Hội trại mang tên Festival “Tuổi trẻ sáng tạo” do Trường Đại học Bách khoa (ĐHBK) tổ chức vừa khép lại vào cuối tuần qua. Nhưng một bầu không khí mới vừa được nhem nhóm lên trong lòng 4.000 SV tham dự, bởi các hoạt động của hội trại đã giúp họ củng cố sự tự tin khi thể hiện mình, bên trong và cả bên ngoài khuôn khổ festival.
Đến... mọt sách cũng “quậy”
4.000 sinh viên hào hứng tham dự Festival “Tuổi trẻ sáng tạo” do ĐH Bách khoa Đà Nẵng tổ chức. |
Thầy Đoàn Anh Tuấn, cán bộ Phòng Công tác sinh viên (ĐHBK) cho biết, những trò chơi lớn kết hợp với hiểu biết về công nghệ thông tin của SV là nét mới lạ nhất của hội trại này. Trong chương trình Gala Tin học, SV vừa ôn lại những kiến thức tin học tầm cao, vừa tìm hiểu những ứng dụng công nghệ mới, tạo được sự tự tin và khơi dậy trí tò mò khám phá của SV. Việc kết hợp với một số doanh nghiệp trong công tác tổ chức là một hình thức kết nối SV với cộng đồng khi đưa hội trại ra ngoài khuôn khổ nhà trường, cũng là dịp để các ứng viên tương lai thể hiện mình trước nhà tuyển dụng. Ngoài ra, SV còn thể hiện khả năng hoạt động nhóm qua sự “đồng cam cộng khổ” để giải quyết các câu hỏi hóc búa…
Nhiều anh “mọt sách” cũng theo đó mà hào hứng lây. Mấy năm nay “chúi mũi” vào học hành, cậu SV Lê Xuân Quang (lớp trưởng lớp 05X1D) ít có dịp giao lưu, “trà dư tửu hậu” với bè bạn, nên dự festival lần này, Quang như mở cờ trong bụng. “Cả lớp đoàn kết ngoài sức tưởng tượng. Hiện nay, chương trình học được đào tạo theo tín chỉ khiến SV không có cơ hội tiếp xúc, tìm hiểu nhau dù học chung một lớp. Qua festival, cả lớp mới hiểu nhau, thương nhau hơn. Tinh thần tập thể nhờ thế được củng cố sau 3 ngày trại ngắn ngủi”, Quang tâm sự.
Động não để thu hút SV đến với mình
Trong khuôn viên hội trại, ngoài sân khấu chính còn có 4 sân khấu của các liên chi đoàn khác nhau để SV chủ động giao lưu, sinh hoạt. Đây là các sân khấu mở, cùng một lúc nhiều hoạt động diễn ra trên nhiều sân khấu với một chủ đề chung. Các đoàn viên phải động não tối đa để càng nhiều SV tìm đến với sân khấu của mình càng tốt.
Thạc sĩ Huỳnh Phương Nam, Bí thư Đoàn Trường ĐHBK Đà Nẵng bộc bạch: “Muốn thu hút SV vào những hoạt động đó, cán bộ liên chi đoàn buộc phải có những chương trình mới lạ và có sức thuyết phục người xem. Tham gia hoạt động này, các đoàn viên có dịp so tài, nhất là những SV có năng khiếu hoạt động Đoàn – Hội, tạo nét mới trong các hoạt động dã ngoại về sau”.
Song song với chương trình giao lưu, hội trại còn là nơi tôn vinh tài năng, gương sáng SV. Chương trình trao học bổng hỗ trợ SV nghèo, khuyết tật, mang bệnh hiểm nghèo hiếu học tạo điều kiện để SV hiểu và thông cảm, chia sẻ với nhau nhiều hơn. Đỗ Trọng Lộc, SV lớp 08THXD, bị liệt 2 chân, đi học bằng xe lăn đã nhận được học bổng Đàm Vĩnh Hưng trong dịp này. Lộc chia sẻ, bố mẹ là hưu trí, nhà có 4 anh chị em, việc học của Lộc rất khó khăn vì không thể tự sinh hoạt. Học bổng đã giúp bạn có thêm điều kiện theo đuổi ước mơ. Lộc và bạn bè còn có thời gian ngồi bên nhau để nghe và thấu hiểu hoàn cảnh của nhau hơn.
Sau Festival “Tuổi trẻ sáng tạo”, thạc sĩ Tô Văn Hùng, Bí thư Đoàn ĐH Đà Nẵng khẳng định: “SV hiện nay có sự chọn lọc trong những hoạt động Đoàn, tính chất xã hội hóa trong công tác Đoàn cũng thể hiện rõ nét. SV tự nguyện đóng góp kinh phí để hoạt động Đoàn khắc phục được nhược điểm “đến hẹn lại lên”, buồn tẻ trước đây. Bản thân Bí thư Đoàn phải thật sự năng nổ, tìm kiếm nguồn hỗ trợ từ xã hội, tạo được sự gắn kết giữa các thành viên… Festival cũng là lần thử lửa, thử sức đối với các cán bộ Đoàn, thổi luồng gió mới vào những hoạt động Đoàn trong tương lai”.
TIỂU YẾN