.

Khát vọng sống

.

Tôi cũng đã nhiều lần vào bệnh viện thăm người thân và đã bao lần chứng kiến những cảnh cùng cực éo le. Nhưng đó chỉ là cảm nhận, mọi chuyện còn hơn thế nữa khi thật tình cờ tôi đọc lá đơn mà đúng hơn đó là tâm sự của một thanh niên ở một vùng quê nghèo khi mắc phải chứng hư thận phải điều trị gần chục năm nay.

Lá đơn - tâm sự của một bệnh nhân

Y tá trưởng Nguyễn Thị Hoàng Hoa đang kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân Võ Thị Thùy Vân.     

Trong một chuyến công tác, tôi đã gặp một người đàn ông gầy guộc, đen đũi. Anh nhờ tôi gửi đơn đến các cơ quan báo chí, các nhà hảo tâm hãy quan tâm chia sẻ một cảnh đời, một số phận, một người bệnh ở tuổi đẹp nhất của đời mình nhưng đã gần 10 năm anh phải sống nơi bệnh viện. Người đưa cho tôi lá đơn đó là anh Hồ Châu, anh trai của bệnh nhân Hồ Lựu, sống tại thôn Vân Tây, xã Bình Triều, huyện Thăng Bình, Quảng Nam.

Đọc lá đơn (thư) mới thấy, sức khỏe là vàng, những người khỏe mạnh là người hạnh phúc. Anh Hồ Lựu tâm sự: “Tôi sinh ra và lớn lên từ một vùng quê, đất cát trắng bạc màu. Vì gia đình quá khó khăn nên tôi đã bỏ học từ năm cấp một để lăn lộn với công việc ruộng đồng kiếm sống. Làm mãi cũng không đủ sống, ăn bữa trưa, mất buổi tối. Vì thế, tôi xin cha mẹ ra đi để tìm cuộc sống mới. 18 tuổi tôi đã vào Đắk Lắk làm thuê…

Làm được hai năm rưỡi,  ở núi rừng, ăn uống thiếu thốn nên chẳng may tôi bị bệnh nan y - hội chứng thận hư cả hai. Tôi được bà con ở đây đưa đến điều trị tại Bệnh viện Đắk Lắk, nhưng không khỏi. Bệnh ngày một nặng, gia đình  đã chuyển tôi về Bệnh viện Đà Nẵng nhưng bệnh của tôi ngày càng trầm trọng hơn, nó hoành hành cơ thể tôi… Cho đến nay, cha mẹ tôi đã ngoài 80, già yếu, bệnh tật nên không thể nuôi nổi tôi nữa.

Gia đình tôi đã đến mức khó khăn cùng cực, xin cầu cứu các cấp, các nhà hảo tâm hãy giúp cho tôi sống thêm một thời gian nữa…”. Đọc những dòng thư tâm sự đầy nước mắt và một khát khao được sống, tôi đã tìm đến Khoa chạy thận nhân tạo, Bệnh viện Đà Nẵng - nơi anh Lựu đang nằm. Và trước mắt chúng tôi, những người bệnh nằm ở đây là những cảnh đời bất hạnh. Đã là bệnh nhân của khoa này thì hãy xem bệnh viện như nhà của mình.

Những cảnh đời bất hạnh

Thay trang phục của bệnh viện, tôi được bác sĩ Nguyễn Hữu Đa - Trưởng khoa chạy thận nhân tạo đưa đến phòng bệnh nhân. Không cần nhìn vào hồ sơ bệnh án, bác sĩ Đa đã nhớ họ, tên tuổi từng bệnh nhân. Ông giới thiệu đến thăm cô bé có khuôn mặt bầu bĩnh, ngây thơ và giới thiệu: “Đây là cháu Võ Thị Thùy Vân, 19 tuổi, trú tổ 24, phường Mân Thái, Sơn Trà - Đà Nẵng . Cháu nhập viện được một năm rồi. Cháu đang chuẩn bị thi đại học, nhưng phải đành tạm gác giấc mơ vào đại học để vào đây điều trị (chạy thận nhân tạo)”.
 
Trong căn phòng này, có gần trăm bệnh nhân đang được điều trị, có người đã 7 năm, ít hơn là 5 năm, 3 năm điều trị tại đây. Có lẽ những bệnh nhân này xem bệnh viện  là nhà, xem Khoa chạy thận này là phòng riêng của mình. Sở dĩ bệnh nhân ở lâu như vậy nên bác sĩ ở đây nhớ mặt, thuộc tên, hiểu rõ gia cảnh của mỗi người. Nhưng mẫu số chung của gia đình những bệnh nhân này là rất nghèo, phần lớn đến từ các vùng nông thôn; khi phát hiện ra bệnh thì đã quá nặng. Em Mai Hữu Huy, 11 tuổi đến từ Tiên Phước đã ở đây được 2 năm.
 
