia đình 8 người tụm lại trong một căn phòng thuê chật chội, bám víu vào việc bán trái cây sinh sống qua ngày. Tương lai mờ mịt, căn bệnh teo cơ của hai cậu con trai ngày một nặng thêm, bao nhiêu tiền kiếm được đều dồn vào mua thuốc cho hai đứa con, nhưng chẳng thấm vào đâu…

Năm 2004, thật tình cờ, hai vợ chồng anh ngồi bán dưa hấu ngay cạnh cổng nhà Đại tá Nguyễn Văn Tuấn, lúc đó đang giữ chức vụ Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Đà Nẵng. Khi đến mua dưa, ông Tuấn hỏi thăm và tìm hiểu hoàn cảnh gia đình anh chị. Và như một cơ may, ngay sau đó gia đình gồm 8 con  người cơ nhỡ ấy được ông Tuấn sắp xếp ở tạm một gian nhà của khu tập thể cán bộ quân đội ở tổ 10, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn cho đến bây giờ.

Không chỉ có một căn nhà yên ổn che mưa che nắng và được Đại tá Nguyễn Văn Tuấn giúp đỡ nhập hộ khẩu trở lại thành phố, 5 năm qua, hai đứa con trai tật nguyền của anh chị còn được cán bộ, chiến sĩ LLVT thành phố quyên góp tiền hỗ trợ nuôi dưỡng hằng tháng mỗi cháu 150.000 đồng. Số tiền tuy không lớn nhưng là sự động viên về tinh thần vô cùng quý giá để anh chị có thêm niềm tin vươn lên trong cuộc sống. Cuối năm 2004, anh Cang chẳng may bị tai nạn xe máy liệt một tay, kinh tế gia đình lại dồn lên đôi vai chị Hoa gánh vác.

Vừa nuôi đàn heo, vừa xay bột bán sữa đậu nành, chị Hoa đã lo cho các con ăn học đầy đủ, hai cháu Toàn và Nghĩa đi học ở trường khuyết tật đều chăm ngoan, học giỏi. Mỗi lần đoàn cán bộ LLVT thành phố đến thăm và trao tiền hỗ trợ, anh chị lại rưng rưng nước mắt. Họ không thể quên được cái ngày mà họ đã may mắn gặp được vị ân nhân của gia đình mình - một cán bộ cấp cao của quân đội thật giàu lòng nhân ái. Và lòng nhân ái ấy luôn được các thế hệ sau ông kế tục và phát huy.

Ngoài hai cháu Toàn và Nghĩa, 5 năm qua, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố còn hỗ trợ nuôi dưỡng hai cháu nạn nhân chất độc da cam là con của anh Mai Tính và chị Lê Thị Phụng, ở tổ 7, phường Hòa Hải. Anh Mai Tính đã có hơn 5 năm chiến đấu ở chiến trường Campuchia, trở về hậu phương, lập gia đình, hai đứa con một gái, một trai lần lượt ra đời trong sự mong đợi của cả họ hàng, thế nhưng cả hai đều bị nhiễm chất độc da cam từ bố, hai cơ thể từ lúc sinh ra chỉ biết nằm một chỗ, tay chân teo tóp, lưng gù, thần kinh không phát triển.
 
Năm nay, Mai Thị Mân đã 18 tuổi, Mai Thanh Tú cũng sang tuổi 15 nhưng cả hai chị em suốt ngày chỉ biết nằm, bò lê lết quanh nhà, ai hỏi thì cười ngây ngô. Anh Tính từ sáng sớm đến tối mải miết với công việc phụ hồ, chị Phụng ở nhà lo cơm nước, chăm sóc hai con trong ngôi nhà tạm đang chờ giải tỏa.
 
Ngoài khoản trợ cấp ít ỏi của Nhà nước đối với nạn nhân chất độc da cam, sự hỗ trợ thường xuyên của những người mặc áo lính đến với gia đình anh chị hằng tháng đã góp một phần vơi bớt những thiếu trước hụt sau. Sự quan tâm thăm hỏi của những người lính đã mang đến cho anh chị những tình cảm  thật ấm áp, gần gũi của tình đồng chí, đồng đội.

CÁT TƯỜNG

;
.
.
.
.
.