.

Hoa thắm trên mặt biển xanh

.

Khi những vòng hoa tưởng niệm, những cánh hoa cúc vàng được thả trôi trên mặt biển xanh thăm thẳm, tất cả mọi người trong đoàn công tác đều xúc động, nước mắt chực trào ra. Hoa đắm mình trong lòng biển xanh thẳm, hoa trôi nổi, bập bềnh theo con sóng, hoa mang theo mình tình yêu, lòng trân trọng, biết ơn và cả cảm xúc nghẹn ngào của những người con đất liền gửi đến các anh hùng liệt sĩ đã gửi mình lại trong lòng biển, đảo yêu thương.

Lễ tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh trên quần đảo Trường Sa.

Hỏi nhiều người trong chuyến hành trình trên quần đảo Trường Sa, ấn tượng nhất điều gì thì phần đông đều nhắc đến những cảm xúc dâng trào trong các buổi tưởng niệm ngay giữa biển khơi mênh mông. Giữa thời bình nhưng vẫn có hy sinh, mất mát, vẫn có những con người kiên trung, ngoan cường, quyết hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Trong diễn văn tưởng niệm những liệt sĩ đã hy sinh năm 1988 để bảo vệ vùng biển, đảo quê hương, Chuẩn Đô đốc, Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân Trần Đình Xuyên cho biết: “Quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa từ lâu là lãnh thổ thiêng liêng của dân tộc Việt Nam. Nhưng với mưu đồ thôn tính Trường Sa, độc chiếm biển Đông, từ cuối năm 1987, đầu năm 1988, “nước ngoài” đã ngang nhiên đưa lực lượng quân sự chiếm đóng một số bãi đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam”. Bất chấp lẽ phải, lại không khuất phục được ý chí kiên cường, sắt đá của người lính Việt Nam, họ đã ngang nhiên tấn công quân sự.

Anh hùng liệt sĩ, Thiếu úy Trần Văn Phương - Phó Chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma, trước sự tấn công của kẻ thù đã quấn lá cờ Tổ quốc quanh thân mình và động viên đồng đội: “Không được lùi bước. Phải để cho máu mình tô thắm lá cờ Tổ quốc và truyền thống vinh quang của Quân chủng”. Anh và các cán bộ, chiến sĩ các tàu HQ 505, 604, 605 thuộc Lữ đoàn 125, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 146, Trung đoàn công binh 83 đã ngoan cường chiến đấu, không chịu lùi bước.

Tại lễ tưởng niệm những liệt sĩ đã hy sinh ở thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, một lần nữa chúng tôi kính cẩn nghiêng mình, nghẹn ngào trước sự hy sinh anh dũng của các anh. Đó là tấm gương cao đẹp của Liệt sĩ Thượng úy Nguyễn Hữu Quảng - Phó Chính trị Nhà giàn DK1/3 Phúc Tần. Khi nhà giàn bị đổ, anh đã cùng đồng đội bơi nhiều ngày trên biển.
 
Lúc sóng to, gió lớn, anh đã nhường chiếc phao cá nhân và miếng lương khô cuối cùng cho người chiến sĩ yếu nhất để thanh thản đi vào cõi vĩnh hằng ngày 5-12-1990. Đó là hành động cao đẹp của Liệt sĩ Đại úy Vũ Quang Chương, Chỉ huy trưởng Nhà giàn 2A/DK1/6 Phúc Nguyên, khi bão tố hung dữ đe dọa nhà giàn, anh đã chỉ huy bộ đội rời trạm xuống tàu về đất liền. Còn anh và đảng viên Nguyễn Văn An đã bị gió bão cướp đi tính mạng khi đang ở lại thu tài liệu. Liệt sĩ - Chuẩn úy Lê Đức Hồng, khi nhà giàn bị đổ, đã gửi lời chào “Vĩnh biệt đất liền” rồi thanh thản hy sinh.
 

Hoa thắm trên mặt biển xanh.

Và đây nữa, những tấm gương dũng cảm của các cán bộ, thuyền viên như: Thượng úy Phạm Tảo, Đại úy Nguyễn Văn Tư, Trung úy Lê Tiến Cường. Các đồng chí: Thượng úy Ngô Sỹ Nga - máy trưởng, chiến sĩ Hoàng Văn Cúc, Nguyễn Đức Hanh… đã chấp hành nghiêm mệnh lệnh, trực chốt kiên cường, dũng cảm cứu vớt đồng đội và đã hy sinh.

Sau lễ tưởng niệm, tàu nhổ neo, để lại sau lưng những con sóng bạc đầu và những vòng hoa trên biển. Những ánh mắt tiếc thương vẫn dõi theo hoài những cánh hoa trôi trên biển. Phải làm gì đây để xứng đáng với sự hy sinh cao cả của các anh, phải làm gì để hương hồn các anh yên nghỉ nơi lòng biển khơi sâu thẳm? Những câu hỏi đó cứ vương vấn hoài trong tâm trí mọi người kể cả khi rời tàu trở về với đất liền, với bao bộn bề công việc đời thường.

Được biết, đến nay, Quân chủng Hải quân chỉ mới đưa được một số ít liệt sĩ về với quê hương, số liệt sĩ còn lại vẫn nằm nơi đáy sâu biển khơi. Trong thời gian đến, Quân chủng Hải quân sẽ tiếp tục tổ chức tìm kiếm, cất bốc, phân tích AND để xác định danh tính hài cốt một số liệt sĩ trong số những đồng chí đã hy sinh tại Trường Sa năm 1988. Đồng thời, giải quyết chính sách hậu phương quân đội, xây dựng nhà tình nghĩa cho các gia đình có liệt sĩ hy sinh khi đang làm nhiệm vụ trên quần đảo Trường Sa.
 
Quân chủng Hải quân cũng triển khai hàng loạt các dự án trên khu vực quần đảo Trường Sa nhằm bảo đảm về an ninh quốc phòng, chăm lo đời sống cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo. Với những nỗ lực trên, chắc rằng các liệt sĩ sẽ an lòng yên nghỉ ngàn thu vì Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn ghi nhớ công ơn các anh, quyết tâm đấu tranh bảo vệ biển trời quê hương. 
               
Bài và ảnh: MỸ HẠNH

;
.
.
.
.
.