Những người lớn ở lại đây có thể tự chăm lo cho mình, còn em thì ba mẹ phải bỏ việc nhà để túc trực bên đứa con trai duy nhất của gia đình. Khi đến ngày mùa, ba mẹ Huy phải gửi em lại cho các bác sĩ và cô y tá chăm sóc, lo cho em từng viên thuốc và cả những bữa ăn nơi bệnh viện. Từ khát vọng sống, từ nỗi niềm tâm sự của anh Lựu, chúng tôi cảm nhận được rằng, dù cuộc sống khó khăn nhưng những bệnh nhân ở đây đã xem các y, bác sĩ là người nhà, còn các y, bác sĩ xem người bệnh như người thân trong gia đình. 

Cô y tá trưởng Nguyễn Thị Hoàng Hoa còn kể cho tôi những câu chuyện rất đau lòng. Nhiều người đã xin các bác sĩ để ra viện vì không có tiền điều trị. Mới đây, các bác sĩ đã rất khó xử khi phải làm thủ tục xuất viện cho bà Nguyễn Thị Hồng, 63 tuổi ở Điện Phong, Điện Bàn, Quảng Nam dù biết trước, xuất viện đồng nghĩa với chết.

Tôi thắc mắc hỏi, bệnh nhân ở đây không có bảo hiểm y tế? Cô y tá trưởng Hoàng Hoa nói: Phần lớn bệnh nhân ở đây đều có bảo hiểm y tế theo diện người nghèo và một số khác theo diện tự nguyện. Những người được hưởng bảo hiểm người nghèo thì đỡ hơn, riêng với trường hợp bảo hiểm tự nguyện, bệnh nhân phải chi trả 20% viện phí.

Mỗi lần chạy thận chi phí khoảng 300.000 đồng, mỗi tuần chạy 3 lần; như vậy, mỗi tháng bệnh nhân phải chi trả thêm hơn 1 triệu đồng chưa kể chi phí ăn uống, đi lại. Đây là số tiền quá lớn đối với những người bệnh nằm dài ngày ở bệnh viện. Do vậy, nhiều người phải xin ra viện.... Hiện khoa có 40 bệnh nhân nằm trong diện chi trả viện phí và đang gặp rất nhiều khó khăn.

Lòng yêu nghề để vượt qua những khó khăn

Với số lượng bệnh nhân trung bình của khoa từ 150 - 160 người điều trị dài hạn là con số không nhỏ. Nhưng hiện khoa chỉ có 3 bác sĩ, 2 hộ lý và 11 điều dưỡng viên (trong đó có nhiều điều dưỡng đang tập sự) nên áp lực công việc rất lớn. Nhưng theo bác sĩ Đa, ngoài áp lực công việc còn thiếu thốn thiết bị y tế. Thiết bị quan trọng nhất là máy chạy thận, khoa chỉ có 14 máy nhưng số bệnh nhân cần chạy thận gấp hàng chục lần so với số máy hiện có.
 
Chưa kể thời gian tạm dừng để bảo trì, sửa chữa định kỳ. Khắc phục tình trạng này, lãnh đạo bệnh viện và khoa đã kêu gọi anh chị em góp tiền mua thiết bị nhưng số lượng y, bác sĩ của khoa ít, thiết bị chuyên dùng quá đắt nên phải góp làm nhiều đợt, kết hợp với ngân sách bệnh viện mới mua được một vài máy. “Mỗi lần có thêm một thiết bị mới là thêm một niềm vui cho cả y, bác sĩ và bệnh nhân ở Khoa chạy thận nhân tạo Bệnh viện Đà Nẵng” - bác sĩ Nguyễn Hữu Đa tâm sự.

Chia tay với những bệnh nhân, chia tay với những y, bác sĩ, tôi cảm thấy mình có lỗi, bởi đã đôi lần tôi nghĩ chưa đúng về họ. Rằng, đến bệnh viện, sau thủ tục hành chính là “thủ tục” tài chính với bác sĩ, y tá. Bước xuống cầu thang, tôi vẫn còn nhớ mãi một điều ước của các y, bác sĩ ở đây: “Giá như có những nhà hảo tâm, những tổ chức nhân đạo hỗ trợ để thành lập “Quỹ chạy thận nhân tạo” thì chắc chắn những bệnh nhân ở đây sẽ được kéo dài sự sống đến hàng chục năm, và có thể khỏi bệnh; và cũng không còn cảnh như bà Hồng, chị Dung… xin ra viện, chờ chết vì không có tiền trả viện phí 20%. Và những người như em Huy, em Vân sẽ được đến trường, anh Lựu sẽ có một tổ ấm gia đình như anh đã từng mơ ước”.
      .
Bài và ảnh: ĐỖ VINH                       

;
.
.
.
.
.