.

Kết luận của Bộ Chính trị về tình hình kinh tế-xã hội

.

Kết luận của Bộ Chính trị về tình hình kinh tế-xã hội quý I/2009 và các giải pháp chủ yếu từ nay đến cuối năm 2009 ban hành ngày 6-4 nêu rõ, mục tiêu hàng đầu từ nay đến cuối năm là ngăn chặn suy giảm kinh tế, đồng thời cho rằng nền kinh tế nước ta có nhiều lĩnh vực còn có thể tăng trưởng tốt khi triển khai các giải pháp kích cầu.

Vì vậy, cần phải có các giải pháp tình thế, kiên quyết, kịp thời và tập trung cho các lĩnh vực này.

Bộ Chính trị nhận định nền kinh tế nước ta còn nhiều lĩnh vực còn có thể tăng trưởng tốt, nhất là lĩnh vực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển nông nghiệp, nông thôn

Đánh giá tình hình kinh tế -xã hội quý I/2009, Bộ Chính trị cho rằng, do tác động của suy thoái kinh tế thế giới, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, đầu tư, thu ngân sách... gặp nhiều khó khăn và đều bị giảm sút; hầu hết các chỉ tiêu đều đạt thấp so với kế hoạch và so với cùng kỳ nhiều năm trước.

Tán thành điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng GDP và mức bội chi ngân sách năm 2009

Nhờ sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, sự nỗ lực, quyết tâm cao của các cấp, các ngành, của doanh nghiệp và của toàn dân, nền kinh tế nước ta mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng đã đạt được những kết quả tích cực, thể hiện rõ trong một số ngành, lĩnh vực. Những khó khăn về sản xuất, việc làm, đời sống của nhân dân đang được tháo gỡ. Tình hình chính trị-xã hội ổn định. Trong những tháng tới sẽ có thêm một số biện pháp tích cực được triển khai, thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển để đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn quý I vừa qua.

Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 3-2009, Chính phủ đã nhất trí đề nghị Đảng, Quốc hội cho phép điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng năm 2009 xuống khoảng 5%; bội chi ngân sách tối đa không quá 8%.

Bộ Chính trị kết luận, mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm là tập trung cao độ mọi nỗ lực ngăn chặn suy giảm kinh tế, phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế hợp lý, bền vững, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, chủ động phòng ngừa lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; trong đó mục tiêu hàng đầu là ngăn chặn suy giảm kinh tế.

Để phù hợp với tình hình thực tế, Bộ Chính trị tán thành việc điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng kinh tế (GDP) và mức bội chi ngân sách trong năm 2009. Giao Ban Cán sự Đảng Chính phủ tiếp tục theo dõi diễn biến tình hình, xây dựng các phương án cụ thể để trình Quốc hội (khóa XII) quyết định trong kỳ họp thứ 5 sắp tới.

Mở rộng diện cho vay hỗ trợ lãi suất, hỗ trợ nông dân, người nghèo

Bộ Chính trị lưu ý cần triển khai tốt giải pháp mở rộng diện cho vay lãi suất ưu đãi với thời gian dài hơn (2 năm) để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất trong những lĩnh vực có thị trường, có hiệu quả; nghiên cứu việc tiếp tục giảm lãi suất tín dụng đầu tư phát triển và tín dụng chính sách xã hội phù hợp với tình hình mới.

Đồng thời, tăng cường hỗ trợ nông dân thông qua việc cấp các khoản tín dụng ưu đãi để mua sắm máy móc, thiết bị cho sản xuất, chú ý đẩy mạnh phát triển cơ khí trong nước để trang bị cho nông nghiệp.

Bộ Chính trị nhấn mạnh việc thực hiện chính sách hỗ trợ người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, tập trung triển khai thực hiện chủ trương xây dựng nhà ở cho học sinh, sinh viên từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ; triển khai thực hiện các đề án phát triển kinh tế-xã hội đối với các huyện nghèo. Nghiên cứu lập quỹ mua nhà trả góp để hỗ trợ đối tượng thu nhập thấp có khó khăn về nhà ở. Có chính sách hỗ trợ một phần để đảm bảo đời sống đối với những người bị mất việc làm trong các doanh nghiệp... Thực hiện tiến trình cải cách tiền lương theo tiến độ.

Đi đôi với việc giải quyết những khó khăn trước mắt, phải có các giải pháp dài hạn, căn cơ trong phát triển kinh tế-xã hội, tạo chuyển biến thật sự về chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế trong những năm tiếp theo , nhất là về mục tiêu, định hướng phát triển và cơ cấu kinh tế,...

Ngoài ra, cần có những biện pháp tích cực để tiếp tục cải thiện dần các cân đối kinh tế vĩ mô, tăng cường công tác dự báo, cảnh báo để chủ động phòng ngừa lạm phát cao trở lại, lưu ý chủ động phòng chống thiên tai trong mùa mưa, lũ.

Theo Cổng TTĐT Chính phủ

;
.
.
.
.
.